Làng cổ Long Tuyền nằm ở phía Tây Nam thành phố Cần Thơ. Đây được coi là nơi hội tụ phong khí, có vẻ đẹp đậm chất văn hóa miệt vườn được gìn giữ qua hàng trăm năm lịch sử.
Cách trung tâm thành phố Cần Thơ, địa hình Long Tuyền là bức tranh tiêu biểu cho vẻ đẹp của văn hóa miệt vườn với dòng sông Bình Thủy vắt ngang. Sông Bình Thủy dài 15km chia làng thành hai phần đối xứng rồi từ đây tỏa ra trên 30 con kênh rạch lớn nhỏ tự nhiên hoặc nhân tạo đan xen chằng chịt với những tên gọi rất bình dị. Từ đó, hình thành nên cả một nền "văn hóa ghe xuồng" hiển hiện trên sông rạch rồi vườn cây kế tiếp vườn cây, xanh ngắt, ngút ngàn.
Nước con rạch Long Tuyền quanh năm yên bình, sóng gợn lăn tăn như vảy rồng lấp lánh dưới ánh mặt trời, dưới ánh trăng giữa những vườn cây trái xum xuê ôm theo con rạch.Bên cạnh đó những nếp nhà truyền thống, bình dị tạo nên những xóm làng trù phú đậm chất Nam Bộ.
Làng cổ này còn có di tích cấp quốc gia như: Đình Bình Thủy, chùa Nam Nhã, Long Quang cổ tự, Hội Linh cổ tự, nhà cổ Bình Thủy và trụ sở của An Nam cộng sản đảng.
Đình Bình Thủy, hay còn gọi là Long Tuyền Cổ Miếu, được dựng lên từ những ngày đầu dựng làng cách đây 170 năm (1844) có diện tích 4000m2 được xếp vào loại lớn trong các đình làng ở Cần Thơ. Ẩn dưới mái đình cổ kính không chỉ là chiều sâu lịch sử truyền thống cội nguồn của một làng cổ Nam Bộ mà còn là nơi bảo lưu, gìn giữ những giá trị tinh hoa văn hóa, văn minh sông nước miệt vườn với bề dày đáng ngưỡng mộ.
Đình Bình Thủy (Long Tuyền cổ miếu) là ngôi đền xưa nhất Nam Bộ, là chứng tích lịch sử của buổi đầu ông cha ta khai cương thác địa vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Đình Bình thủy là một công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Tuy được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, nhưng kiến trúc của đình còn giữ được nhiều yếu tố kiến trúc truyền thống của dân tộc.
Chùa Nhã Nam nằm in bóng bên dòng sông Bình Thủy, nổi tiếng không chỉ đẹp về kiến trúc mà còn bởi lịch sử hình thành và phát triển của nó gắn liền với phong trào cách mạng Đông Du. Ngày nay ngôi chùa này là một trong số ít công trình kiến trúc cổ có giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật còn lưu giữ khá nguyên vẹn tại TP. Cần Thơ.
Ngoài ra, đây cũng là nơi lưu giữ khá nhiều cổ vật quý hiếm, đặc biệt là các bức hoành phi, câu đối và những bộ bàn ghế gỗ thờ trong chùa. Nó đánh dấu sự kết hợp của thơ và họa trong nghệ thuật chạm trổ và khảm ốc, là những minh chứng hùng hồn cho mỹ thuật đồ gỗ Nam bộ xưa.
Trong số những ngôi nhà cổ ở làng Long Tuyền “Nhà cổ Bình Thủy” là một điểm đến không thể bỏ qua nếu muốn tìm kiếm những ảnh hưởng của kiến trúc Pháp trong đời sống của người dân Nam Bộ. Ngôi nhà 5 gian này đã hơn 130 tuổi, nằm hài hòa trong một khuôn viên rộng, có hòn non bộ, có nhà mát, cửa ra vào theo kiểu xưa rất độc đáo.
Những địa điểm như Long Quang cổ tự, Hội Linh cổ tự đều là những công trình kiến trúc mang đậm giá trị lịch sử, đồng thời thể hiện rõ nét văn hóa đặc sắc của Cần Thơ nói chung và Nam Bộ nói riếng.
Hàng năm tại làng cổ Bình Thủy, du khách có thể tham gia vào lễ hội Kỳ Yên được tổ chức vào tháng 4 và tháng chạp âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội mang nặng những giá trị truyền thống của văn hóa Nam Bộ, đồng thời mang đậm tính chất của nền văn minh lúa nước. Lễ hội có lễ rước sắc thần, thể hiện ước mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đạo an khang. Không khí tươi vui, náo nhiệt của hội làng lại càng thêm phần tưng bừng hơn bởi các trò chơi dân gian, hát bội, hát Tiều,...
Dù trải qua thăng trầm của lịch sử, những cuộc chiến tranh, làng cổ Long Tuyền ngày nay vẫn còn giữ được nét đặc trưng của văn hoá miệt vườn sông nước Nam Bộ.
Hyo. (Depplus.vn/MASK)
Về Cần Thơ ghé thăm nhà cổ Bình Thủy
Cần Thơ là thành phố trẻ nằm bên bờ sông Hậu, khoảng trên dưới 300 năm. Và cũng vì thế, di tích mà tiền nhân để lại không nhiều. Ngoài ngôi Long Tuyền cổ miếu (dân gian hay gọi là Đình Bình Thủy) còn có ngôi nhà cổ Bình Thuỷ của dòng họ Dương lưu giữ lại.
Theo những hậu duệ đang trông coi thì ngôi nhà này được xây dựng từ năm 1870 với 5 gian 2 chái, trên một diện tích hơn 5 công đất tầm cấy (tương đương 6000m2).
Trước sân có hòn non bộ, hoa kiểng. Bên phải là vườn lan, góc bên trái có cây xương rồng Mexico Kim Lăng Trụ cao khoảng gần chục thước với độ tuổi khoảng 40. Sau nhà là vườn cây ăn trái. Sân rộng lót gạch tàu, lối vào nhà xây bốn cầu thang hình cánh cung. Nhà rộng thênh thang với 6 hàng 24 chiếc cột gỗ lim đen bóng, đường kính khoảng 30 cm kê trên những tảng đá có hoa văn. Kết nối giữa hệ thống cột, xà là những chi tiết gỗ màu nâu chạm trổ hết sức tinh vi.
Khi xây dựng, để chống mối mọt và giữ độ lạnh cho ngôi nhà, chủ nhân đã cho rải đều bên dưới nền gạch một lớp muối hột dày hơn tấc tây. Cùng với hệ thống cửa và cửa sổ thoáng đãng nên trời nắng chang chang mà trong nhà rất mát mẻ.
Ngôi nhà được bày trí theo phong cách đặc trưng Nam bộ. Bàn thờ uy nghi ngay gian giữa, khánh thờ được sơn son thếp vàng, giường thờ, tủ chè, sạp gụ, trường kỷ đều cẩn ốc xà cừ. Du khách sẽ tìm thấy ở đây sự bài trí rất hài hòa xen lẫn bộ bàn ghế Trung Quốc, bộ xa lông khảm trai kiểu Pháp đời Louis 15, cặp đèn treo thế kỷ XIX, Lavabô, cùng bốn trụ đèn dầu đặt ở bốn góc nhà cao hơn 3m của Pháp. Ngôi nhà còn mang dấu ấn rất lạ, từ gạch bông lót nền, hàng rào sắt, bộ đèn chùm pha lê tới bức tranh treo tường và đặc biệt là chiếc bồn rửa tay bằng men sứ trắng, hoa xanh đặt trên bục gỗ độc đáo… đều là hàng Pháp.
Nhà được chia làm ba phần: nhà trước, nhà giữa, nhà sau. Ngăn cách giữa nhà trước và nhà giữa là một hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện và ô hộc được tạo tác bằng gỗ, chạm khắc tỉ mỉ bởi các nghệ nhân Việt tài hoa với các đồ án, quy ước quen thuộc trong kiến trúc cổ cũng như gần gũi với đời sống của người việt Nam ở Nam bộ: mai, lan, cúc, trúc, sen, điểu, tùng lộc, dơi, chim, công, tôm, cua, nho…
Kiến trúc ngôi nhà: phòng khách bày trí theo phong cách Tây Âu nhưng nơi trang trọng nhất là gian thờ theo Đông Phương. Điều này cho thấy sự giao tiếp văn hóa Đông - Tây một cách hài hòa, chọn lọc thể hiện thị hiếu thẩm mỹ tinh tường của chủ nhân: tiếp thu cái mới nhưng vẫn giữ cốt cách dân tộc, làm cho bộ mặt văn hóa ở vùng đất mới này ngày càng phong phú và đa dạng. Chính điều ấy đã lôi cuốn nhiều đạo diễn, hãng phim chọn nơi đây làm phim trường với nhiều bộ phim nổi tiếng, như: Chân trời nơi ấy, Những nẻo đường phù sa, Con nhà nghèo, Nợ đời, Cây tre trăm đốt, Bão U Minh, Công tử Bạc Liêu, …
Dù đã trải qua hai cuộc chiến tranh, nhất là sự xâm hại của thời gian, nhưng ngôi nhà cổ vẫn còn khá nguyên vẹn, là một công trình kiến trúc có giá trị tới ngày nay. Hiện ngôi nhà do hậu duệ dòng họ Dương cùng gia đình tiếp tục kế thừa và gìn giữ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét