Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Rực rỡ lễ hội Gàu tào của người Mông

Depplus.vn - Lễ hội Gầu tào là lễ hội lớn nhất và cũng là lễ hội có quy mô cộng đồng duy nhất của người Mông, gắn liền với niềm tin của người Mông về sự ấm no, hạnh phúc.


Gầu tào - theo tiếng Mông có nghĩa là địa điểm chơi. Lễ hội được tổ chức ở quy mô gia đình, mang tính chất là lễ tạ ơn thần linh và được cộng đồng hưởng ứng, đến góp vui. Lễ hội được tổ chức khi có gia đình nào không có con, ít con hoặc sinh con một bề hoặc gia đình có một vài thành viên trong nhà thường ốm đau, bệnh tật, mùa màng thất bát, vật nuôi còi cọc, kinh tế sa sút. Gia đình đó sẽ lên đồi Gầu tào quỳ khấn, xin thần linh. Khi mọi tai ương đã hết, mùa xuân năm đó, người ta sẽ làm Lễ Gầu tào để tạ ơn.
Hội Gầu Tào được tổ chức ở trên sườn đồi, chọn một bãi đất trống rộng làm sân khấu dựng cây nêu. Vào sáng mồng 4 tết, chủ tế cùng với những người khác trong ban tế (gồm cả nam và nữ) sẽ thắp hương, hóa giấy bản để cầu cho dân chúng quanh vùng một năm mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ, thóc đầy bồ, ngô đầy kho, người người mạnh khỏe và sống sung túc.
 
Trung tâm của Lễ hội Gầu tào là cây nêu, được chọn từ cây tre. Cây nêu phải thẳng đứng, gióng đều, vỏ xanh bóng, ngọn cây vươn về phía mặt trời mọc. Nghi lễ chặt tre diễn ra tại gốc cây tre được chọn. Chủ lễ thắp một bó hương, đặt một sấp tiền mã ở gốc tre, rồi xòe ô che đầu, đi vòng quanh cây nêu ngược chiều kim đồng hồ (những người khác đi theo chủ lễ thành vòng tròn). Chủ lễ vừa đi, vừa hát bài hát chặt cây nêu. Cứ được một vòng, chủ lễ lại vung dao chém nhẹ vào gốc cây một nhát làm lý. Hết bài hát, người ta chặt cây tre sao cho phải đổ về phía mặt trời mọc và không được để cho cây tre đổ hẳn xuống đất, vì vậy, sẽ phải có vài thanh niên đỡ cây tre lên vai.
 
Người ta tỉa cành tre chỉ còn lại thân tre nhẵn nhụi. Trên ngọn tre, để nguyên cành lá, không tỉa. Cây tre được vác từ nơi chặt ra thẳng bãi hội. Khi vác tre, người ta phải vác đằng gốc đi trước, ngọn đi sau. Dẫn đầu đoàn vác tre là chủ lễ, xòe ô che đầu, hát bài vác cây nêu. Đoàn đi một mạch đến bãi hội, không nghỉ dọc đường, đặc biệt là kiêng không để cây tre chạm đất khi chưa đến bãi hội.
Đến bãi hội, người ta đào hố chôn cây tre. Chủ lễ buộc lên ngọn cây nêu một dải vải lanh màu đen và một dải vải lanh màu đỏ, một bầu rượu, 3 bông lúa nếp và một túm cây trồng “sưi”, rồi mọi người cùng dựng cây nêu, ngọn nêu phải quay về hướng mặt trời mọc.
Lễ cúng bên cây nêu được diễn ra vào buổi sáng hôm đó. Lễ vật gồm một con gà, một chai rượu, một gói cơm. Chủ lễ thắp hương, đốt tiền mã, cúng báo thần linh biết việc gia đình dựng cây nêu, tổ chức Gầu tào tạ ơn như lời hứa, rồi mọi người cùng hưởng lễ dưới chân cây nêu. 
 
Ngày chính hội thường bắt đầu từ mùng 2 đến mùng 4 tết, tùy theo tuổi của gia chủ. Sau nghi lễ cúng bên cây nêu, ông chủ lễ tuyên bố mở màn hội, mọi người tham gia trình diễn và thưởng thức các trò chơi, gồm múa khèn, múa võ.
 
Cuộc vui kéo dài đến tối. Khách phương xa có thể về nghỉ tại nhà gia chủ để hôm sau tiếp tục cuộc vui. Đêm hôm ấy, chủ khách thường tổ chức hát đối đáp nam, nữ thâu đêm.
 
Hoạt động ẩm thực mà hai món ăn được yêu thích nhất là phở và thắng cố luôn hấp dẫn người Mông, hàng quán lúc nào cũng đông nghẹt người. Cánh thanh niên thích thú với hoạt động tìm kiếm, tán tỉnh người yêu. Trẻ con hớn hở say mê với trò chơi cầu quay. Cuộc vui cứ thế tiếp diễn liên tục trong ba ngày.
 
Chiều ngày thứ ba, chủ lễ hạ cây nêu. Cây nêu được vác về nhà gia chủ.
Lễ hội Gầu tào là lễ hội lớn nhất và cũng là lễ hội có quy mô cộng đồng duy nhất của người Mông, gắn liền với niềm tin của người Mông về sự ấm no, hạnh phúc.
TH (Depplus.vn/MASK)
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét