(Dân trí) - Cứ đến ngày 1/2 âm lịch hàng năm, người dân làng Thiều, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), không ai bảo ai lại tập trung tới đình làng, nhà góp mâm quả, bò gạo nếp, con gà, nhà góp nải chuối, bánh dày… Cả làng tập trung mở hội ăn Tết lại.
Từ sáng sớm ngày 1/3 (tức 1/2 âm lịch), khắp các đường làng ngõ xóm ở làng Thiều trở nên nhộn nhịp hơn hẳn so với những ngày thường. Gia đình nào cũng dậy thật sớm để chuẩn bị phần lễ cho gia đình mình, đến giờ thì mang ra đình làng để làm lễ tế, cùng dân làng tổ chức lễ ăn Tết lại.
Theo những cụ cao niên trong làng Thiều cho biết, ngày lễ 1/2 âm lịch hàng năm, hay còn gọi là ngày ăn Tết lại của dân làng Thiều có từ rất lâu. Cho đến ngày nay, tục lệ ăn Tết lại của làng đã trải qua nhiều thế kỷ nhưng vẫn không bị mai một. Người dân trong làng luôn coi đây là ngày lễ lớn nhất trong năm của làng. Con cháu dù đi làm đâu xa cũng mong muốn được về làng để cùng dân làng ăn tết lại.
Ông Trương Ngọc Toán, một cụ cao niên trong làng cho hay: “Vào thế kỷ thứ 15 thời nhà Lê, tướng quân Lê Phúc Đồng là người con của làng. Ông có tài thao lược quân sự nên được vua Lê cử đi đánh giặc. Trong lần đi đánh giặc qua làng ông đã lên các ngôi đền chùa của làng thắp hương cầu khấn. Trong trận đó ông đánh thắng giặc phương Bắc xâm lược. Khi trở về ông đã cho dân làng mở hội ăn mừng đúng vào ngày 1/2 âm lịch. Kể từ đó mà dân làng Thiều cứ đến ngày này là mở hội ăn mừng. Vì thời gian cách Tết Nguyên đán đúng 1 tháng nên được gọi là ngày ăn Tết lại”.
Ngày ăn Tết lại này của dân làng Thiều có rất nhiều nét đặc trưng riêng biệt khác hơn so với Tết Nguyên đán. Phần lễ được tổ chức với quy mô lớn mang đậm nét văn hóa vùng quê như: tục làm bánh dày góp lễ, lễ rước kiệu từ đền chính của làng qua các miếu, đền, chùa trong làng để mời các vị thần linh về đình chính của làng dự ngày lễ cùng dân làng, lễ cúng Thành hoàng làng, lễ tế nữ quan….
Từ sáng sớm, người dân trong làng Thiều đã mang lễ ra đền chính của làng để góp lễ, cùng cả làng ăn Tết lại.
Theo quan niệm từ xa xưa của người dân thì ngày ăn Tết lại này, mỗi gia đình đều mong muốn bày tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên và các vị thần linh trong làng. Mỗi người, mỗi nhà đều cầu mong cho mình và gia đình có một cuộc sống no đủ, an lành, hạnh phúc. Cầu mong cho con cháu trong làng chăm ngoan học giỏi và đỗ đạt cao… Chính vì thế mà mọi người, mọi nhà luôn thành kính trong ngày lễ ăn Tết lại này.
Mâm cỗ góp lễ dù lớn, dù nhỏ gia đình nào cũng phải có. Xưa kia, nhà nghèo không có đủ tiền sắm lễ thì đi vay nhà giàu, sau đó lại gắng làm để trả lại, miễn là có lễ dâng lên cùng dân làng ăn Tết lại.
Dù lễ to như thế nào cũng không thể thiếu được bánh dày.
Ông Lê Tiến Năng, Hội người cao tuổi trong làng kể lại: “Ngày trước, đến ngày ăn Tết lại, gia đình nào có con trai từ 18 tuổi trở lên thì phải góp lễ, lễ không có gì lớn chỉ là một mâm bánh dày mang ra đình làng cho cả làng cúng nhưng bắt buộc nhà nào cũng phải có. Giờ toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, nên phần lễ cũng được thu gọn và tùy vào tấm lòng mỗi người để xây dựng làng”.
Cũng theo ông Năng thì ngày xưa cả dân làng Thiều ăn Tết lại rất to. Hầu hết tất cả mọi nhà đều chung nhau để mổ lợn ăn mừng. Nhiều gia đình còn có tục cỗ chạy nên cả làng lúc nào cũng luôn nhộn nhịp, tấp nập đông người qua lại. Trong ngày lễ này, nhà nào dù có ăn Tết lại to như thế nào thì cũng không thể thiếu được món bánh dày.
Cả làng đều tập chung ở đình làng để dâng lễ vật, mời các vị thần linh, thành hoàn làng về chung vui với dân làng.
Ngày ăn Tết lại được người dân làng Thiều tổ chức trong một ngày. Buổi sáng cả làng tâp trung tới đền làng cùng nhau góp lễ, chuẩn bị mâm lễ sau đó làm các phần lễ nghi. Buổi chiều diễn ra các phần hội như: thi dã bánh dày, đấu bóng chuyền, bóng đá, cờ vua, kéo co, vui hát văn nghệ… Sau ngày ăn Tết lại, cuộc sống dân làng lại trở lại nhịp sống thường ngày.
Thái Bá
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét