Bún nóng hổi, đúng nghĩa vừa thổi vừa ăn. Ăn một tô chưa đủ, phải ăn hai tô, mỗi loại ít nhất một tô. Không ít người, mỗi lần ăn bún tôm, bún rạm Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) phải ăn đến 4 tô.
Bún tôm ăn với bánh tráng gạo. Vừa ăn vừa thổi vì bún nóng hôi hổi trong tô. |
No mà không ngán. Bún gì kỳ, ăn hoài ăn mãi vẫn cứ thương thương lạ…
Tô bún thôi mà, có gì để thương để nhớ đến vậy? Một người quen của tôi ở Sài Gòn ra chơi, nghe tiếng bún tôm, bún rạm Phù Mỹ, nhất định phải ra ăn. Vậy là cô, cháu chở nhau hơn 60 km để ăn bún. Bà vốn là người từng trải, đi nhiều, sành ăn và nấu ăn rất ngon. Lúc giới thiệu món bún cho bà, tôi cứ lo vị bún dân dã quá, đơn giản quá, sợ bà chê… Nhưng rồi, sau tô đầu tiên, bà kêu thêm tô nữa, tô nữa rồi mua thật nhiều về cho người thân ở nhà.
Bún tôm. Ấy là tô bún đơn giản nhất mà tôi từng được ăn. Tôm để nguyên vỏ giã nhuyễn, thêm gia vị. Nước luộc bột gạo sôi chế vào tô có ít tôm giã quấy đều, bún tươi vừa ép bỏ vô một nhúm. Thêm ít hành ngò cho thơm. Vậy là xong.
Nhưng mà, mèn đét ơi, nó ngon đến tê lưỡi. Tô bún ấy, đơn giản đến tối giản ấy là tụ hội tinh hoa đất trời, sông nước Phù Mỹ. Cũng là tôm, là rạm đấy thôi nhưng ở bất kỳ đâu khác, người ta không hoặc không thể nấu được món ăn dân dã này.
Con tôm trên đầm Châu Trúc ở Phù Mỹ có điểm đặc biệt là ngọt nước, ngọt lừ, thơm đậm đà. Gạo ủ một ngày một đêm rồi đăng bột, rồi luộc, rồi cho vào máy ép bún. Phía dưới máy ép là nồi nước gạo sôi sục. Bún ép đến đâu bán đến đấy.
Chỉ có gạo và gạo trong từng sợi bún, trong nồi nước bún. Bún tôm được làm kiểu như người ta trụng thịt bò tái trong tô phở. Tôm ở đây cũng chỉ đổ nước gạo sôi rồi quậy đều đến khi nổi bọt là chín.
Bún rạm thì kỳ công hơn chút. Rạm là con cua nhỏ, cũng ở đầm Châu Trúc, được làm sạch rồi giã nhỏ, gạn lấy nước rồi nấu lên, nêm nếm dầu hành gia vị.
Tô bún rạm có thêm ít rau sống, chút xoài xanh dưa leo xắt sợi, ít đậu phộng rang nguyên hột thơm phức. Cứ thế mà chan nước rạm mặn mà lên tô bún. Rưới hết chén thì trộn đều lên hoặc để vậy rồi thưởng thức từng đũa, từng đũa.
Hiện nay, những người mê bún tôm, rạm Phù Mỹ không cần phải đi 60 km như tôi ngày trước mới có thể thưởng thức. Món bún đúng vị làng quê này đã vô đến Quy Nhơn với đầy đủ nguyên vật liệu từ Phù Mỹ mỗi ngày.
Chị Lâm Thị Hạnh (48 tuổi, chủ quán bún tôm bún rạm Mỹ Hạnh) cho biết: “Thấy vậy thôi chứ để nấu được món bún đơn giản này cực kỳ phức tạp và nhiều công đoạn. Nếu không có con tôm, con rạm từ đầm Châu Trúc - Phù Mỹ chuyển vô mỗi ngày, tôi không thể nấu bún. Nó là hồn vía, bí quyết thành công hàng đầu cho món ăn bình dị này”.
Bún tươi cọng nhỏ được ép ra nhiều lần vào buổi sáng. Bán đến đâu ép bún xuống đến đấy để bún luôn tươi ngon, không bị chua hay cứng. Chiếc máy ép bún và lò lửa cùng nhau làm việc mỗi ngày để cho ra lò những mẻ bún tươi ngon nhất Tô bún chuẩn bị rưới rạm Bún rạm ăn theo kiểu ăn tới đâu rưới nước rạm tới đó. Tô bún đậm đà vị đồng nội. Một tô bún tôm còn nổi bong bóng hơi nóng chuẩn bị dọn ra cho khách. Ở quê, một tô bún thế này chỉ 5.000 đồng. Khi vô phố, nó thêm 10.000 nữa, vẫn rất bình dân. Lần lượt quấy bún tôm Bánh tráng ăn kèm bún cũng làm theo kiểu nướng tới đâu bán tới đó, giúp bánh dọn ra cho khách lúc nào cũng giòn rụm |
Tâm Ngọc (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét