Từ thành phố Bắc Giang ngược theo quốc lộ I đến thị trấn Kép rẽ trái theo đường tỉnh lộ 265 đi chừng 13 km là đến xã Bố Hạ, huyện Yên Thế. Từ đây rẽ trái theo đường liên xã khoảng 2 km là đến di tích đình Xuân Lan.
|
Theo các cụ cao niên trong thôn, đình được khởi dựng từ thời Lê ở vị trí ven sát bên bờ sông Thương. Khi ấy, đình có quy mô to, rộng, bề thế với lối kiến trúc độc đáo. Song trải qua thời gian cùng sự tàn phá của lũ lụt, thời tiết, ngôi đình bị xuống cấp nhiều.Nhân dân địa phương với lòng tôn kính bậc thánh có công với dân làng đã mua gỗ về xây dựng, khôi phục lại ngôi đình cũ và chuyển đình về vị trí hiện nay để tránh lũ lụt hàng năm. Chính vì vậy, đình Xuân Lan còn giữ nguyên được những mảng kiến trúc có sự phối kết hợp phong cách nghệ thuật của thời Lê - Nguyễn.
Ngày nay, đình Xuân Lan nằm trên một khu đất đẹp ở phía đông của làng Xuân Lan, xã Bố Hạ, huyện Yên Thế, ngoảnh mặt nhìn về hướng đông nam. Phía trước đình là cây đa cổ thụ vài trăm năm tuổi nằm sát cạnh đường giao thông liên xã quanh năm toả bóng mát cho ngôi đình. Qua bên kia đường giao thông là nhà dân và dòng sông Thương hiền hoà chảy qua trước mặt. Bên cạnh đình là ao đình và cánh đồng lúa xanh tốt như hứa hẹn một vụ mùa bội thu cho dân làng. Phía sau đình là khu sinh hoạt văn hoá của nhân dân thôn Xuân Lan khiến cho ngôi đình bớt phần hiu quạnh. Bố cục mặt bằng đình được làm theo lối kiến trúc truyền thống hình chữ đinh (T) gồm toà tiền tế gắn kết với hậu cung. Toà tiền tế gồm 3 gian 2 chái 2 dĩ với 4 mái đao cong vút tạo cho ngôi đình thêm mềm mại. Bờ nóc đình đắp thẳng ở giữa có trang trí hình "lưỡng long chầu nguyệt". Tường xây gạch chỉ, mái lợp ngói mũi, nền lát gạch vuông. Bên trong đình kết cấu kiến trúc gỗ được tạo bởi 4 vì, mỗi vì 4 hàng chân cột, mỗi hàng 6 cột tổng cộng 24 cột gỗ lim to, chắc, khoẻ. Mỗi vì được gắn kết với nhau theo kiểu kiến trúc riêng. Hai vì gian giữa kết cấu theo kiểu thượng chồng giường giá chiêng, hạ chồng giường. Hai vì gian bên lại được làm theo kiểu thượng chồng giường giá chiêng, hạ kẻ chàng với hình thức chạm khắc hoa văn đơn giản không cầu kỳ tinh xảo mà chủ yếu là hoa văn cúc cách điệu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Hệ thống đầu dư trong đình còn lại 4 chiếc được chạm khắc trang trí khéo léo, tinh xảo hình đầu rồng mang phong cách nghệ thuật thời Lê. Toà hậu cung đình gồm 2 gian với lối kiến trúc gỗ theo kiểu thượng chồng giường giá chiêng, hạ kẻ chàng. Bên trong hậu cung có dựng ván sàn cao 1m45 làm nơi thờ thánh tôn nghiêm. Trên hậu cung có đặt ngai, bài vị thờ thánh Cao Sơn - Quý Minh. Điều đó cho ta biết đình Xuân Lan là nơi tôn thờ 2 vị thần Cao Sơn - Quý Minh đều là những vị thần có nhiều công lao trong việc giúp đỡ nhân dân dẹp giặc giữ yên đất nước. Bên cạnh giá trị nghệ thuật mang đậm phong cách thời Lê - Nguyễn, đình Xuân Lan còn mang trong mình một giá trị lịch sử lớn lao. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đình chính là nơi trú quân, ẩn náu của các cán bộ cao cấp của Đảng. Đồng chí Hà Thị Quế đã từng hội họp, bàn bạc công việc tại đình. Năm 1946, đình là kho quân khí chứa đầu tàu xe lửa, vũ khí đạn dược của quân đội. Những năm 1948-1951, đình là kho quân nhu hậu cần của bộ đội ta. Sang đến thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, bến Ghềnh phía trước cửa đình là nơi tập kết chuyển đạn xuống sà lan đưa vũ khí vào phục vụ cho chiến trường miền Nam. Ngoài ra, đình cũng là nơi chứa đựng máy móc của Bộ Quốc phòng. Hoà bình lập lại, đình là nơi tôn thờ, tưởng nhớ công lao của những người có công với nước. Mỗi năm xuân thu nhị kỳ vào ngày mồng 10 tháng giêng và 20 tháng 8 âm lịch, đình là nơi trung tâm diễn ra lễ hội tưởng nhớ đức thánh Cao Sơn - Quý Minh với các trò chơi dân gian vui nhộn, độc đáo, qua đó, góp phần giáo dục các thế hệ con cháu luôn biết ghi nhớ, gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại.
Phùng Thị Mai Anh
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét