Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

Người Hoa đến Hội An làm ăn từ khi nào?

(Dân trí) - Đây là câu hỏi mà nhiều du khách thắc mắc khi đến Hội An tham quan các Hội quán, chùa chiền của người Hoa. Qua tìm hiểu, chúng tôi xin cung cấp chút tư liệu về vấn đề này để độc giả được rõ thêm.

Hội An cứ như một nhà bảo tàng lưu trữ những gì đã xảy ra ở xứ Đàng Trong cách đây hơn 4 thế kỷ. Nói cách khác đó là thời gian mà các chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp (khoảng năm 1600). Từ một vùng đất hoang sơ “rừng thiêng, nước độc” qua các đời chúa Nguyễn đã khẩn hoang, lập ấp dần dà trở thành những vùng đất trù phú có thể “vạn đại dung thân”. Chính sách giao thương cởi mở với nước ngoài đã làm xứ Đàng Trong ngày một phồn thịnh qua thương cảng Hội An. “Đất lành chim đậu”, nhiều thương nhân nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc… đã đến làm ăn, buôn bán và định cư ở đây.
Chùa Cầu - một kiến trúc đặc sắc của người Nhật Bản được bảo tồn nguyên vẹn tại Hội An
Chùa Cầu - một kiến trúc đặc sắc của người Nhật Bản được bảo tồn nguyên vẹn tại Hội An 

Từ xa xưa, thời Vương Quốc Chăm Pa (hơn 2.000 năm trước) người Hoa đã đến đây làm ăn, buôn bán nhưng đa phần họ ở trên những chiếc tàu, mua bán xong lại đi chứ không lên bờ định cư. Có thể vì vậy mà về sau người ta gọi đó là người Tàu (người ở trên tàu, ngoài tàu).
Theo nhiều tài liệu thì đầu thế kỷ 17, các thương nhân Nhật Bản đã đến làm ăn, xây các phố Nhật Bản, thậm chí có người lấy vợ ở Hội An và khi mất được chôn cất tại Hội An. Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) chính là “tác phẩm” mà người Nhật xây dựng ở đây. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là người Minh Hương (hay người Hoa) đã đến Hội An khi nào?
 
Người Hoa thờ con tàu đã đưa họ từ mẫu quốc đến với Hội An
Người Hoa thờ con tàu đã đưa họ từ mẫu quốc đến với Hội An
 
Chúng ta biết Trung Hoa vào cuối thời nhà Minh (1368-1644) đã xảy ra tình trạng suy tàn dẫn đến thất thủ triều đại, nhà Thanh lên nắm quyền sau đó. Một số người theo nhà Minh không phục nhà Thanh nên đã vượt biển trên các con thuyền để đến Hội An. Những chuyến đi đầy nguy hiểm, rất dễ bỏ mạng trên biển cả nên khi đến được Hội An họ xem như đã được cứu sống nhờ những vị thần linh che chở. Vì vậy sau khi ổn định cuộc sống, họ lập các hội quán (như kiểu hội đồng hương) và lập các chùa để tỏ lòng thành kính, tri ân những thần linh đã giúp đỡ họ.
 
Bên trong con tàu có đầy đủ
Bên trong con tàu có đầy đủ
 
Bếp ăn, chỗ ở trên con tàu trông rất quy mô
Bếp ăn, chỗ ở trên con tàu trông rất quy mô 
Một điều đặc biệt là hầu hết các chùa ở Hội An là do người Hoa lập nên, thờ các vị thần thánh chứ chưa thờ Phật. Đó có thể do ảnh hưởng tín ngưỡng thời nhà Minh (thờ các vị như: Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quang Thánh Đế Quân, Thập Nhị Tiên Nương, Thái Thượng Lão Quân, Thần Phục Ba...). Duy nhất ở khu phố cổ Hội An có một chùa thờ Phật, đó là Quan Âm Phật Tự.
Minh Hương có thể hiểu là những người đồng hương xuất xứ từ nhà Minh. Những hội quán như Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Quảng Đông, Gia Ứng được thành lập. Do đó có một hội nữa là Hội quán ngũ bang (gồm 5 bang như đã nói trên) hoạt động mang tính cách đoàn kết các bang, địa phương lại với nhau, trên tinh thần tương thân, tương trợ.
 
Một bức họa lớn vẽ một con thuyền vượt sóng dữ của người Hoa đưa họ đến xứ Đàng Trong
Một bức họa lớn vẽ một con thuyền vượt sóng dữ của người Hoa đưa họ đến xứ Đàng Trong
 
Hiện nay ở Hội Quán Phúc Kiến có một bức tranh tường rất lớn vẽ một chiếc tàu lênh đênh ngoài biển trước gió to, sóng lớn. Trên trời là Thiên Hậu Thánh Mẫu độ trì cho con tàu tai qua, nạn khỏi đến nơi bình an. Ở đây, họ vẫn còn thờ một mô hình chiếc tàu ngày xưa đã đưa những người Minh Hương đến xứ Đàng Trong. Trên tàu đầy đủ các chi tiết như chổ ở, bếp nấu ăn trông rất quy mô.
 
Có thể nói trong hàng ngàn năm lập quốc thì dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã có một quyết sách hết sức táo bạo nhưng lại đầy thông minh là mở rộng bang giao với các nước qua việc mua bán, trao đổi hàng hóa mà thương cảng Hội An là một điển hình.
 
Trên trời là Thiên Hậu Thánh Mẫu độ trì cho con tàu tai qua, nạn khỏi đến nơi bình an
Trên trời là Thiên Hậu Thánh Mẫu độ trì cho con tàu tai qua, nạn khỏi đến nơi bình an

Theo sử cũ thì vào năm 1602, Nguyễn Hoàng giao cho Nguyễn Phúc Nguyên trấn giữ đất Quảng Nam. Đến năm 1619, Nguyễn Phúc Nguyên quyết định mở rộng bang giao với nước ngoài như: Hà Lan, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác. Cũng trong năm này, Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái cho một thương gia người Nhật Bản. Qua mối giao hảo này, các thuyền buôn Nhật Bản đến Hội An ngày càng đông.

Người Hoa cũng có mặt trong các cuộc buôn bán ở Hội An sớm như những người Nhật Bản. Ban đầu họ ở các tàu buôn, hàng hóa ở dưới tàu mang lên bán. Nhưng dần dà họ cũng lên đất liền định cư tạo nên các phố Hoa Kiều cùng tồn tại với các dãy phố người Nhật Bản.
 
Một thời gian sau do chính sách “bế quan tỏa cảng” ở chính quốc nên các thương nhân Nhật Bản dần dần bị “teo tóp”, không phát triển được vì không còn nguồn hàng hóa phong phú như trước. Người Hoa lúc này thừa cơ hội tràn sang các dãy phố Nhật Bản. Các dãy phố Nhật Bản dần dần biến mất, thay vào đó là những phố Hoa Kiều. Những di tích của người Nhật bây giờ không còn nhiều, chỉ còn 3 ngôi mộ thương nhân Nhật Bản được giữ gần như nguyên vẹn và Chùa Cầu.
 
Một số mẫu tiền đồng của Việt Nam được tìm thấy tại Hội An
Một số mẫu tiền đồng của Việt Nam được tìm thấy tại Hội An
Lại nói về người Hoa. Sau một thời gian buôn bán phồn thịnh, họ sửa sang và tu bổ các chùa. Trong đó xưa nhất có lẽ là Chùa Ông. Chùa Ông hay còn gọi là Miếu Quan Công (nằm đối diện với chợ Hội An). Theo các tài liệu thu thập được thì Chùa Ông được xây dựng vào năm 1653. Đây cũng chính là thời gian xảy ra cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn (kéo dài 45 năm từ 1627 đến 1672).
Trong Chùa Ông hiện còn những tấm bia đá từ thời kỳ dựng chùa. Cũng như các chùa khác, Chùa Ông không thờ Phật mà thờ Quan Công và 2 con trai của Quan Công. Những nhân vật nổi tiếng trung nghĩa, tiết tháo thời Tam Quốc. Người Minh Hương thờ các vị này như để nói lên lòng trung thành với triều Minh. Có thể nói đây là một trung tâm tín ngưỡng sớm nhất. Người Minh Hương còn dùng nơi đây để thực hiện các cam kết các thương vụ, làm tin trong những việc vay nợ, trả nợ. Đây cũng là nơi các thương nhân đến thắp hương cầu may, cầu tài.
 
Một số mẫu tiền xưa của Trung Quốc được tìm thấy tại Hội An
Một số mẫu tiền xưa của Trung Quốc được tìm thấy tại Hội An
 
Thực tế là vậy, tuy nhiên trong một ghi chép của Giáo sĩ Chistoforo Borri (người Bồ Đào Nha) đã cư trú tại Hội An năm 1618 miêu tả: “Thành phố rộng rãi, có thể nhận ra hai khu vực, một khu vực do người Trung Hoa ở, khu vực kia thì người Nhật Bản ở” và “người Trung Hoa và Nhật Bản là những thương nhân chủ yếu của chợ phiên, năm nào cũng mở và kéo dài trong bốn tháng. Người Nhật thường đem lại 4-5 vạn nén bạc, người Trung Hoa thì đi một thứ thuyền buồm đem lại nhiều tơ lụa tốt và sản vật đặc biệt của họ”. Quan trọng hơn hết “Do chợ này mà Quốc vương thu được số tiền thuế lớn, toàn quốc nhờ vậy cũng được nhiều lợi ích”.
 
Chùa Ông của người Hoa tại Hội An
Chùa Ông của người Hoa tại Hội An
Như vậy, qua chi tiết trên đã chứng minh rằng người Hoa hay người Minh Hương (và người Nhật Bản) đã có mặt tại Hội An từ những năm 1618. Sớm hơn năm xây dựng Chùa Ông đến 35 năm.
Một chính sách mềm dẻo, cởi mở của các Chúa Nguyễn thu hút các nước đến buôn bán, làm ăn ở Hội An từ đầu thế kỷ 17 đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện. Đất Đàng Trong ngày càng phồn thịnh đủ sức “ly khai” với nhà Hậu Lê và “tuyên chiến” với họ Trịnh ở phía Bắc. Hội An cũng là nơi đầu tiên mà các Chúa Nguyễn cai trị đất Đàng Trong cho phép người nước ngoài đến cư trú, làm ăn lâu dài. Vì thế con cháu của các thương nhân người Hoa (hay người Minh Hương) sang Việt Nam sinh sống ở Hội An từ đó đến nay đã gần đến 400 năm.
B.Thuyên-C.Bính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét