Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

Tượng Thích Ca Sơ Sinh chùa Vĩnh Nghiêm



  
Tượng Thích Ca Sơ Sinh ở chùa Vĩnh Nghiêm.
Trong hệ thống tượng Phật ở chùa Vĩnh Nghiêm, thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tượng Phật Thích Ca Sơ Sinh là một bức tượng đẹp vừa giàu tính Phật giáo, vừa đậm chất tạo hình nghệ thuật.
Theo lịch sử Phật giáo, có bốn thời điểm quan trọng trong cuộc đời của Phật Thích Ca Mâu Ni là: Đản Sinh - Thành Đạo - Chuyển Pháp Luân - Nhập Niết Bàn.
Đản sinh: Thái tử Tất Đạt Đa được hạ sinh tại vườn Lâm Tỳ Ni của đất nước Ấn Độ cách ngày nay khoảng 2552 năm.
Thành Đạo: Sau nhiều năm tu tập gian khổ, thái tử Tất Đạt Đa giác ngộ Chính đẳng, chính giác dưới gốc cây Bồ Đề, lúc đó người 35 tuổi.
Chuyển Pháp Luân: Phật Thích Ca lần đầu thuyết pháp, bánh xe pháp từ đó được vận hành. Nơi đó gọi là Lộc uyển (vườn nai).
Nhập Niết bàn: Sau 45 năm du hành thuyết pháp, năm 80 tuổi Phật Thích Ca qua đời tại rừng Câu hy la. Theo niềm tin Phật giáo, Thích Ca đã dời cõi Dư Ý Niết bàn để vào cõi Vô Dư Ý Niết Bàn, nên gọi là Nhập Niết Bàn.
Theo truyền thuyết khi mới sinh ra, Tất Đạt Đa đi 7 bước, dưới chân nở ra 7 đóa hoa sen, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà nói rằng: "Thượng thiên hạ địa, duy ngã độc tôn" (trên trời dưới đất ta là tôn quý nhất). Cùng khi đó, có chín con rồng phun nước tắm cho Phật sơ sinh, các tầng trời mở ra và chư thiên mừng rỡ, cõi Phật hoan hỷ. Ở Việt Nam, hình tượng này được tạo thành một toà Cửu long, có 9 đầu rồng hiện ra xung quanh tượng Thích Ca Sơ Sinh. Tuỳ từng chùa mà toà Cửu long to hay nhỏ, cầu kỳ hay không cầu kỳ. Toà lớn thì đủ 9 rồng, vô số chư Phật, thần thánh ở xung quanh. Chùa nhỏ thì sơ sài đơn giản. Toà Cửu long thường đặt ngay sau hương án chính, ở tầng thấp nhất, bên dưới các bộ Tam Tôn.
Sự khác biệt lớn nhất làm nên sự độc đáo của tượng Thích Ca Sơ Sinh chùa Vĩnh Nghiêm với các tượng Thích Ca Sơ Sinh tại các chùa khác ở Việt Nam chính là ở quan niệm của người nghệ sĩ điêu khắc vừa giàu tính Phật giáo, vừa đậm chất tạo hình. Thường trong các chùa, tượng được tạo hình thành một chú bé cởi trần, quấn khố với tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất tọa lạc trên đài sen. Song ở chùa Vĩnh Nghiêm, tượng Thích Ca Sơ Sinh có hình dạng một chú bé vận trên mình bộ áo nhà Phật, thân tượng tròn đầy, khối căng tròn, đầu tròn, trán cao, đôi mắt dài đang khép, vẻ mặt như đang suy tưởng, với đầy đủ các quý tướng, cách tạo hình như vậy vừa giản dị trang nghiêm, vừa thoát tục. Sự khác biệt này đã hàm chứa tính Phật giáo sâu sắc và người nghệ sĩ tạo hình là người không chỉ giỏi về nghề mà còn là người rất am tường về đạo Phật. Cùng trong một tương quan giàu tính Phật giáo ấy, toà Cửu long chùa Vĩnh Nghiêm cũng được tạo tác rất đẹp. Với chín con rồng uốn khúc, ẩn hiện trong mây, cùng các tầng trời đã mở với các chư Phật, chư thiên mừng rỡ, hoan hỷ chào đón sự ra đời của đức Phật được chạm trổ hết sức tinh vi, sống động đã tạo thành một hình vòm mang tính động và rất giàu chất tạo hình.
Yếu tố tạo hình đó trước tiên là sự kết hợp hài hoà giữa động và tĩnh trong một hình khối tổng thể. Trong toà Cửu long, sự tĩnh chính là hình tượng Thích Ca Sơ Sinh. Được tạo hình theo lối trục đứng, vẻ mặt trang nghiêm, tay chỉ trên, dưới cùng với áo bó vận sát thân, tà áo xuôi ít gợn sóng, cả tượng tạo thành một khối tĩnh thẳng hình chữ nhật. Hình chín đầu rồng phun nước tắm cùng các chư Phật, chư thiên ở các tầng trời tạo thành một khối hình vòm mang tính động. Sự động, tĩnh trong toà  Cửu long thể hiện một hiện thực lịch sử khi Phật ra đời, đó là sự mừng vui, hoan hỷ, rung động của trời, người trên khắp các cõi nước đại thiên thế giới trước sự rực rỡ, trang nghiêm, thanh tịnh của Đức Phật Thích Ca ngay từ khi người mới hạ sinh. Ngoài ra, sự sắp xếp các hình, mảng khối cũng là một yếu tố quan trọng góp phần cùng với các yếu tố động tĩnh làm cho toà Cửu long trở thành một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Các nhà điêu khắc Phật giáo đã để một khoảng trống hợp lý giữa pháp thân đức Phật và các tầng trời, rồng. Khoảng trống này tạo ra sự cân bằng, hài hoà cho sự thưởng ngoạn cái đẹp của thị giác vốn là tiêu chí hàng đầu cho việc đánh giá một tác phẩm nghệ thuật.
Kỹ thuật chạm khắc cũng là một yếu tố quan trọng làm nên cái đẹp chuẩn mực cho toà Cửu long chùa Vĩnh Nghiêm. Toà Cửu long được làm từ chất liệu gỗ, kỹ thuật chạm khắc tinh vi, chuẩn xác về đường nét, độ nông sâu, hình tượng tinh giản điển hình, sắp xếp hình, cảnh chính phụ, to nhỏ hợp lý, không thể tìm thấy một lỗi dù là nhỏ, từ việc xếp đặt các hình đầu rồng với thế nhìn chính diện được đặt trên cùng của toà Cửu long đến các hình đầu rồng hai bên với thế nhìn ngang quay đầu hướng vào đức Phật phun nước tắm, cùng các mây móc cổ hình xoắn ốc, các nhóm chư Phật, chư thiên, cây,hoa chuẩn về tỷ lệ, đẹp về tạo hình được sắp xếp có nhịp điệu, hài hoà, đăng đối hai bên vừa giàu chất trang trí, vừa chặt chẽ về bố cục chung đã thể hiện một cách sâu sắc ý tưởng của tác phẩm.
Màu sắc của toà Cửu long cũng như của hệ thống tượng chùa Vĩnh Nghiêm vẫn còn giữ được trọn vẹn thứ màu sắc nguyên thuỷ nhất trong hệ thống tượng ở các chùa miền Bắc Việt Nam. Màu sắc đó có nguồn gốc từ các loại thảo mộc tự nhiên, khoáng chất như sơn ta, bạc thếp, sáp ong, đất vàng... để khi hoà sắc thành màu tô tượng dù hàng trăm năm vẫn giữ được cái thắm, cái trầm ấm sâu thẳm mà sáng trong mà các loại sơn hóa học ngày nay không thể có được.
Từ các bàn tay điêu luyện về nghề, am hiểu về đạo Phật, gắn bó với cuộc đời của các nhà điêu khắc Phật giáo đã tạo nên một toà Cửu long, một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc có một không hai cho con cháu muôn đời.
Nguyễn Trần Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét