(iHay) Cá trắng (có nơi gọi cá trắng chỉ) là loại cá sống ở môi trường nước ngọt như sông, suối. Chúng sống thành từng đàn, có thân hình nhỏ dẹp, con nào lớn lắm cũng cỡ bằng ngón tay giữa người lớn. Những lúc chớm hè, trên các con sông, con suối nước bắt đầu cạn dần, người dân lại í ới rủ nhau đánh bắt cá trắng.
Cách bắt cá thông dụng và hiệu quả nhất là thả lưới. Lưới dùng để bắt cá trắng là loại lưới lỗ nhỏ, cá mới không lọt ra được.
Cá trắng “mắc” lưới thường rất dày, bởi chúng đi theo từng đàn. Để gỡ cá cho mau, người thả lưới thường đem lưới lên bờ rũ vài cái thì cá sẽ rớt ra hết. Cứ thế lượm cá cho vào cái rổ hoặc xô, mang về chế biến. Có vô số món ăn ngon từ cá trắng như: kho sả, kho nghệ, nấu canh chua... nhưng khoái khẩu nhất vẫn là món gỏi. Món này chế biến rất đơn giản và nhanh chóng.
Cá mới bắt về, đánh vảy, làm ruột thật sạch, dùng kéo cắt bỏ phần đầu, rửa qua nước lạnh, để nguyên con. Trong khi chờ chuẩn bị các loại gia vị ăn gỏi, nhiều người thường đem cá mới làm cho vào tủ lạnh ngăn đá độ mươi phút cho cá săn chắc, giòn rụm. Đặc điểm của cá trắng là xương rất mềm. Vì vậy, khi chế biến món gỏi cá, người ta cứ để nguyên con, không cần rọc lấy thịt bỏ xương như các loại cá khác.
Một trong những nguyên liệu làm tăng thêm sức hấp dẫn của bất kỳ món gỏi nào đó là chén nước chấm. Giã ớt tỏi trong cái chén sao cho vừa đủ độ cay, rót thêm vào ít nước mắm miệt biển thứ thiệt. Chỉ cần nhìn qua nước chấm, chưa cần nhìn cá, ngửi thấy mùi tỏi ớt thôi cũng đủ ứa nước miếng rồi.
Món gỏi cá trắng càng quyến rũ hơn khi ăn kèm với rổ rau thơm gồm: rau húng, quế, tía tô, hành tây cắt mỏng... và nhất là phải có chén đậu phộng rang với miếng bánh tráng nướng. Với những nguyên liệu và gia vị như thế đảm bảo mọi giới khi thưởng thức đều khen ngon tấm tắc.
Ăn gỏi cá trắng cũng như gỏi cá mai, cá cơm, cá trích... gắp 2-3 con cá nhúng vào chén nước cốt chanh, cho vào chén cùng với rau thơm, đậu phộng rang, bóp vụn miếng bánh tráng nướng, chan chút nước mắm cay, cho vào miệng nhai chậm chậm và cảm nhận hương vị độc đáo của món ăn...
Ngô Mã Thiên
Gỏi cá chuồn
Cuối xuân - đầu hạ là khoảng thời gian cá chuồn cho thịt săn chắc và thơm ngon nhất. Ngoài những món quen thuộc như cá chuồn nấu canh lá giang, nướng mộc, chiên gập... mà các bà nội trợ hay làm, thanh niên làng biển thường hú nhau chế biến cá chuồn thành món gỏi độc đáo.
Cuối xuân - đầu hạ là khoảng thời gian cá chuồn cho thịt săn chắc và thơm ngon nhất. Ngoài những món quen thuộc như cá chuồn nấu canh lá giang, nướng mộc, chiên gập... mà các bà nội trợ hay làm, thanh niên làng biển thường hú nhau chế biến cá chuồn thành món gỏi độc đáo.
Chỉ cần một anh xách xâu cá tươi rói dưới bến đi vào xóm, vừa đi vừa hú “gỏi bây ơi” là lập tức nhóm bạn rật rật hưởng ứng.
Xung quanh món gỏi cá chuồn có nhiều chuyện để “tám”. Món này có thể gọi là món “hú” vì nếu không gọi nhau cho đông vui, ngồi một mình (thậm chí hai mình) trước đĩa gỏi thì đúng là hổng giống ai. Có anh võ vẽ tiếng Anh, du khách nước ngoài chỉ món gỏi cá chuồn hỏi món gì, anh nói “gocachu”. Ông khách đọc gọn trơn, còn lấy sổ ra ghi chép nữa.
Gỏi cá chuồn, khi đã tham gia thì chẳng ai “chuồn” cả, ngồi từ đầu đến lúc đáy đĩa sạch tưng mới chịu nơ bụng đi về. Có anh quả quyết nói chỉ có làm gỏi thì cá chuồn mới có... cá tính. Vì chỉ con dao thôi cũng phải nhiều kích cỡ. Chẳng hạn, để làm sạch mang, chặt vi thì dao phay. Để đánh vảy thì dùng dao nhỏ hơn một chút. Nhưng để lóc thịt, xắt mỏng từng lát cho sắc sảo thì phải là dao mỏng, nhỏ như lá tre, bén không thua dao lam.
Gỏi cá chuồn nếu làm một mình thì cả tiếng mới xong. Còn khi đã “hú” thì chỉ mất khoảng mười lăm phút. Gian bếp rộn ràng tiếng nói cười vui vẻ. Các công đoạn làm cá, lóc thịt, xắt cá, vắt bớt nước, rồi cho cá ra đĩa, vắt chanh, rải hành, rang đậu phộng, nhặt rau, làm nước chấm... mỗi đứa mỗi tay chút xíu là xong. Mâm bát vừa bưng lên thì người mua bánh tráng và chai rượu cũng vừa về.
Ăn gỏi cũng có “cẩm nang” nữa đấy. Trải bánh tráng ra, rải lên một lớp mỏng rau sống, cho năm sáu lát cá chuồn vào. Lại cho ít rau phủ lên lớp cá. Vừa quấn vừa tém hai đầu sao cho cái cuốn nhỏ nhắn, thon thả. Giờ thì chỉ việc chấm vào hỗn hợp tương ớt - xì dầu - đậu phộng giã nhuyễn để cảm nhận rất nhiều cái “đã”. Người ăn nghe miếng cá chuồn ngòn ngọt được ôm ấp trong các loại rau thoảng thơm hương vị đất lành. Thỉnh thoảng gặp lát hành kèm hạt đậu phộng giòn, nghe dậy mùi thơm, cay nồng, beo béo. Cùng với ít rượu quê nhà (rượu gạo) khiến từng miếng gỏi vốn đã đậm đà lại càng ý vị hơn.
Mình đang viết bài này thì anh bạn điện thoại hú: “Có mớ cá chuồn tươi đây, ông đến ngay nhé”. Bài để mai tính, mình xách áo chạy ngay. Nhanh vậy mà tới nơi đã thấy ba bốn thằng bạn động dao động thớt rồi.
Trần Cao Duyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét