(Kiến Thức) - Ít người biết rằng, dù rất muốn rũ bỏ cuộc sống phàm tục để dấn thân vào con đường Phật pháp nhưng vị hoàng đế đầu tiên của nhà Trần là Trần Thái Tông lại không đạt được ý nguyện của mình.
Cũng như dưới triều Lý, Phật giáo thời Trần vẫn rất được coi trọng, có một số vị vua không chỉ cảm tình với Phật giáo mà thậm chí còn xuất gia tu hành như Trần Nhân Tông, trong đó phải kể đến Trần Thái Tông - vị hoàng đế sáng nghiệp triều Trần.
Chân dung vị hoàng đế sáng nghiệp nhà Trần
Trần Thái Tông tên thật là Trần Cảnh, trước có tên là Trần Bồ (dã sử thì cho hay ông tên tục là Lành Canh theo tên một loài cá vì họ Trần vốn xuất thân làm nghề chài lưới, sau đọc chệch là Cảnh), còn tên nữa là Trần Dung. Ông sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần (10/7/1218) là con thứ 4 của Trần Thừa, thân mẫu họ Lê (dã sử cho biết bà tên là Lê Thị Phong), người thôn Lưu Gia ở Hải Ấp (nay thuộc huyện Hưng Nhân, Thái Bình).
Họ Trần do có công phò giúp vua Lý Cao Tông dẹp loạn, sau lại có con gái là Trần Thị Dung làm vợ Lý Huệ Tông, trở thành chỗ dựa cho ông vua này giữ được ngai vàng đang ngả nghiêng trong cơn biến động đương thời, do đó dần dần các nhân vật họ Trần được đưa vào nắm giữ các vị trí quan trọng trong triều đình, quyền hành của vua ngày một thu hẹp.
Tháng 12 năm Quý Mùi (1223), Trần Tự Khánh chết, quyền lực lại chuyển sang người em họ Tự Khánh là Trần Thủ Độ. Năm Giáp Thân (1224), bệnh vua càng nặng hơn, nhân cơ hội đó, tháng 10 cùng năm, dưới sức ép của Trần Thủ Độ, Lý Huệ Tông xuống chiếu lập con gái thứ 2 là công chúa Chiêu Thánh mới lên 7 tuổi làm Hoàng Thái tử rồi nhường ngôi cho (tức Lý Chiêu Hoàng). Lúc đó Trần Thủ Độ đang giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ tính kế đoạt vương quyền về tay dòng họ mình, dưới sự đạo diễn của ông, một người cháu họ là Trần Cảnh, 8 tuổi được đưa vào cung làm Chánh thủ, có nhiệm vụ hầu hạ Lý Chiêu Hoàng.
Một hôm Trần Cảnh về nói lại với Trần Thủ Độ chuyện nữ hoàng ném khăn, té nước trêu mình. Sợ việc tiết lộ thì bị giết cả họ, Trần Thủ Độ bèn bàn gấp với em họ là Thái hậu Trần Thị Dung rồi tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm. Sau đó sai đóng cửa thành và các cửa cung, cử người coi giữ nghiêm ngặt, các quan xin vào chầu vua nhưng không được chấp thuận. Tiếp đó Trần Thủ Độ loan báo nữ hoàng đã có chồng. Thế là Trần Thủ Độ đã dựng nên cuộc hôn nhân giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh. Từ chuyện chơi bời của trẻ con thành chuyện tình duyên, rồi vợ nhường ngôi cho chồng cũng là lẽ hợp lý; triều chính chuyển giao sang tay họ Trần. Tất cả đều nằm trong mưu kế mà Trần Thủ Độ tính toán và được sự hậu thuẫn đắc lực, cực kỳ quan trọng của Thái hậu Trần Thị Dung, mẹ đẻ của Lý Chiêu Hoàng, cô ruột của Trần Cảnh.
Sau khi khống chế được hoàng cung và loan báo chuyện hôn nhân của nữ hoàng, đến cuối năm Ất Dậu (1225) với bàn tay “đạo diễn” của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho chồng. Ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu (1225) Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế. Ông làm vua đến ngày 24 tháng 2 năm Mậu Ngọ (1258) thì nhường ngôi cho con là thái tử Trần Hoảng để lên làm Thái thượng hoàng. Như vậy Trần Thái Tông làm vua tổng cộng 33 năm (1225-1258), đặt 3 niên hiệu là Kiến Trung (1225 - 1232), Thiên Ứng Chính Bình (1232- 1251) và Nguyên Phong (1251 -1258).
Ông được sử sách đánh giá là “có đức nhân hậu, có tính giản dị chắc chắn, đánh giặc yên dân, mở khoa thi lấy người giỏi; Tể tướng thì chọn người tôn thất hiền năng, triều điển thì định ra lễ nghi hình luật, chế độ nhà Trần từ đấy thịnh” (Việt giám thông khảo tổng luận). Sử thần triều Hậu Lê là Ngô Sĩ Liên, trong sách Đại Việt sử ký toàn thư đã viết như sau: “Vua khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, cho nên có thể sáng nghiệp truyền dòng, lập kỷ dựng cương, chế độ nhà Trần thực to lớn vậy!”.
Bỏ ngôi lên núi Yên Tử định đi tu
Trong cuộc đời của mình, điều làm vua Trần Thái Tông day dứt nhất chính là chuyện hôn nhân, ông kết hôn với nữ hoàng triều Lý là Lý Chiêu Hoàng, sau đó được vợ nhường ngôi nhưng cuộc sống vợ chồng chỉ kéo dài 19 năm thì Thái sư Trần Thủ Độ ép vua phế bỏ ngôi Hoàng hậu. Lý do là Hoàng hậu Chiêu Thánh không sinh được con nối dõi cho vua, vì thế Trần Thủ Độ với quyền uy của mình gây ra cảnh “hoán chồng, đổi vợ”; hoàng hậu bị phế xuống làm công chúa Chiêu Thánh, chị của bà và là vợ của Trần Liễu (anh trai Trần Thái Tông) đang mang thai 3 tháng bị đưa vào cung làm vợ của em chồng với danh hiệu Hoàng hậu Thuận Thiên.
Trần Thái Tông không thể cưỡng lại được, buộc lòng phải phải lấy chị dâu, đồng thời lại là chị ruột của vợ mình, dù ông rất thương yêu Chiêu Thánh. Còn Trần Liễu uất ức mới làm loạn nhưng bị Trần Thủ Độ đánh bại, nếu không có vua xin cho thì Trần Liễu đã bị giết. Thấy trò đời đảo điên, chán ngán mọi việc nên vào một đêm năm Bính Thân (1236), Trần Thái Tông bỏ kinh thành, lên núi Yên Tử định xuất gia. Sau này, trong bài tựa viết cho sách Thiền tông chỉ nam, vua đã thuật lại chuyến đi đó của mình như sau: “Ta cải trang đem theo 7,8 người ra đi nhằm đêm mồng 3 tháng 4 năm thứ 5 niên hiệu Thiên ứng Chính Bình. Giờ Hợi đêm ấy đi ngựa qua sông, bấy giờ mới bày tỏ thật lòng mình cho tả hữu nghe, khiến ai nấy cũng đều khóc sướt mướt. Qua hai ngày trời trên đường trường vất vả. khi sang đò Phả Lại, sợ bị lộ, ta lấy khăn che mặt, khi lặn lội suối sâu núi hiểm. lúc bỏ ngựa trèo non. Đến ngày thứ ba thì lên đỉnh núi Yên Tử, vào chùa thăm quốc sư Trúc Lâm. Gặp nhau, vị sư già mừng rỡ và ân cần hỏi han có điều gì mà đến chốn này. Ta bày tỏ lòng mình chỉ mong cầu Phật chứ không cầu gì khác. Quốc sư trả lời: Trong núi vốn không có Phật, chỉ có trong lòng thôi, lòng lặng mà biết chính là Phật vậy”.
Hôm sau Trần Thủ Độ dẫn bá quan tìm ép vua phải trở lại ngôi báu và ông đành trở về địa vị quân vương. Về chuyện này, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết như sau: “Bấy giờ Chiêu Thánh không có con mà Thuận Thiên đã có mang Quốc Khang 3 tháng. Trần Thủ Độ và công chúa Thiên Cực bàn kính với vua là nên mạo nhận lấy để làm chổ dựa về sau, cho nên có lệnh ấy. Vì thế, Liễu họp quân ra sông Cái làm loạn.
Vua trong lòng áy náy, ban đêm, ra khỏi kinh thành đến chỗ quốc sư Phù Vân (quốc sư là bạn cũ của Thái Tông) trên núi Yên Tử rồi ở lại đó. Hôm sau, Thủ Độ dẫn các quan đến mời vua trở về kinh sư. Vua nói: "Vì trẫm non trẻ, chưa cáng đáng nổi sứ mạng năng nề, phụ hoàng lại vội lìa bỏ, sớm mất chỗ trông cậy, nên không dám giữ ngôi vua mà làm nhục xã tắc".
Thủ Độ cố nài xin nhiều lần vẫn chưa được vua nghe, mới bảo mọi người rằng: "Xa giá ở đâu tức là triều đình ở đó". Thế rồi [Thủ Độ] cắm nêu trong núi, chỗ này là điện Thiên An, chỗ kia là các Đoan Minh, sai người xây dựng. Quốc sư nghe thấy thế bèn, tâu rằng: "Bệ hạ nên gấp quay xa giá trở về, chớ để làm hại núi rừng của đệ tử". Vua bèn trở về kinh đô”.
Vị Hoàng đế uyên thâm Phật pháp
Ngoài thời gian điều hành chính sự, Trần Thái Tông để tâm nghiên cứu, tìm hiểu Phật pháp, quyển luận thuyết triết lý Thiền tông chỉ nam (viết khoảng năm 1256 – 1258) đã được vua chiêm nghiệm, suy ngẫm mà viết ra. Cũng trong lời tựa của sách, Trần Thái Tông kể chuyện lý do mình định bỏ ngôi đi tu là từ thuở ấu thơ đã mến mộ đạo Phật. Rồi năm 16 tuổi mẹ mất, nỗi đau mất mẹ chưa nguôi thì cha tiếp tục qua đời, nhà vua buồn, đau khổ nên quyết chí tìm đường giải thoát.
Ông không nêu rõ lý do thực sự là vì chuyện vợ chồng chia ly, bởi đây là vấn đề tế nhị và cũng là thiếu sót có chủ ý khi không muốn nhắc lại một chuyện cũ đau lòng, đầy tâm tình bí ẩn, một câu chuyện khó nói liên quan tới nhiều người. Gọi là lời tựa cho sách Thiền tông chỉ nam nhưng các nhà nghiên cứu đánh giá nó là một áng văn kể chuyện tâm tình có giá trị nghệ thuật, có sức thuyết phục trong kho tàng văn chương đời Trần.
Thực ra Trần Thái Tông khi còn trẻ đã rất quan tâm tìm hiểu Phật giáo, ông là vị vua Trần đầu tiên đích thân tu hành theo lời Phật dạy, lấy từ bi làm tông chỉ trị quốc, đem Phật pháp giáo hoá cho dân chúng thực hành theo, là bậc đại sĩ giác ngộ, uyên thâm Phật pháp. Đời sau coi ông xứng đáng là Đại sư tông Tịnh độ bởi vì tất cả những yếu chỉ cốt lõi của pháp môn niệm Phật đều không ra ngoài pháp ngữ của ông trong Niệm Phật luận: “Niệm Phật có thể dập tắt ba nghiệp là cớ sao? Lúc niệm Phật thân ngồi ngay thẳng, không làm việc tà, như vậy là tắt được nghiệp của thân. Miệng tụng lời chân chính (niệm hồng danh Phật), không nói điều xằng bậy, thế là tắt được nghiệp miệng. Ý chăm chú ở sự tinh tiến, không nảy sinh ý nghĩ tà, là tắt được nghiệp của ý”.
Lên làm vua khi mới 8 tuổi, học vấn chưa đầy đủ lại chưa biết đến Phật giáo, thế mà đến năm 40 tuổi, khi làm Thái thượng hoàng, ông đã có nhiều tác phẩm về tôn giáo này, đó là Kim cương tam muội kinh tự (Bài tựa viết về Kimh Kim Cương, cho biết lịch sử truyền đạo Phật từ Ấn Độ sang Trung Quốc, nêu tư tưởng chính của Phật giáo là tư tưởng Vô sinh); Lục thì sám hối khoa nghi (Nghi thức sám hối vào sáu thời khắc trong một ngày); Thiền tông chỉ nam ca; Thiền tông chỉ nam tự (Bài tựa Thiền tông chỉ nam ca, trình bày quá trình học Thiền tông của Ngài); Niệm tụng kệ (nếu 43 vấn đề đưới hình thức vấn đáp, đặt vấn đề rồi đáp án và đáp án bằng thơ) và Khóa hư lục (đề cập nội dung phong phú, đa dạng của Phật giáo)
Các tác phẩm của Trần Thái Tông tuy đề cập đến Phật giáo nhưng lại sử dụng cả các khái niệm, nhân vật, tư tưởng của Nho giáo, Đạo giáo thể hiện quan điểm Tam giáo đồng nguyên mà thứ tự ưu tiên là Phật – Nho – Đạo. Điều đó cho thấy Trần Nhân Tông lý giải kinh Phật và các vấn đề liên quan của Phật giáo trên cơ sở tư duy độc lập, có nhiều điểm khác với tiền nhân, chứng tỏ ông có tư duy độc lập; nhiều quan điểm, cách đánh giá, phê phán đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trần Thái Tông là một vị vua tài giỏi, nhân đức, được sử sách khen ngợi nhưng đồng thời cũng cũng phê phán những điểm hạn chế nhất định của ông dưới nhãn quan Nho giáo, nhất là chuyện gả vợ cho người khác, lấy chị dâu làm vợ, thậm chí còn chê trách có việc mộ đạo của ông…, như sách Việt sử tiêu án có viết: “Vua là người khoan nhân, có độ lượng đế vương, lập ra chế độ, điển chương đã văn minh đáng khen, nhưng chỉ vì tam cương lộn bậy, nhiều sự xấu xa trong chốn buồng khuê… Mấy năm đầu vua Thái Tôn có tính tà dâm, đều do Thủ Độ xui bảo cả; đến mấy năm sau để ý học vấn, tấn tới được nhiều, lại càng nghiên cứu điển cố trong kinh sách, có làm ra sách "Khóa Hư lục" mến cảnh sơn lâm, coi sinh tử như nhau, tuy ý hơi giống đạo Phật không hư, nhưng mà ý chí thì khoáng đạt, sâu xa cho nên bỏ ngôi báu coi như trút giầy rách thôi”.
Đàm luận với Quốc sư nước Tống và đoán đúng ngày giờ mình chết
Trong sách Đại Việt sử ký tiền biên cho biết vua Trần Thái Tông từng đàm luận với vị Quốc sư của nước Tống về đạo pháp như sau: “Khi vua Thái Tông đã đi tu thì việc thờ Phật càng chu đáo. Tất cả những chùa ở kinh sư và các chùa Quỳnh Lâm, Hoa Yên đều mở đàn chay, các sư thường có tới 600 người.
Quốc sư nước Tống là Tống Đức Thành thường đi thuyền vượt bể mà đến. Vua dạo chơi chùa Chân Giáo, mời vào nói chuyện, Đức Thành hỏi về lễ Phật Thích Ca tế độ người, vua xem câu kệ rằng:
Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt,
Vạn lý vô vân vạn lý thiên.
(Nghìn sông có nước thì nghìn sông có trăng,
Vạn dặm không có mây thì vạn dặm thấy trời).
Đức Thành lại đem việc Thế Tôn đắc đạo và tu hành chứng lý có hay không, cùng nhau biện luận, vua bèn trả lời nhanh như tiếng vang, đều thành vần thơ nhã như những câu:
Xuân vũ vô cao hạ,
Hoa chi tự đoản trường.
(Mưa xuân không kể chỗ cao, chỗ thấp,
Cành hoa tự nhiên có cành dài, cành ngắn).
Và câu:
Mạc vị vô tâm vân thị đạo,
Vô tâm do cách nhất trùng quan.
(Đừng bảo vô tâm tức là đạo,
Vô tâm còn cách một lần cửa nữa mới tới đạo).
Đức Thành lại bảo: “Các bậc đế vương khi đã giác ngộ đạo thì được nhân duyên gì?”. Vua nói: “Ta và người như dậu mộc cùng có tính hỏa, hơn nữa đạo chỉ có một mà thôi, phóng ra thì như trời đất vô cùng, thu lại thì dầu cái lông có thể chứa được. Người ta ai cũng có chất sáng suốt trong mình, như mùa xuân đến thì hoa tự nhiên nở”. Đức Thành phục vua là người giác ngộ, bái tạ rồi xin về”.
Ngày mồng 1 tháng 4 năm Đinh Sửu (1277) Trần Thái Tông băng hà, theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, trước đó một năm vị vua khai sáng vương triều Trần đã đoán trúng thời điểm mình sẽ qua đời, khi ấy ông đã rời ngôi báu để làm Thái Thượng hoàng đã được 18 năm: “Trước đó, Thượng hoàng đến ngự đường, bỗng thấy con rết bò trên áo ngự. Thượng hoàng sợ, lấy tay phủi nó rơi đánh "keng" xuống đất, nhìn xem thì hóa ra cái đinh sắt, đoán là điềm năm Đinh. Lại có lần đùa sai Minh tự Nguyễn Mặc Lão dùng phép nghiệm quan nghiệm xem điềm lành hay điềm dữ. Hôm sau Mặc lão tâu: "Thấy một chiếc hòm vuông bốn mặt đều có chữ Nguyệt, trên hòm có một cái kim, một chiếc lược". Thượng hoàng lại đoán: "Hòm tức là quan tài, chữ "nguyệt" (tháng) ở bốn bên tức là tháng 4, cái kim có thể cắm vào vật gì, tức là nhập vào quan tài, chữ "sơ" là chiếc lược, đồng âm với "sơ" là xa tức là sẽ xa rời các ngươi". Lại lúc ấy đương có trò múa rối, thường có câu: "Mau đến ngày mồng 1 thay phiên". Thượng hoàng lại đoán: "Thế là ngày mồng 1 ta chết".
Năm trước, có một hôm thượng hoàng chợt bảo tả hữu: "Tháng 4 sang năm ta tất chết". Đến nay quả như vậy”.
Chép về chuyện lạ này, sách Đại Việt sử ký tiền biên viết: “Hoặc giả vua Thái Tông đến cuối đời Phật học tiến tới, tinh vi, cho nên khi mất ngẫu nhiên có sự biết trước được, chỉ mượn việc chiêm nghiệm mà nói ra thôi. Còn về tư chất cao, học thức sáng qua đó cũng có thể thấy được”.
Cũng trong sách này, sử thần triều Hậu Lê là Ngô Sĩ Liên có lời bàn như sau: “Điềm lành hay điềm gở chỉ có người thành tâm mới có thể biết trước được. Cho nên Đại truyện Kinh Dịch có nói: “Tượng sự tri khí, chiêm sự tri lai hư” (Hình dung được sự vật thì biết chế tạo ra khí cụ, chiêm đoán được sự việc thì biết tương lai), nhưng tất cả phải sau khi suy nghĩ, nghiền ngẫm trong lòng mình, Thái Tông đoán biết những ngày sau là chiêm nghiệm được sự việc đấy. Nếu không phải là người biết rõ lễ, lòng thành kính, chỉ nhân sự việc mà đoán để khẳng định thì chưa có ai không chuốc tai họa về sau. Đó là sự khác nhau giữa cái học về sấm, ký, thuật số với cái học của thánh hiền đấy chăng?”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét