Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Một ngày trên sông Hồng

Sống ở Hà Nội nhiều năm nay, nhưng chưa một lần tôi được khám phá cuộc sống của người dân hai bên bờ sông Hồng đỏ nặng phù sa.
Thế là chọn một ngày rảnh rang, trời mát, rủ thêm vài người bạn, chúng tôi theo thuyền du lịch ở bãi Phúc Tân (TP.Hà Nội) ngao du một ngày trên sông Hồng. Chuyến dã ngoại ngắn, nhưng đầy thú vị.

Ngao du trên bến, dưới thuyền

Tùy sở thích, khách du lịch du thuyền sông Hồng có khá nhiều lựa chọn gói tour. Đọc qua thì thấy nhiều gói khá hấp dẫn như điền dã, đạp xe trekking hoặc du lịch tâm linh (thăm đền chùa...). Sau một hồi đắn đo, chúng tôi quyết định bỏ ra mỗi người 300.000đ và chọn các điểm đến gồm: Đền Dầm, đền Tiên Dung – Chử Đồng Tử và làng gốm Bát Tràng. Những địa danh này quá quen thuộc bởi tôi đã từng đến thăm theo đường bộ, bằng xe máy. Song đi du lịch theo đường thủy thì quả là lần đầu. Mang tâm trạng phấn chấn đó, 7 giờ sáng, chúng tôi lên tàu.

Sông Hồng mùa này nước cạn và trông xác xơ hơn ngày thường. Chuyến du lịch dù ít khách, nhưng không vì thế mà kém sôi nổi. Anh hướng dẫn viên trẻ măng dõng dạc thông báo tình hình thời tiết, nhiệt độ, mực nước sông Hồng cùng những điểm mà chúng tôi sẽ đến. Buổi sáng, gió mát mơn man da thịt. Nhiều trẻ em lần đầu được đi tàu thủy nên tỏ ra thích thú, đùa cười khanh khách. Cô bạn thân quay sang tôi thủ thỉ - “Biết thế rủ lão người yêu đi cùng nhỉ, gió mát thế này mà có anh chàng bên cạnh rủ rỉ thì cũng thú phết mày ạ!” - khiến tôi phịch cười khi nhìn vẻ mặt hớn hở của nó.

Hai bên bờ bãi sông Hồng dần hiện ra với những mái nhà liêu xiêu, những chiếc thuyền con nằm ven mép. Nhiều bến đỗ tàu thuyền chở gốm sứ, vật liệu xây dựng... Người bốc vác thuê lam lũ miệt mài chuyển từng sọt hàng vào bờ khi cái nắng đầu hè dần hửng lên. Bác chủ thuyền cho biết: “Hàng hoá vận chuyển theo đường thủy thì chi phí vận chuyển thấp hơn và dễ vận chuyển hơn. Mùa này sông cạn nước nên cũng thưa người hơn, chứ lúc nước nổi, thuyền bè tấp nập, đông vui lắm”.

Khoảng 9 giờ, chúng tôi đến điểm đầu tiên là đền Dầm (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín - ảnh). Tàu cập bến, đưa du khách lên đền theo con đường mòn râm mát. Con đường làng ngát hương hoa bưởi khiến mọi người nhận thấy ngay vẻ thanh tịnh của làng quê. Không ngờ nơi cách trung tâm thành phố không xa này vẫn giữ được nhiều nét cổ kính như giếng nước, sân đình, cây đa. Đền Dầm cũng là điểm du lịch tâm linh lý tưởng với không gian rộng rãi, thoáng mát. Chúng tôi dạo chơi quanh khu đền, thưởng thức chè xanh cùng những đặc sản tại đây như bánh giầy, bánh lá... Tất cả tạo nên một cảm giác yên bình đến nao lòng!

Sau hơn nửa tiếng ngao du khắp làng, chúng tôi lại đến Khoái Châu (Hưng Yên) - nơi có đền Tiên Dung – Chử Đồng Tử. Ngôi đền nằm khá cao và ngạo nghễ ở ngay bến sông Hồng. Vẻ cổ kính của ngôi đền cũng khiến chúng tôi đỡ hẳn cảm giác mệt mỏi và oi nồng của ban trưa. Tiếng nói nhẹ nhàng của hướng dẫn viên khi kể về mối tình cảm động của Tiên Dung – Chử Đồng Tử khiến không ít bạn trẻ tròn mắt thích thú. Thu – một du khách cùng đoàn đi chơi cùng bạn trai - cứ cười bẽn lẽn: “Thật sự là bây giờ em mới hiểu rõ gốc tích của câu chuyện tình này, chứ ngày trước nghe cô giáo giảng bài cũng chỉ nhớ và hiểu mang máng. Không ngờ là có nhiều chi tiết ly kì đến vậy!”.

Bữa cơm trưa được ăn ngay trên tàu. Thấm mệt vì đã quá trưa, tuy vậy mọi người ăn uống vẫn rất ngon miệng và hỉ hả. Gió từ bến sông thổi vào mát rượi khiến bữa ăn càng trở nên gần gũi hơn. Bạn tôi lại thì thầm: “Không có gì đặc biệt, nhưng mà vẫn thú vị. Được hiểu thêm một chút về cuộc sống ven bờ sông Hồng cũng thú vị lắm!”. Sau đó, thuyền lại nhẹ nhàng rời bến, tiếp tục đưa chúng tôi vòng về làng gốm Bát Tràng và rong chơi ở làng suốt buổi chiều. Nhiều người hỉ hả xách về nhiều món gốm xinh xắn, đặc biệt là những du khách nước ngoài. Khoảng thời gian này cũng đủ để trẻ con thử sức nặn gốm, tô tượng, người lớn thì dạo chợ mua đồ. Bốn giờ chiều, tàu đưa du khách về lại Hà Nội sau một ngày ngao du trên bến, dưới thuyền đã thấm mệt.

Để níu chân du khách thì… chưa

Với số tiền 300.000đ cho một ngày đi chơi với lịch trình như trên, hẳn là không ít người dân sẵn sàng bỏ tiền để đổi lấy một chuyến dã ngoại lý thú trên sông Hồng. Tôi và bạn tôi đều cảm thấy khá hài lòng ở những nơi được đặt chân đến, cả những cảm nhận về cuộc sống thường nhật của người dân ven sông mà không phải lúc nào cũng có cơ hội được chiêm nghiệm.

Tuy vậy, để có thể níu giữ chân du khách khiến họ sẵn sàng quay lại tiếp tục khám phá những hành trình khác dọc bờ sông Hồng có lẽ vẫn là điều khó. Lý do duy nhất là chính là chất lượng phục vụ. Ngay từ đầu, điểm đón du khách đã không mấy bắt mắt khi con đường dẫn vào bãi vẫn nhếch nhác, bẩn thỉu đầy rác. Đội ngũ phục vụ đón du khách với một vẻ điềm nhiên, không xúc cảm khiến tôi thấy ái ngại cho những du khách nước ngoài. Thuyền du lịch vốn đã cũ, nay cũng chẳng tân trang gì thêm. Bữa cơm trưa tuy nấu rất ngon, nhưng bát đũa đã cũ kỹ nên du khách khó lòng cảm nhận trọn vẹn chất lượng của bữa ăn.

Nhiều người chép miệng: “Chừng ấy tiền thì cũng chỉ đến thế thôi!” khiến tôi cảm thấy chạnh lòng. Du khách trong nước phải chăng nhiều lúc hơi dễ dãi với chất lượng dịch vụ vốn dĩ xưa nay yếu thế. Những điều dường như nhỏ nhặt nhưng chính là mấu chốt của chuyến đi. Giá như chị phục vụ viên trên tàu niềm nở hơn, vui vẻ hơn thì du khách hẳn sẽ rất hài lòng. Bữa cơm trêu tàu hẳn sẽ ngon lành hơn nếu bát đũa không quá cũ kỹ, khăn trải bàn không quá nhàu nhĩ... Bạn tôi vốn tính xuề xoà nên cứ cằn nhằn: “Mày hơi khó tính nên mới để ý như vậy chứ tao thấy cơ bản là cũng được! Đi chơi thoải mái tinh thần, lại được tập thể dục, quen thêm bạn bè. Vậy là vui rồi!”.

Hay là tôi cũng hơi khó tính thật nhỉ!
Hải Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét