:
Đèo Cà, thuộc địa phận xã Đồng Hưu, huyện Yên Thế nằm trên con đường huyết mạch chi viện lương thực, vũ khí, đạn dược cho mặt trận Điện Biên Phủ. Đỉnh đèo là một lối đi độc đạo giữa núi cao, vực thẳm, nhưng ngày đêm từng đoàn xe ô tô, xe thồ… vẫn nối đuôi nhau ra tiền tuyến. Chính vì vậy, giặc Pháp đã ngày đêm dội bom xuống nơi đây nhằm chặt đứt con đường. Nhưng lực lượng thanh niên xung phong tỉnh Bắc Giang đã bám trụ cùng với "Cửa tử Đèo Cà" viết lên trang sử hào hùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
|
Thực hiện kế hoạch Na Va, thực dân Pháp toan tính "canh bạc" quyết định qua trận đánh cuối cùng tại mặt trận lòng chảo Điện Biên Phủ. Chúng đã cho máy bay, đại bác bỏ bom, bắn phá, huỷ hoại mọi tuyến đường dẫn tới mặt trận này, nhằm chặn đứng mọi sự chi viện của hậu phương cho tiền tuyến. Chính vì vậy, mọi sự giúp đỡ của nước bạn Trung Quốc và phe xã hội chủ nghĩa đều phải đi theo con đường tắt độc đạo, từ Đèo Cà (Bắc Giang), qua Thái Nguyên, Tuyên Quang… để tới Điện Biên Phủ. Khi phát hiện ra tầm quan trọng của con đường này, thực dân Pháp đã điên cuồng ngày đêm trút bom đạn xuống nơi đây, mà Đèo Cà là trọng tâm hứng chịu mọi loại vũ khí của kẻ thù. Đèo Cà đã trở thành "Cửa tử" trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhằm giữ vững mạch máu giao thông thông suốt trong bất kỳ tình huống nào, hai đơn vị TNXP C-231 và C-232 của tỉnh Bắc Giang đã được điều động tới đây để làm nhiệm vụ. Với tinh thần: "Giặc phá ta lại làm, giặc đánh ta cứ đi" kiên quyết bảo đảm an toàn cho mọi chuyến xe chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Chỉ tính riêng đợt cao điểm trong 35 ngày đêm (từ mồng 4 tháng 4 đến ngày mồng 7 tháng 5 năm 1954) máy bay và đại bác của giặc Pháp đã trút xuống khu vực Đèo Cà và các vùng lân cận của xã Đồng Hưu, Hương Vỹ nằm trên con đường huyết mạch này 1750 quả bom tấn, bom sát thương có trọng lượng từ 50 đến 300 kg và 6300 quả đại bác nhằm chặt đứt con đường. Nhưng chính trong 35 ngày đêm máu lửa ấy, lực lượng TNXP C-231 và C-232 tỉnh Bắc Giang đã làm nên điều kỳ diệu mà kẻ thù không thể nào ngờ tới: Đó là 2500 lượt xe ô tô chở lương thực, vũ khí, đạn dược vẫn qua "Cửa tử Đèo Cà" một cách an toàn tới mặt trận, kịp thời tiếp sức cho bộ đội ta nã đạn vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chỉ tính riêng đội TNXP C-231 đã làm được 12.600 (một vạn hai ngàn sáu trăm) ngày công phá đá, mở đường, san lấp hố bom và rà phá hàng trăm quả bom mìn nổ chậm, bảo đảm an toàn cho các chuyến xe qua. Nhiều các anh chị TNXP, dân công hoả tuyến đã anh dũng hy sinh ngay trên mặt đường khi đang làm nhiệm vụ như: Liệt sĩ Hoàng Thị Thu, Đỗ Đình Mạc, Nguyễn Văn Thắng, Đặng Huy Tảo… Để lời thơ: Đèo Cà, Suối Rút, Lũng Lô/Cò Nòi, Tuần Giáo, Chợ Bờ, Pha Đin/ Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng… vang mãi tới bây giờ. Giờ đây, những đội viên cựu TNXP ngày ấy nay đều đã ở tuổi 75 - 80, nhưng ký ức về những ngày đêm phá đá, mở đường, rà phá bom mìn, san lấp hố bom dưới làn bom đạn của kẻ thù cho xe ra tiền tuyến nơi "Cửa tử Đèo Cà" vẫn không hề phai mờ trong họ, họ vẫn cùng sinh hoạt trong cựu TNXP của tỉnh Bắc Giang, thường xuyên nhắc nhau giữ vững phẩm chất, truyền thống của người đội viên TNXP, đoàn kết, gương mẫu trong sinh hoạt và giúp đỡ con cháu làm kinh tế để xoá đói, giảm nghèo.
Cựu thanh niên xung phong C-231 (huyện Yên Thế) mở đường Đèo Cà trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ghi nhận sự cống hiến quên mình của lực lượng TNXP tỉnh Bắc Giang trong kháng chiến chống Pháp nói chung, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, ngày 12-7-2007, UBND tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định xếp hạng Đèo Cà là điểm di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Cuối năm 2007, bia di tích lịch sử văn hóa TNXP cũng được gắn trên đỉnh Đèo Cà, nơi cách đây 55 năm tuổi trẻ Bắc Giang đã viết nên thiên anh hùng ca trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hiện nay, huyện Yên Thế đã lập bản đồ quy hoạch 8,8 ha đất xung quanh khu vực Đèo Cà thuộc xã Đồng Hưu và đang lập dự án để xây dựng Nhà truyền thống, Đài tưởng niệm TNXP trong khuôn viên khu di tích lịch sử đã quy hoạch. Đặc biệt, với tâm nguyện của những cựu đội viên TNXP hiện đang còn sống, đã cùng đồng tâm đề nghị Đảng và nhà nước xem xét công nhận hai đơn vị TNXP C-231, C-232 tỉnh Bắc Giang là đơn vị Anh hùng trong kháng chiến chống Pháp.
Trần Thị Mây Lai
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét