(iHay) Đó là Khu bảo tồn tre trúc mang tên Sơn Trà Tịnh Viên, hiện diện hơn chục năm qua trên núi Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) của một vị tu sĩ - nhà sư Thích Thế Tường.
Sơn Trà Tịnh Viên nằm khuất sâu trong thung lũng thuộc tiểu khu 64 (Khu bảo tồn thiên nhiên Bán đảo Sơn Trà), cách trung tâm TP.Đà Nẵng khoảng 8 km, với chừng 15 phút chạy xe thong dong.
Trong cái nắng khắc nghiệt và dai dẳng của dải đất miền Trung, Sơn Trà Tịnh Viên là địa chỉ “giải nhiệt” của người dân và du khách đến Đà Nẵng. Họ tìm đến đây để đắm mình vào vũ điệu tre trúc quyến rũ…
Khu vườn tre trúc rộng hơn 10 nghìn mét vuông và xanh đến kỳ lạ, “hớp hồn” bất kỳ ai lạc bước đến đây.
Hơn chục năm gá duyên với tre trúc, thầy Tường một mình xuôi ngược vào Nam, ra Bắc góp nhặt hơn 110 loại tre trúc quý, hiếm… Theo thầy Tường, hơn 110 loài, nghĩa là hơn một nửa những chủng loài tre trúc của Việt Nam đã có mặt tại Sơn Trà Tịnh Viên. Dáng dấp vùng miền của Việt Nam cũng từ đó in đậm trong mỗi cây tre, dáng trúc…
Từ trúc quân tử Đà Lạt, lồ ô, tre Làng Ngà, luồng, tre nghẹ, dùng phấn, tre đen Bắc Cạn, trúc Hóa Long… và cả loài trúc đen Yên Tử có tên trong sách Đỏ đều cùng vươn mình xanh tốt ở Sơn Trà Tịnh Viên.
Theo kinh nghiệm của chủ nhân vườn tre trúc, thì cứ vào mùa xuân mà trồng thì tre trúc nào cũng bám đất, xanh tươi mơn mởn.
Là không gian bảo tồn tự nhiên nên tre trúc ở đây được trồng ở những khoảng đất trống và xen kẽ với cây bản địa để giữ đất, chống xói mòn.
Dưới mỗi khóm tre, bụi trúc, sư thầy cắm bảng chú thích thông tin, nguồn gốc, tên khoa học của từng loài.
Thầy Tường ấp ủ hy vọng chừng 5 năm nữa, Sơn Trà Tịnh Viên sẽ là khu bảo tồn sinh động về hơn 300 loài tre trúc có mặt tại Việt Nam và nhiều giống tre trúc quý trên thế giới.
Cùng với cảnh quan xanh của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Sơn Trà Tịnh Viên đang dần trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai muốn trải nghiệm không gian xanh của tre trúc, thưởng ngoạn tìm hiểu về thế giới các loài tre, và tạm lánh xa chốn phồn hoa náo nhiệt, náu mình thanh tịnh mà nghe tre xanh ru ca…
Bài, ảnh: An Quân
Hai cây đa độc nhất vô nhị ở bán đảo Sơn Trà
Nổi tiếng với chùa Linh Ứng, đỉnh Bàn Cờ Tiên hay bãi đá đen..., bán đảo ở Đà Nẵng còn khiến du khách trầm trồ với hai cây đa gần nghìn năm tuổi.
Đến Đà Nẵng, ngoài việc thăm Bà Nà Hills, tắm biển Mỹ Khê, thưởng thức các đặc sản ẩm thực... thường du khách hiếm khi nào bỏ qua bán đảo Sơn Trà - cách trung tâm thành phố chừng 10 km về hướng đông bắc. Cùng với đèo Hải Vân, Sơn Trà bao bọc toàn bộ thành phố Đà Nẵng. Đây cũng là nơi để bạn có thể chiêm ngưỡng toàn bộ thành phố từ trên cao với vẻ đẹp hữu tình.
Đường lên bán đảo Sơn Trà khá dễ đi. Toàn bộ cung đường đều được trải nhựa phẳng lỳ. Càng lên cao, đường càng dốc hơn, tạo cảm giác kỳ thúc khi chinh phục.
Đa phần, du khách chọn con đường đi quen thuộc dẫn lên đỉnh Bàn Cờ Tiên. Trong khi đó, tại khu vực ngã ba dẫn lên đỉnh Bàn Cờ Tiên còn có một đường dẫn khác, theo hướng rẽ phải, bọc sát bờ biển. Nhìn từ xa, con đường cheo leo, vắt vẻo trên sườn núi. Đi theo cung đường này, bạn sẽ được ngắm toàn bộ cảnh biển bao la, trong xanh và thành phố Đà Nẵng nằm ở phía xa. Một điều khá thú vị là điểm dừng chân mà hầu hết mọi người đều phải ghé đó là cây đa nghìn tuổi.
Cây đa Sơn Trà. |
Tại tấm biển Cây di sản Việt Nam được đặt ngay dưới chân gốc đa có ghi: “Cây đa Sơn Trà, họ dâu tằm, cao 22m, chu vi thân chính và cụm thân phụ 85m. Tuổi cây 800 năm. Nơi đây từng được lực lượng dân quân tự vệ, biệt động Quảng Nam, Đà Nẵng chọn làm căn cứ địa cách mạng cho hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm”.
Cây đa Sơn Trà 800 năm tỏa bóng rợp cả một khoảng không rộng lớn. |
Nhìn từ xa, tán cây đa tỏa bóng xanh mát. Lại gần những phần rễ phụ đổ xuống, ăn sâu vào mặt đất càng tạo nên vẻ đồ sộ, sừng sững. Phần thân chính của cây phải 2-3 vòng tay người lớn ôm mới xuể. Đặc biệt, thân cây có nhiều nhánh tỏa ra, tạo nên vùng tán rộng tựa như có bàn tay con người uốn nắn. Cây đa tạo nên vẻ kỳ thú, vừa huyền bí, vừa cổ kính khiến ai cũng phải trầm trồ.
Quay ngược lại con đường lớn nhưng không tiến hẳn ra đường trung tâm của bán đảo Sơn Trà, bạn sẽ thấy biển chỉ dẫn đến khu du lịch sinh thái Nhất Lâm Thủy Trang Trà. Con đường dẫn đến địa điểm này khi cheo leo lên dốc, lúc lại thả trôi gần như dựng đứng, thách thức du khách. Vì nằm ở địa thế khá sâu bên trong núi, địa điểm này khá vắng khách. Chỉ một số ít người bản địa và những phượt thủ ưa mạo hiểm, khám phá mới biết đến nơi này. Trong Nhất Lâm Thủy Trang Trà có một cây đa vô cùng đặc biệt mang tên gọi: Cây đa ngơ ngác.
Cây đa ngơ ngác. |
Cây đa cổ thụ cũng có tuổi đời gần 1.000 năm này có hình chú nai, vì thế người ta quen gọi là cây đa ngơ ngác hay cây đa con nai. Phần thân của cây được xẻ làm đôi tạo thành thế như hai cặp chân trước, sau của nai. Phần tán rộng, vươn lên cao tựa như những chiếc sừng nai khẳng khiu.
Cây đa cổ thụ hơn 1.000 năm tuổi có hình một con nai, nên còn gọi là cây đa con nai. |
Không chỉ gây ấn tượng bởi hình dáng, bộ rễ của cây đa này cũng khiến ai ghé thăm phải không ngớt xuýt xoa. Có những phần rễ uốn lượn như con rắn khổng lồ, bám chặt vào thân cây. Lại có những phần tựa như bức tường thành uốn lượn. Hình dáng kỳ thú đó khiến các du khách ghé thăm khó tin vào mắt mình bởi sự tuyệt diệu của tạo hóa.
Ngay cạnh cây đa ngơ ngác là suối nai. Mùa này suối cạn nước, trơ ra những phiến đá phủ rêu xanh. Đứng từ cây đa ngơ ngác nhìn phía bên kia suối, bạn còn được thấy một cây đa khổng lồ khác với tán vươn cao lên bầu trời rất đẹp mắt.
Văn Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét