Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Giá trị văn hoá lịch sử chùa Tân Linh



  
Chùa Tân Linh.
Chùa Tân Linh có tên Nôm là chùa Tam Sơn thuộc thôn Tam Sơn, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá từ năm 2005.
Không ai nhớ chính xác chùa Tân Linh được khởi dựng từ năm nào, nhưng căn cứ vào lời kể của các cụ cao niên trong thôn và qua việc điều tra, khảo sát làng xã, khu vực di tích cho biết chùa Tân Linh có lịch sử từ thời Nguyễn. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chùa bị giặc Pháp phá dỡ, lấy nguyên vật liệu để xây bốt Con Lợn. Hoà bình lập lại, chính quyền và nhân dân thôn Tam Sơn mới có điều kiện hưng công tu tạo lại ngôi chùa. Năm 1995, di tích được trùng tu lớn, nhân dân địa phương đã công đức vào chùa nhiều hiện vật và đồ thờ tự có giá trị. Mặc dù đã trải qua nhiều lần tu sửa không còn nguyên vẹn như xưa nhưng với nguồn tài liệu, hiện vật còn bảo lưu ở chùa như: hương án, đồ thờ tự, hệ thống tượng Phật, nguồn di sản Hán Nôm cũng như tổng thể công trình văn hoá tôn giáo này chính là nguồn tư liệu quý giá chứng minh cho một thời kỳ cách mạng, một giai đoạn lịch sử dân tộc đã diễn ra nơi đây.
Chùa Tân Linh toạ lạc trên khuôn viên đẹp đẽ, bằng phẳng nhìn về hướng tây ghé nam. Phía trước là cánh đồng trải rộng tạo cho ngôi chùa một không gian thoáng đãng. Cũng như nhiều công trình văn hoá khác, chùa Tân Linh có kiến trúc theo lối chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường nối với 2 gian thượng điện. Đến với di tích, đầu tiên du khách sẽ nhìn thấy tam quan chùa mới được làm năm 1995, trên cổng tam quan khắc 3 chữ "Tân Linh tự" tức chùa Tân Linh. Qua tam quan đi theo con đường nhỏ khoảng 5m là tới sân chùa. Sân chùa được lát gạch vuông, hai bên tả, hữu là vườn cây xanh cùng nhiều khu nội tự khác như: nhà tạo soạn 5 gian, nhà vong 2 gian, nhà tưởng niệm thờ Bác Hồ 4 gian. Hệ thống cột gỗ trong chùa đều được làm bằng cột lim, các thành phần bao che xung quanh như hệ mái phẳng, tường xây gạch chỉ, mái lợp ngói mũi, cửa gỗ bức bàn chạy suốt 5 gian, cùng thể xây như bờ nóc, bờ dải, hai cột đồng trụ cũng mới được tu tạo lại.
Chùa Tân Linh là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử của nhân dân địa phương. Trong thời kỳ tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên hoạt động (những năm 1927-1928), chùa Tân Linh trở thành cơ sở và trạm liên lạc quan trọng của cách mạng. Ông Nguyễn Văn Mẫn, sinh năm 1925 ở Mỹ Thái, Lạng Giang, nguyên là lão thành cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa 1941-1945 cho biết "Chùa Tam Sơn (chùa Tân Linh) thường xuyên là nơi hội họp, tuyên truyền cách mạng, phổ biến các nghị quyết, Chỉ thị của Đảng". Bản thân ông Mẫn làm liên lạc cho chiến khu Bừng, Lạng Giang  cũng thường xuyên về chùa giao cho Chi bộ những chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Trong thời gian này, ông thường gặp các đồng chí Ngô Gia Chinh, Ngô Văn Tiếp, Ngô Văn Sầm… qua lại ấp Tam Sơn hoạt động và tổ chức họp kín tại chùa. Đồng thời, chùa Tân Linh còn là nơi tuyên truyền phổ biến các nghị quyết, chỉ thị cho những đảng viên ở Hưng Yên, Hải Dương lên ấp Tam Sơn.
Từ xưa tới nay, chùa Tân Linh là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng và tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương. Hàng năm, hội chùa được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch với nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc như: đánh đu, chọi gà, bịt mắt đập niêu…
Thu Hằng
  (Ban Quản lý di tích tỉnh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét