Depplus.vn
- Đi chùa đầu năm là một nét văn hoá tinh thần không thể thiếu trong
đời sống của người miền Bắc. Những ngôi chùa dù lớn, dù nhỏ đều có một
vai trò rất quan trọng trong tín ngưỡng tâm linh mỗi người. Đầu năm, hãy
cùng Depplus dạo quanh những ngôi chùa cổ và đẹp nhất nội đô Hà Nội.
Chùa Trấn Quốc
Chùa
Trấn Quốc xưa thường là nơi các vua chúa đến thưởng ngoạn, vãn cảnh,
cúng lễ vào những ngày lễ, Tết. Theo sổ sách xưa còn lưu lại, chùa Trấn
Quốc được xây dựng trước khi có thành Thăng Long, vào thời kỳ tiền Lý
Nam Đế (544 – 548).
Chùa
tuy không lớn nhưng kiến trúc hài hòa với phong cảnh hồ nước mênh mông,
trong chùa có lưu dấu ấn của nhiều giai đoạn lịch sử, với những pho
tượng rất đẹp. Trước chùa có cây bồ đề chiết từ cây tổ ở Bồ Đề đạo
tràng, do Thủ tướng Ấn Độ tặng năm 1959. Sau chùa là khu tháp mộ của
những đời sư trụ trì.
Tòa tháp lục độ bằng gạch đỏ cũng hài hòa với khung cảnh chung, trở
thành một điểm nhấn của chùa và cả Hồ Tây. Có thể nói chùa Trấn Quốc là
ngôi chùa có giá trị lịch sử và cảnh quan bậc nhất ở Hà Nội.
Chùa Quán Sứ
Chùa
Quán Sứ nằm ở số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm.
Trước đây, khu vực này thuộc thôn Yên Tập, huyện Thọ Xương, phủ Phụng
Thiên. Chùa thờ Phật và thờ vị quốc sư triều Lý là Nguyễn Minh Không.
Chùa
Quán Sứ có lẽ là một trong rất ít ngôi chùa ở Việt Nam mà tên chùa cũng
như nhiều câu đối đều được viết bằng chữ quốc ngữ. Chùa là trụ sở trung
tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Chùa Láng
Chùa
Láng được xây dựng từ thời vua Lý Thần Tông (1128-1138) để thờ Từ Đạo
Hạnh là một nhà tu hành đắc đạo, nổi tiếng thời Lý.
Chùa được xây trên một khu đất rộng, có nhiều cây cổ thụ, từ xưa vẫn
được coi là nơi đệ nhất tùng lâm của kinh đô Thăng Long. Trong chùa có
nhiều đồ thờ cổ, có nhiều tượng phật, có tượng Lý Thần Tông và đặc biệt
là tượng Từ Đạo Hạnh không tạc bằng gỗ đá, mà đan bằng mây và quét sơn
bên ngoài.
Trước
đây, trong chùa còn giữ được một cuốn sách kinh bằng đồng khắc chữ,
tương truyền là của vua Lý Nhân Tông dùng tụng niệm khi sinh thời.
Từ thời Lý đến nay, chùa đã được nhiều lần sửa chữa, nhưng vẫn giữ được
vẻ cổ kính, bình yên, thanh tịnh.
Chùa Kim Liên
Chùa
có từ thế kỷ XVII, được dựng trên dải đất của làng Nghi Tàm, bên bờ hồ
Tây, nay thuộc phường Nghi Tàm, quận Tây Hồ. Tương truyền nơi dựng chùa
là nền cũ của cung Từ Hoa có từ đời Lý. Nguyên công chúa Từ Hoa, con gái
vua Lý Thần Tông (1128-1138) đã đem cung nữ tới khu vực này trồng dâu,
nuôi tằm, mở ra trại Tàm Tang (tằm dâu).Trại này sau đổi tên là phường
Nghi Tàm.
Ngày
nay, chùa Kim Liên là nơi vô cùng tĩnh lặng, bình yên, nằm khiêm nhường
bên hồ Tây mộng mơ. Mỗi du khách khi đến đây đều bỏ dép bước chân trần
trên những bậc đá rêu phong.
Chùa Tảo Sách
Chùa
Tảo Sách có tên là chùa Linh Sơn nằm ở phía Tây của Hồ Tây, trước khi
con đường ven hồ được mở thì chùa nằm sát bờ hồ. Xưa kia để đến chùa
người ta phải đi thuyền từ bờ hồ bên này, và chỉ có một ngõ nhỏ vòng ra
phía sau thông với các làng đào ở Nhật Tân.
Hiện nay chùa nhìn ra hồ với tòa cổng đồng thời là gác chuông bằng gỗ
mới dựng khá đẹp.
Khuôn
viên chùa trước kia cũng là vườn hoa đào và quất, nay đã bị thu hẹp một
phần do hai con đường mới mở.
Trước chính điện là mấy cây mít dân dã, một bể non bộ hài hòa, có pho
tượng Quan Thế Âm bằng đá ngọc trắng khá lớn và đẹp chếch phía trước.
Cổng mở ra đường Lạc Long Quân cũng đã được dựng lại bằng gỗ.
Chùa Vạn Niên
Chùa
Vạn Niên nằm gần chùa Tảo Sách, là một trong bộ ba ngôi chùa cầu sự bền
vững lâu dài cho đất nước được dựng ở vùng này: Thiên Niên, Vạn Niên,
Ức Niên. Khuôn viên chùa không rộng lắm nhưng sát với Hồ Tây nên tầm
nhìn rất đẹp, nhất là các buổi sáng khi mặt trời lên. Chùa được trùng tu
lại với các gian được dựng bằng gỗ, trong chùa có pho tượng Phật bằng
ngọc rất đẹp.
Trước
sân chùa, dưới gốc muỗm cổ thụ rất lớn là pho tượng Phật bằng đồng nặng
ba tấn. Một bên của tượng Phật là tòa gác gỗ thờ Quan Âm, bên kia là
tòa tháp đá mang phong cách Tây Tạng. Hàng rào phía trước chùa là một
loạt các bức điêu khắc gỗ với hình các pháp bảo. Cổng chùa nhìn ra hồ
tuy nhỏ nhưng rất hợp với cảnh quan, cũng làm hoàn toàn bằng gỗ.
Chùa Quảng Bá
Chùa
có tên là chùa Long Ân, sau đổi là Hoằng Ân, nằm trong làng Quảng Bá.
Chùa cũng nằm trong khu vực ven hồ Tây, nhưng không gần hồ, mà nằm trong
một khu vườn rộng rãi, với ao nước, vườn cây, vườn hoa tĩnh mịch.
Chùa rất thâm nghiêm, trong chùa có nhiều pho tượng với phong cách điêu
khắc rất riêng.
Phía
trước chùa có một ngọn đồi nhỏ, trên có tượng Quan Âm lộ thiên, với
những cây mai cây đào trồng xung quanh, mùa xuân hoa nở rất đẹp.
Bước vào chùa Quảng Bá, ta như gặp lại phong cảnh thôn quê giữa lòng Hà
Nội, và vào dịp gần Tết, lại được ngắm những vườn quất vàng rực của một
mùa xuân mới.
Chùa Sải
Nằm
ở phía Nam của Hồ Tây, chùa Sải – tên chữ là chùa Tĩnh Lâu – cũng nhìn
ra hồ, phía trước cổng có một cây bồ đề rất lớn. Sân chùa có nhiều cây
cối xanh tốt. Chùa đã được trùng tu nên nền chùa được nâng cao lên rất
nhiều so với trước đây, với các lan can đá chạm trổ cầu kì.
Trong
chùa còn giữ nhiều pho tượng cổ rất đẹp.
Khu nhà Mẫu bên cạnh chùa gần đây được trang trí bởi nhiều bức tranh vẽ
các vị thần thánh của nước Việt, từ hình ảnh Hùng Vương đến Trần Hưng
Đạo, cũng như các vị trong hệ thống thờ Mẫu, Tứ phủ. Những bức tranh cầu
kì này cũng tạo thành một phong cách riêng cho ngôi chùa cổ.
TH (Depplus.vn/MASK)
Thăm chùa Hoằng Ân nghìn năm tuổi bên hồ Tây
(iHay) Chùa Hoằng Ân tọa lạc tại xã Quảng An, quận Tây Hồ (Hà Nội) là một trong số những ngôi chùa cổ nhất của Thủ đô, đã hơn nghìn năm tuổi.
Trải bao mưa nắng, chùa Hoằng Ân vẫn giữ được quần thể kiến trúc rất đẹp với tòa tiền đường, lầu chuông cao ngất vươn lên cùng mây trời hồ Tây lộng gió. Và cả những cây nhãn cổ, vươn cành xum xuê tỏa rộng trên sân gạch đỏ sẫm.
Ðặc biệt, khu mộ tháp lô xô cao thấp, trầm mặc, ẩn mình dưới bóng ngọc lan thơm dịu dàng và thân cau cao vút như đưa khách viễn cảnh chùa vào miền tâm linh thanh khiết. Năm 1991, chùa Hoằng Ân đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Ngô Huy Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét