Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

“Nhớ đời” món rắn hổ hành hầm sả ở rốn lũ miền Tây

Bài, ảnh: Hoàng Lê 

(Dân Việt) Rắn hổ hành khi còn sống có mùi hành đặc trưng, vậy mà khi được các dân nhậu hầm sả thì ngon đáo để. Nhớ lần đầu được thưởng thức món rắn hổ hành hầm sả này ở Tháp Mười (Đồng Tháp), tôi cảm thấy ngất ngây để giờ nhắc lại muốn đến ngay vùng rốn lũ cho thoả sự thèm thuồng.


   
Nói đến các món ăn được chế biến từ rắn, người ta sẽ nghĩ ngay đến vùng rốn lũ miền Tây. Mấy năm nay, khi các loài rắn quý hiếm như: rắn hổ đất, rắn hồ ri… dần dần khan hiếm thì ở vùng Đồng Tháp có một loại rắn tự dưng lại “lên ngôi”, đó là rắn hổ hành. Loài rắn này dù có giá bình dân nhưng nếu biết cách chế biến nó sẽ là “khoái khẩu” đối với dân nhậu miệt vườn.
Theo chia sẻ của một số “thợ nấu” ở đây, có 2 món ngon nhất được chế biến từ rắn hổ hành, đó là hầm sả và nấu cháo đậu xanh. Một lần đặt chân đến vùng rốn lũ, tôi thật sự bất ngờ bởi mùi vị ngọt lành, thơm ngon của món rắn hổ hành hầm sả.
Từ khoảng tháng 7 đến tháng 11 hằng năm, Tháp Mười vào mùa nước nổi, các loài rắn không còn nơi trú ngụ nên di chuyển ra ngoài, đó là cơ hội cho các thợ săn đi bắt rắn. Hổ hành cũng là một loài rắn hoang dã, thường ẩn nấp trong các bụi rậm ven sông, nơi nào có nhiều ếch, nhái tức nơi đó có rắn hổ hành. Nhiều người ở đây lấy nghề bắt rắn mùa nước nổi để tăng thu nhập, giá tiền rắn hổ hành bán tại chợ Tháp Mười chỉ tầm vài chục ngàn/kg. Nhưng ở những vùng khác có khi lên tới vài trăm ngàn/kg.
“nho doi” mon ran ho hanh ham sa o ron lu mien tay hinh anh 1
Rắn hổ hành đã làm sạch, được chặt khúc (ảnh: Hoàng Lê)
Rắn hổ hành thường nhanh nhẹn vào ban đêm, rắn lớn nặng tầm 800g, da có sọc đen trắng, đặc biệt nó đi đến đâu là có mùi hành đi theo đó nên được người ta gọi là hổ hành. Rắn lớn chừng nửa kg là vừa ăn, nếu lớn quá thịt sẽ dai, mất đi mùi vị.
Trước khi làm rắn cần chặt bỏ đầu rồi đem hơ rắn trên lửa ngọn hoặc trụng nước sôi rồi cạo da cho sạch. Xong mổ bụng theo chiều dọc suốt từ đầu xuống đến chót đuôi, bỏ hết ruột lòng, nếu có trứng thì lấy trứng để riêng xào chung với thịt rắn, cắt bỏ phần hậu môn và chặt bỏ phần chót đuôi nhọn. Chặt rắn thành từng khúc nhỏ độ bằng đốt ngón tay, bắc chảo lên bếp, phi mỡ tỏi cho thơm rồi cho thịt rắn xào sơ cho thịt săn, nêm thêm bột ngọt, nước mắm ngon, chút tiêu sọ đã giã nhỏ, xào cho tất cả thấm rút hết vô thịt rắn thì nhắc xuống.
“nho doi” mon ran ho hanh ham sa o ron lu mien tay hinh anh 2
Rắn hổ hành hầm sả đặc trưng vùng sông nước. (ảnh: Hoàng Lê)
Dân nhậu miền Tây thường hầm sả rắn hổ hành để dùng với ruợu đế miệt vườn vừa nhanh chóng lại vừa được thưởng thức từng miếng thịt rắn ngọt lành nặng mùi sông nước. Sau khi đã sơ chế thịt rắn, bắc nồi sả thơm phức lên bếp, nêm nếm gia vị rồi cho thịt rắn vào nồi, đợi rắn mềm mềm là có thể mang ra dùng được. Khi chín, mùi sả thơm tho đã làm mất đi mùi hành đặc trưng của rắn nên thịt rắn béo ngậy, đậm đà ăn hoài mà không biết ngán.
Miền Tây vào mùa này nước lớn, tôi lại nhớ về lần đến Tháp Mười và thưởng thức món rắn hổ hành hầm sả độc đáo ở nơi này. Tiệc nhậu hôm ấy được bày ra ở mé sông, mùi vị rắn hổ hành hoà lẫn vào cái vị thơm tho của sả làm cho người thưởng thức thú vị vô cùng. Mặn chuyện, một người bạn của tôi còn nói vui rằng, món rắn này ngon nhất là được dùng tại nơi đây, vì vùng rốn lũ này mới có được món rắn “lộc trời” như thế. Riêng tôi, vì cứ mãi mê dùng thịt rắn mà quên mất mình lâng lâng tự lúc nào để giờ nhắc lại mà “nhớ đời” món rắn hầm đặc trưng vùng sông nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét