Nếu trời mưa vừa vừa, vài ba hôm rồi ngưng thì cánh lái cá “nhà giàu”, ăn hàng từ Campuchia - Lào sẽ hốt bạc.
Cá anh vũ sông Mekong lớn con và hình dáng khác hẳn cá “mõm lợn” Phú Thọ. |
1. Dân gian thường bảo: không cái ngu nào giống cái dại nào. Dân sành ăn cũng rỉ tai tương tự: Không miếng ngon nào giống của lạ nào! Khổ! Chưa nếm được, người cứ nôn nao, bần thần ngỡ như... mất hồn. Tại con anh vũ ở tít xa!
“Ăn món vua chúa thèm không bồ?- Mì tiến vua hả?- Bớt giỡn đi cha nội! Vợ chồng con anh vũ. Hả! Hãy đợi đấy!”. Một người bạn dân kinh doanh nhà hàng ở quận 7, TP.HCM, mới chu du Tây Nguyên về rủ rê. Gặp mặt, hắn lại trở bệnh... than: “Buôn Mê dạo này nắng hạn cháy da, quéo râu, rừng trụi lủi! - Vậy cá mắm lấy đâu ra? - Tận bên Campuchia - Lào!” Trời hỡi! Thêm một nỗi buồn không tên.
Thế mà, ông “cố vấn” Gút- gồ cứ xum xoe: đặc sản số một dòng Sesan là loài cá tiến vua. Hỏi lại một số đầu bếp và lái cá độc Tây Nguyên, họ cũng đáp trùng khớp: đặc sản bản địa đang kiệt dần. Còn những thác ghềnh xứ chùa Tháp, Luang Prabang, nơi dòng Mekong hào sảng đọan lững lờ trôi, chổ ầm ào tuôn chảy vẫn còn khá nhiều giống cá này. Cho nên, ngư dân địa phương có thể bắt gặp con nặng cỡ 12kg, thường là cá cái; còn cá đực thì nhỏ hơn, cỡ: 7 - 8kg/con.
Trọng lượng cỡ đó, có thể xếp vào hàng khủng so với nhóm anh vũ sông Đà. Mặt khác, xét về hình dáng, riêng cái cái mõm cá ở mỗi nơi cũng đã khác nhau xa lắc. Cụ thể, môi trên và dưới cá khu Tây Nguyên-Campuchia - Lào không trề ra đáng kể như cá cùng loại vùng Phú Thọ. Với giống anh vũ đầu vàng, phần môi dưới gần như không trề ra, đầu gù lên trông tựa cá La Hán.
Cá anh vũ vàng ít gặp hơn, nên đắt giá cỡ 30% so với loài cá đen |
Thế nhưng, giá của nó thường cao hơn con anh vũ đen khoảng 20 - 30%, theo thời giá. Và việc tổ chức ráp nối với các đầu mối, để nguồn hàng chạy về tới TP.HCM, ra bàn tiệc thông suốt cũng cả một quá trình. Có lúc, chúng tôi tưởng ngon ăn, nào ngờ vẫn bị... kẹt xe. Số là, hai ông đực rựa ngồi “tống tiễn”, đôi vợ chồng cá quý, nặng cỡ 8 ký thì có vẻ vô... duyên và không hài hòa âm dương tí nào. Cho nên, người viết đề nghị nên mời thêm vài “bông hoa biết nói” cùng thưởng thức, kẻo... phí của trời. Lại thêm trở ngại: “Ôi! Cha mẹ ơi! Con gì mà cái miệng cẩn... hột xoàn - thấy ớn quá vậy! - Quý lắm đó! Em tu chín kiếp mới có duyên gặp nó đó. Nếu sợ, chút nữa em nhắm hi hí hai con mắt, hé miệng ra anh đút cho!”, người bạn được dịp ve vãn.
Giá gần 1triệu đồng/kg, tại một số nhà hàng ở TP.HCM Da cá giòn sần sựt thật mê ly! |
2. Do phải bám vào những vách đá trơn nhẵn để: hút rong rêu, tìm mồi khoái khẩu; nên phần môi cá có cấu tạo đặc biệt hơn các loài cá suối khác. Thoạt trông, phần này khá xấu xí, nhưng khi cắn vào thì khó cưỡng! Bởi nó chứa nhiều sụn, giòn rào rạo, ngọt béo đến ngẩn ngơ. Còn phần thịt cá, mang phi lê, rồi đem nhúng mẻ hoặc nấu riêu với mớ rau: thì là + vài khoanh khế hườm tạc hình ngôi sao lấp lánh... ăn kèm bún tươi. Căng bụng vẫn thòm thèm! Ấn tượng là, phần da cá nở bung ra, giòn sần sật. Thịt cá dẻo ngọt, beo beo - ngon quên thôi!
Tàn tiệc, cô gái dị ứng với đầu cá ban nãy lại đong đưa mắt huyền, dặn dò chủ gia: “Lần sau, có cá lạ nhớ rủ em!”
Dồn thêm tin buồn phút 89! Được biết, đầu mùa mưa sắp tới đây, cũng là mùa hạn của đám anh vũ nái (chửa). Lúc này, chúng sẽ tung mình vượt thác, phóng lên nguồn đẻ trứng. Nếu trời mưa vừa vừa, vài ba hôm rồi ngưng thì cánh lái cá “nhà giàu”, ăn hàng từ Campuchia - Lào sẽ hốt bạc. Mỗi ngày, họ có thể thu vô vài ba tạ cá. Hoặc mưa xối xả, liên miên, nước trên nguồn sẽ đổ ầm ầm, cá khó bề vượt thác, để quật mình đẻ trứng - duy trì nòi giống. Đường nào cũng bất lợi, cho loài cá “lá ngọc cành vàng” vừa kể!
Thịt cá ngọt dẻo lẫn beo béo - khó quên! |
Tấn Tri (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét