Từ lâu, cây sắn dây đã gần gũi, gắn bó với người dân xứ Quảng. Ở vùng trung du nhà nào ít thì trồng trong một khoảnh vườn lớn, nhiều thì trồng trên nương, rẫy.
Đến mùa thu hoạch sắn dây về, cả nhà cùng tham gia làm bột. Phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ mới có thứ bột sắn phơi khô trắng tinh, má tôi đem cất kỹ trong ghè kín để thi thoảng mang ra làm các món ngon đãi cả nhà.
Những ngày nắng nóng, má tôi thường hòa nước sắn dây như một món giải khát. Những viên sắn dây được phơi già nắng nên chắc nịch, vón chặt lại nhưng đến khi gặp nước là nó tan chảy ra để tạo nên một thức uống tuyệt vời giúp hạ nhiệt cơ thể.
Mùa đông mưa dầm, khí trời se lạnh thì món chè bột sắn dây trở nên khoái khẩu. Để có được chén chè thơm tho, trắng mịn, ta đem hòa bột với lượng nước và đường thích hợp. Khi nấu chè dễ bị “sít” nên phải dùng đũa khuấy liên tục.
Lúc bột gần chín, cho thêm gừng đập dập vào, lúc này mùi thơm tỏa cả chái bếp. Ngày nhỏ, mỗi khi cả người mệt ê ẩm thế nào má tôi cũng làm món chè bột sắn dây cho tôi. Theo kinh nghiệm người quê tôi, chè sắn dây có tác dụng làm mát phía trong cơ thể, giảm những bệnh nóng âm ỉ trong xương, có tác dụng giải cảm giải mệt...
Thành phố nơi tôi ở hội tụ nhiều món chè ngon, riêng món chè sắn dây cũng được biến tấu thành chè hột sen sắn dây, chè sắn dây khoai lang, chè sắn dây táo đỏ củ năng... nhưng với tôi, chè bột sắn dây khuấy đường ngày thơ ấu vẫn là món chè ngon nhất.
Thanh Ly
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét