(Kienthuc.net.vn) - Dịp Tết Nguyên đán là những ngày Quỷ vào thăm
đất liền thì người ta theo tục cũ trồng cây nêu để Quỷ không bén mảng
đến chỗ Người cư ngụ.
Ở Gia Định xưa, sách Gia Định Thành Thông Chí
của Trịnh Hoài Đức, Tập Hạ chép rằng: "Bữa trừ tịch (tức ngày cuối năm)
mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng
tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi
là "lên nêu"... có ý nghĩa là để làm tiêu biểu cho năm mới mà tảo trừ
những xấu xa trong năm cũ.
Ngày 7 tháng Giêng triệt hạ, gọi là
"hạ nêu" phàm những khoản vay mượn thiếu thốn trong tiết ấy không được
đòi hỏi, đợi ngày hạ nêu rồi mới được đòi hỏi".
Cây nêu ngày Tết. Ảnh minh họa. |
Theo TS Nguyễn Nhã (báo Tuổi Trẻ
TP.HCM tháng 1/2006), người Trung Quốc xưa thuờng dùng cây đào, lấy tích
của cây bàn đào của bày Tây Vương Mẫu, là chỗ quỷ ở, thường có hai con
quỷ lớn là Thần Đồ, Uất Lũy hay bắt các quỷ xấu mà ăn, cũng kêu là đào
phù (nghĩa là bùa đào).
Cũng theo ý nghĩa trừ tà ấy, những nhà
theo đạo Phật treo lên cây nêu nào là khánh, là chuông nhà Phật để cho
biết ở đây có Phật Bà Quan Âm độ trì, quỷ dữ phải tránh xa, để gia đình
được bình an. Có lẽ do ý nghĩa mê tín, trừ ma quỷ nên khi Tấy đến, rồi
Cách mạng nổi lên, dần dần người ra bỏ tục trồng nêu.
Trước hết, cây tre là biểu trưng cho
tính chất, bản sắc riêng của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.
Tre là thể hiện cương nhu phối triển! Tre có thể uốn cong trước gió. Gió
bão cực mạnh cũng không làm tre đổ hay bật rễ. Cây tre cũng có thể chẻ
mỏng để làm các vật dụng đồng thời có thể dùng để làm khiêng, chống đỡ
nhà cửa...
Trồng tre vào đầu năm mới để khẳng
định tinh thần Việt Nam và trồng tre trước cửa nhà trong bảy ngày đầu
năm còn là đánh dấu những ngày vui, hạnh phúc nhất trong năm, những may
mắn mới với ước mong nhiều đổi mới hơn, nhiều thành đạt hơn.
Bài báo trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn
(tháng 1/2012) lại lý giải theo giáo sư Nguyễn Đổng Chi trong “Kho tàng
truyện cổ tích Việt Nam”, truyền thuyết về cây nêu có thể tóm tắt như
sau:
Ngày xưa Quỷ chiếm toàn bộ đất nước và
con người chỉ làm thuê, phải nộp hoa màu cho Quỷ. Quỷ ngày càng bóc lột
Người quá tay. Người quá khổ cực nên cầu cứu Đức Phật giúp đỡ. Sau vài
lần Người (được Phật chỉ dẫn) đánh lừa Quỷ khi trồng khoai, lúa, ngô để
lấy phần thu hoạch về mình, Quỷ đòi lại đất, không cho Người làm thuê
nữa.
Phật bàn với Người điều đình với Quỷ,
xin miếng đất bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn cây tre. Quỷ thấy
không thiệt hại gì nên đồng ý. Khi đó Phật dùng phép thuật để bóng chiếc
áo cà sa đó che phủ toàn bộ đất đai khiến Quỷ mất đất phải chạy ra biển
Đông.
Do mất đất sống nên Quỷ huy động quân
vào cướp lại. Trận đánh này bên Quỷ bị thua sau khi bị bên Người tấn
công bằng máu chó, lá dứa, tỏi, vôi bột... và Quỷ lại bị Phật đày ra
biển Đông. Trước khi đi, Quỷ xin Phật thương tình cho phép một năm được
vài ba ngày vào đất liền viếng thăm phần mộ của tổ tiên cha ông. Phật
thương hại nên hứa cho.
Do đó, hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên
đán là những ngày Quỷ vào thăm đất liền thì người ta theo tục cũ trồng
cây nêu để Quỷ không bén mảng đến chỗ Người cư ngụ. Trên ngọn nêu có
treo khánh đất, có tiếng động phát ra khi gió rung để nhắc nhở bọn Quỷ
nghe mà tránh. Trên ngọn cây nêu còn buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ
hái để cho Quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi
nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất trước cửa ra vào trong những
ngày Tết để cấm cửa Quỷ.
Người xưa còn cho rằng, từ đêm 23
tháng Chạp, sau khi ông Táo về trời thì trên dương thế không còn ai cai
quản, ma quỷ sẽ lộng hành. Vì thế, người ta tổ chức lễ dựng nêu vào ngày
23 tháng Chạp và sẽ hạ nêu vào ngày mùng Bảy tháng Giêng, để cảnh báo
ma quỷ phải tránh những nơi con người sinh sống, giữ trật tự, an toàn
cho những ngày vui Tết.
Cây nêu có nhiều hình thức khác nhau,
tùy từng dân tộc, từng vùng miền. Với người Kinh, cây nêu làm từ một
thân tre già và thẳng, cao đến 7, 8 mét, được tỉa hết cành nhánh, chỉ
còn giữ lại một ít lá trên ngọn. Từ trên ngọn nêu buông xuống một dải cờ
màu đỏ hay vàng, gọi là lá phướn, có viết câu kinh Phật để trừ ma quỷ.
Trong gió xuân, cờ phướn tung bay tạo nên một nét đẹp của miền thôn dã.
Không đơn giản là một vật phẩm trang
trí ngày tết, cây nêu còn là điểm tập trung hoạt động của làng trong
những ngày xuân. Ðối với cư dân nông nghiệp, thời điểm cuối năm là lúc
nông nhàn, chuẩn bị bước vào các hoạt động vui chơi. Khi cây nêu được
dựng lên, tất cả mọi hoạt động khác đều dừng lại. Nó tạo nên thế cân
bình tuyệt đối trong sự vận hành thay đổi giữa năm cũ và năm mới. Con
người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ, quên đi những ưu
phiền của năm cũ. Chính vì thế, ở thôn quê, Tết thật sự bắt đầu khi cây
nêu được dựng lên; sân đình sân chùa trở thành nơi diễn ra các hoạt động
tế lễ, vui chơi của cả cộng đồng.
Ngày nay, việc dựng nêu, trồng nêu
dường như không còn được quan tâm nữa, một phần do sự suy yếu của tinh
thần cộng đồng, làng xã trong công cuộc đô thị hóa. Chỉ ở một số lễ hội
lớn của quốc gia, của địa phương người ta mới thấy lại hình ảnh cây nêu
như lời nhắc nhở về một nét văn hóa tết cổ truyền.
(Tổng hợp từ Tuổi Trẻ TP.HCM và Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
P.V (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét