Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Người Mày ở Giăng Màn

Tộc người không tư hữu
. 

Người Mày trong hệ gia đình Rục, Mày, Sách, Mã Liềng, Khùa, Trì, Thổ thuộc dân tộc Chứt ở Quảng Bình. Tộc người Mày chỉ nhỉnh hơn một ngàn người dưới núi Giăng Màn, nhưng có một cuộc sống uyển chuyển với tự nhiên, thông minh với thế giới hoang dã và đặc biệt, họ chưa động chạm đến tư hữu và có nhiều cổ tục lạ lẫm, bí ẩn.
.
Bản làng người Mày dưới ngọn núi Găng Màn hùng vĩ
Người Mày ở Minh Hóa, Quảng Bình có cố kết cộng đồng đặc sắc. Sang thế kỷ XXI, họ vẫn chưa chạm đến con đường tư hữu cá nhân một cách nhuần nhuyễn như người Khùa ở lưng chừng núi, hay người Sách phía dưới núi, hoặc người Kinh ở hạ nguồn. Họ vẫn giữ gìn bản sắc chia sẻ thức ăn vào mùa săn bắn và cho nhau lương thực một cách vui vẻ.
Chia thịt mùa săn
Cứ vào tháng Bảy mùa mưa rừng, người đàn ông Mày chuẩn bị ná, tên độc từ một loại cây họ sung mọc bên suối có nhựa mũ cực độc. Vào lễ săn, già làng cúng mở cửa bản, hòn đá thiêng của bản đặt bên gốc cây khô, quanh bản có một cửa ra được gọi là cửa lên trời, những cây lồ ô được rút ra, mỗi thợ săn được mời bước qua đó, và dùng máu con gà sống bôi lên trán, chỉ dấu về sự hùng mạnh và điêu luyện được già làng ban cho con trai người Mày.
Những chuyến đi săn của người Mày thường kéo dài từ một tuần đến cả tháng, lương thực họ bới đi chỉ là mấy bắp ngô và ít sắn trên rẫy, không mang theo gạo bởi phải nhường gạo cho trẻ em và phụ nữ, người già trong bản.
Già Hồ Xếp nói: "Không bới gạo đi cũng là chứng tỏ bản lĩnh của con trai Mày dẻo dai như cây rừng, tồn tại khỏe hơn anh em khác như Khùa, Sách, Mã Liềng trong rừng rú khắc nghiệt".
Họ đi vào rừng và phân công tốp săn một cách thông minh, nếu dùng bẫy họ đi theo dấu vết của thú rừng, phát hiện đường đi, họ sẽ làm một cái bẫy cạnh nơi có nước, thú đến đó sẽ mắc bẫy.
Nếu là săn bằng ná và tên độc, có người tiền trạm, phát hiện có thú, một tiếng huýt như tiếng chim ưng được phát ra, cả nhóm bủa thành hình vòng cung và xả tên vào con thú. Chưa bao giờ người Mày đi săn trở về tay không.
Người Mày chuẩn bị đi săn
Một con lợn rừng, con nai, hay con mang hoặc bất cứ loài thú nào to lớn bị bắt được, bản của người Mày có bao nhiêu thành viên đều được chia hết. Người đầu tiên phát hiện chỉ nhiều nhất là được phát thêm cái đầu, ngoài chỗ thịt như mọi người. Cái đầu của con vật săn được là biểu tượng của thợ săn thiện nghệ.
Tôi được cùng Hồ Khiên đi săn thú. Một ngày quần rừng khu vực săn bắn, trời mưa, những động loạn khiến mọi con vật lẩn trốn. Gần như phải tay không ra về, nhưng cuối cùng, Hồ Khiên cũng bắt được một con rắn to và một con thỏ rừng.
Khiên đưa đến nhà cụ Hồ Xếp, để vị già làng phân chia. Số thịt làm ra không nhiều, già Hồ Xếp nói chỉ phân cho một số nhà khó khăn và gia đình Hồ Khiên, dĩ nhiên, người đi theo như tôi cũng được phân một miếng thịt thỏ và một khúc thịt rắn, bởi tôi có công đi với Hồ Khiên, già làng dặn thế.
Chưa tư hữu sâu sắc
Thật ra nói người Mày không tư hữu cũng là chưa lột tả hết cuộc sống hiện thực của họ. Chúng tôi quan sát gần một tuần liền, thấy rằng, họ đã bắt đầu sở hữu cá thể gia đình với các vật dụng nhỏ nhất và đơn sơ nhất.
Hiện tại, về sâu xa, người Mày không ý thức về tư hữu, họ sống quần tụ và đoàn kết, thông minh trong cách ở, cách săn bắn, cách ứng xử với núi rừng.
Làm ít lúa rẫy, sắn ngô, họ thu hoạch rồi bỏ vào cái lán trên nương, ở đó dòng họ, anh em đều được phép đưa về ăn, ai đói cũng có quyền nói với trưởng tộc hoặc già làng, rồi xin chủ nhân được ra lán lấy ít lương thực.
Con trai trưởng thành sẽ đi lấy mật
Anh em Mày chia nhau miếng ăn như chia nhau những câu chuyện kể về nguồn gốc người Mày hùng mạnh qua các đêm lửa bập bùng cuối năm do già làng dẫn dắt.
Cụ Hồ Xếp, người già làng thông thái nói: "Cái người Mày nhà này có mà người Mày nhà khác không có thì phải cho nhau, vì có khi mình không có thì người khác cho. Người Mày mỗi bản vài nóc nhà, không cưu mang nhau để sống bền với rừng thì thua con thú, con chim; chúng sống còn có bầy, có đàn, huống chi người Mày bắt được con thú, con chim, phải hơn chúng chứ".
Với họ, nhà cửa là cái bình thường, cho nên nó xơ xác tiêu điều, bởi với người Mày, chuyện tư hữu một căn nhà ở rừng họ chẳng đoái hoài. Chỉ đến khi bộ đội biên phòng giúp dựng nhà mới, họ mới nghe kể về sự trọng đại của việc làm nhà trong đời người và bắt đầu gieo vào ý thức việc sở hữu căn nhà quan trọng như lễ trưởng thành.
Người Mày chưa có chăn nuôi lớn cho gia đình, cá nhân. Họ chỉ mới dừng lại ở nuôi vỗ gà và lợn, chó, heo chứ chưa nuôi bất cứ con gì. Nhưng chẳng may, "vừa rồi người dưới núi đưa thịt heo bệnh lên bán, dân mình ăn, rửa thịt gần nguồn nước heo ở, chúng lăn đùng ra chết hết mấy chục con cả bản, bài học lớn cho bản mình rồi", Hồ Meo nói.
Từ cái chết của mấy chục con heo, cả bản họp lại và rút kinh nghiệm, không phải lỗi của một gia đình, mà vì cả bản chưa thấy được cái bệnh nó nguy hiểm như thế nào.
Hào hoa với khách
Với người Mày, mỗi lần bản có khách, không phải chỉ một mình chủ nhà tiếp đãi mà lần lượt các nhà khác trong bản đều khoản đãi khách bằng những bữa cơm lúa nương và canh măng tươi với lá cọ rừng rất ngon.
Tôi may mắn được là một trong những vị khách như thế. Bữa cơm đạm bạc của dân bản Mày thết đãi, cho thấy tiềm lực ngôi nhà của họ và cũng bộc toát lên tâm hồn của họ, có cái gì cũng đưa ra mời khách.
Bữa ăn cơm lúa nương
Bữa cơm tối của cảnh núi rừng u tịch, bên ngọn đèn tạo ra từ loại dầu của cây cu lết trên rừng, giữa bản có nhà bắt được mớ cá khe cũng đưa đến chung vui đãi khách, rồi hỏi han bao chuyện cuộc sống miền xuôi, miền ngược.
Người Mày đang tồn lưu những gì thuộc về công sản nguyên thủy, nên mọi thứ thuộc về mưu sống họ đều chia sẽ, kể cả với khách phương xa.
Ngày nay, buôn bán đã tràn đến bản làng người Mày bằng chiếc xe máy của đội quân buôn chuyến, người Mày đã có thể ăn được con cá trích, cá nục từ dưới biển đưa lên. Nhưng họ chỉ dừng lại ở vật ngang đổi các đặc sản rừng, chưa thể có kỹ năng ngã giá.
Một số người Mày đổi sản vật cho các lái buôn chuyến thành tiền, có người vẫn không biết phân biệt giá cá nục thế nào, cá trích ra sao.
Tôi đưa tiền cho vợ Hồ Khiên đi mua cá, đưa cho chị 200.000 đồng, chị thấy rõ số hai, không đọc được các số không phía sau, mua đúng con buôn lừa mánh, hai trăm ngàn chỉ được hai cân cá. Hỏi sao chị không ngã giá, Y Phăng nói "không biết mô”, nghĩa là với chị không thể thêm bớt từng đồng như người dưới núi.
Không chỉ có vợ Hồ Khiên, nhiều người khác cũng như thế, bởi mãnh lực núi rừng kéo họ lại với quá khứ nhiều hơn, những va chạm và tiếp xúc với văn minh quá ít nên chưa thể bào mòn ý thức xưa cũ.
Người phụ nữ Mày vào rừng vẫn nhanh nhẹn với tài hái lượm, đàn ông Mày vẫn dẻo dai với săn bắn ý thức công sản của ngày nguyên thủy vẫn đeo bám tâm trí họ.
Còn lại gì cổ tục xưa?
. 


Người Mày trong hệ gia đình Rục, Mày, Sách, Mã Liềng, Khùa, Trì, Thổ thuộc dân tộc Chứt ở Quảng Bình. Tộc người Mày chỉ nhỉn hơn một ngàn người dưới núi Giăng Màn, nhưng có cuộc sống uyển chuyển với tự nhiên, thông minh với thế giới hoang dã xung quanh và đặc biệt, họ chưa động chạm đến tư hữu và có nhiều cổ tục lạ lẫm, bí ẩn.
.
.

Chòi đẻ riêng cho phụ nữ người Mày
Với người Mày vùng Dân Hóa, Trọng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình), lửa sinh ra nhịp điệu cuộc sống, ánh sáng của lửa xua tan bóng đêm để được ngồi bên già làng nghe kể các sự tích xưa. Vì thế, lửa được cúng tế như vị thần quan trọng trong căn nhà người Mày.
Lửa tạo ra hiểu biết
Chúng tôi tìm hiểu ngọn lửa trong gia đình các người Mày, được biết nó rất quan trọng. Người Mày "cất lửa" bằng bùi nhùi và các vật dụng thô sơ. Thế nhưng, ngọn lửa tưởng như bình thường ấy lại là vật biểu trưng được người Mày xem là thần lửa, một trong những yếu tố sinh ra cuộc sống, và họ xem lửa là nơi khởi phát của hiểu biết.
Mỗi lần có việc trọng hoặc vào nhà mới, bếp lửa được cúng bằng một con gà, một con cá khe, hai chiếc đũa, tượng trưng các am tường do lửa đưa ra. Bài cúng là xin thần lửa phù trợ gia đình, xóm bản được yên lành, sức khỏe.
Cụ Hồ Xếp nói: "Ngọn lửa tạo ra nước chín, uống sôi, giúp đồng bào hiểu được vị ngon của thịt rừng làm chín và nước sôi làm ấm bụng". Lửa dùng để sưởi ấm khi gió rét, ốm đau, sinh đẻ, lửa cũng giúp chiến đấu với dã thú, bệnh tật, lửa tạo ra hiểu biết về môi trường xung quanh, lửa cũng giúp rèn dũa tên đồng, nồi niêu cho cuộc sống vượt qua mông muội.

Một trong những linh vật hình voi tượng trưng sức mạnh của thần rừng trong tín ngưỡng của người Mày
Trí khôn của người Mày đã bảo giữ ngọn lửa trong mỗi ngôi nhà là quanh năm không hề tắt, bởi nếu lửa tắt, nó như điềm xấu, sẽ có ai đó qua đời, hoặc ốm đau.
Với người Mày, nước tạo ra nguồn sống, thì lửa tìm cách nấu chính các nguồn sống đó cho con người sinh tồn. Cách nghĩ ấy, quả thật sâu sắc với một tộc người nhỏ bé giữa đại ngàn, một vi biến uyển chuyển với núi thẳm rừng sâu.
Cao hơn, các cụ già Mày vẫn chỉ cho con cháu, lửa giúp con người biết suy nghĩ, nhằm phó lúc vây khốn hoặc ở giữa vùng hoang dã một mình. Nghĩ cho cùng, lửa tạo ra người Mày với những thứ xung quanh, bởi với họ lửa ngoài cách nghĩ là vị thần, thì làm gì họ cũng nghĩ đến lửa, từ đi săn, phát rẫy, lên bếp, tránh rét, trú hang...
Quấn chỉ cầu khỏi bệnh
Người Mày ngày nay đau ốm đã nhờ bộ đội biên phòng chữa chạy những căn bệnh nhẹ, nhưng trong ý thức, họ vẫn duy trì cổ tục buộc chỉ cổ tay cầu khỏi bệnh tật. Nếu người Khùa dùng cách buộc chỉ cổ tay cho tình yêu thương vợ chồng, cha con, dòng tộc, hiếu khách thì ngược lại, người Mày dùng chỉ cổ tay khi họ đau ốm, khi động rừng, động bản.

Cột thờ ma trong ngôi nhà người Mày
Tôi được chứng kiến trong 22 hộ đồng bào trên quả đồi hùng vĩ, có hai người đang quấn chỉ cổ tay. Già Hồ Xếp, năm nay 85 tuổi, vừa đau sốt, già vào bếp lửa, dùng các sợi chỉ trắng, xe lại, tự buộc vào tay phải và khấn thần lửa, khấn Giàng rằng: "Con đau, xin thần cho được khỏe, con cột cái dây này để hồn đời trước về phù hộ, cho lại cái sức khỏe, cho lại cái nhanh nhẹn, xin thần, xin Giàng".
Nếu cả bản có nhiều người đau ốm, hoặc có người chết, hoặc đêm mộng thấy động rừng, động bản, cụ Hồ Xếp quấn thêm vòng chỉ nữa cũng ở tay phải và khấn ở trong bếp nhà mình.
Chị Y Hoa vừa sinh con nhỏ, đứa con đau ốm, được bộ đội cho thuốc, nhưng vì tập tục, Y Hoa cũng quấn chỉ phía tay phải. Nhìn vẻ mặt của Y Hoa khi quấn chỉ cổ tay xong có vẻ tự tin hơn với cái sốt nóng của đứa con đỏ hỏn. Bởi tin vào tục cổ xưa ấy, hậu thế người Mày như có sức đỡ tinh thần, giải tỏa tâm lý rất nhiều, mặc dù đó không phải là phương pháp khoa học.
Người Khùa ở lưng chừng núi nếu sinh đẻ đã biết đến trạm xá thì người đàn ông Mày lại dựng cho vợ cái chòi ở sau nhà. Ở đó người phụ nữ tự sinh con, cơm bữa được bới đến, khi ăn đủ ba con khỉ nước, tắm rửa bằng các thứ thuốc rừng dành cho người sinh đúng một tháng, thấy sạch sẻ mới mời mẹ con vào cùng ở chung.
Đó là cổ tục khắt khe, và có khi cả mẹ lẫn con chết do người chồng không lui tới chăm sóc. Cổ tục này hiện đang được bộ đội biên phòng Ra Mai vận động phế bỏ, bởi đã có y tế địa phương đảm đương chăm sóc, nhưng với người Mày rất khó từ giả nó, bởi ở rừng, khó vô cùng để ra trạm y tế khi đường sá cách trở, dằng dặc xa xăm.

Buộc chỉ cổ tay để trừ bệnh, theo quan điểm người Mày
Ma là thành viên gia đình
Nếu người Khùa thờ đa sắc về ma thì người Mày chỉ thờ hai loại ma là Đuc đác và ông bà tổ tiên, hơn nữa, người Mày xem ma là thành viên trong nhà. Bất luận người đàn ông Mày gặp chuyện vui buồn, hay đón khách khứa, hoặc gia đình gặp vận hạn, họ đến cột nhà ma nói chuyện với ma Đuc đác và khấn ma ông bà tổ tiên.
Căn phòng có cột thờ ma không được cho con gái hay phụ nữ bước đến, chỉ con trai và đàn ông mới có đặc quyền đến với ma, thương yêu ma và coi ma là thành viên gia đình.
Theo Hồ Khiên, thờ ma thì nhà nào cũng có, nhưng thờ ma tổ tiên thì chỉ ông trưởng tộc người Mày thờ tự, bàn thờ cũng đơn giản, những hình thù của các dã thú trong rừng bằng gỗ, trên đó là nến bằng sáp ong, và bát nước từ ngọn nước đầu nguồn. Khi cúng bái thì đặt mâm cơm có măng cạnh cột nhà ma, mời ma về ăn.

Lửa là vị thần quan trọng với người Mày
Với người chết, tộc Mày trong bản có mặt đầy đủ, họ mời vị trưởng tộc cúng ma báo việc có người mới chết, xin làm ma mới theo tổ tiên. Họ để con cháu hầu hạ đúng một ngày, rồi cùng cả bản đưa đi chôn, có người đi trước, cầm quả trứng, nguyện cầu ma Đuc đác, ma tổ tiên giang tay đón vong hồn ma mới, quả trứng gà được rơi ở đâu, vỡ toe ra sẽ là nơi đào huyệt để chôn cất người qua đời.
Táng xong, trưởng tộc gọi hồn ma mới biết đường về nhà. Trời chạng vạng, vị tộc trưởng và người con trưởng cầm rựa ra đầu bản đón hồn người chết về cúng mời ba bữa tối gồm xôi nắm, cá khe nướng, ống lồ ô nước, tất cả bỏ trong một cái khay đan bằng tre hay mây.
Qua ngày thứ tư, trưởng tộc và gia đình cầm khay cúng mời ma mới ra mộ, đặt mọi thứ ở đó. Từ đó họ hết thờ, hết cho ma mới ăn. Tám ngày sau lại có lễ hết khó, lễ gồm hai mâm cúng, giết gà, làm heo, có rượu, đơm nước suối thật mát, một mâm cúng ma mới rồi mời ông bà tổ tiên, một mâm khấn thần Ku Lôông và các vị thần đã giúp đỡ người sống, họ xin vong linh người chết được trở thành thần, thành ma đi theo thần núi, thần đất để giúp dân giúp bản.
Một tháng sau, trưởng tộc mời thầy mo về tẩy uế, làm lễ cất tang, từ đó người Mày không gặp lại ngôi mộ, mọi việc đều nằm ở cột nhà ma...
Chia tay đồng bào Mày với một tuần gắn bó, biết cạnh mình có người anh em bé nhỏ nhưng dẻo dai, khó khăn nhưng hiếu khách, thông minh và dí dỏm giữa một khung trời hùng vĩ mới thấy ánh cười của Hồ Khiên, Hồ Meo, Hồ Phăng, Hồ Đi, Hồ Bun, Hồ Chau... đầy cảm hứng, đầy lạc quan theo cách của truyền nhân chiến binh Mày thời viễn xưa.


HÀN THƯ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét