Nhắc đến vùng quê Ninh Bình người ta thường nghĩ ngay đến những đặc sản nổi tiếng như: thịt dê, cơm cháy, ốc núi, cua đồng và rất nhiều sản vật ngon khác.
Nem dê
Nem dê Ninh Bình là một món ăn mát, bổ được chế biến từ thịt dê. Cái vị nem dê chua chua ngọt ngọt, thơm nồng vị của núi rừng làm người ăn một lần sẽ khó có thể quên. Nem dê ăn cùng với lá sung, lá ổi, cùng với khế, quả chuối xanh, lá mơ, rau thơm chấm với tương gừng, khi ăn người ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt, cay, thơm lan toả.
Ở Ninh Bình, dê sống thành bầy, đàn trên các sườn núi, các hộ gia đình nuôi thả dê cả năm trên núi, chỉ khi nào dê trưởng thành mới vào núi bắt về làm thịt. Thịt dê do sống quanh năm trên núi và ăn các loại lá cây rừng nên dai, giòn, ít mỡ, vị ngọt thanh và rất bổ dưỡng. Người ta đem dê về xẻ thịt chế biến thành các món trong đó có món nem dê.
Cơm cháy
Đặc sản đầu tiên phải kể đến đó là cơm cháy, đây cũng là món nổi tiếng nhất của Ninh Bình. Được làm 100% từ gạo nguyên chất, cơm cháy Ninh Bình mang hương vị đặc trưng của mảnh đất Cố đô mà không thể lẫn lộn với bất cứ tỉnh thành nào khác. Cơm cháy có màu vàng nhạt của gạo chiên giòn, khi ăn có vị thơm ngon của hạt gạo, vị ngậy của ruốc, bùi béo mà không ngán, thích hợp cho mọi lứa tuổi. Cơm cháy được bày bán ở khắp mảnh đất Ninh Bình, từ thành phố cho đến các khu du lịch chùa Bái Đính, Tràng An, Tam Cốc…kể cả dọc đường quốc lộ, du khách sẽ không khó để tìm mua được món đặc sản Cố đô hấp dẫn này.
Cà niễng
Cà niễng thường nhỏ như đầu ngón tay út, cánh đen, hơi cứng, sống nơi ruộng nước, chỗ có nhiều cỏ năn, cỏ lác hoặc nhiều rong rêu. Cà niễng được vặt hết chân, bỏ cánh và có người cẩn thận hơn moi bụng, rồi rửa sạch, để cho khô nước, rang lên như rang tép rồi cho mắm muối vừa phải (có nơi “thêm” vào một chút nước muối cà), thế là thành một món ăn đồng quê đích thực.
Cầm miếng cháy cuộn tròn lại như cái chuôi dao, gắp vài con cà niễng làm “nhân” khẽ cắn và đủng đỉnh mà nhai, mới cảm thấy cái hương vị đồng quê sao mà đậm đà thấm thía vậy.
Gỏi cá nhệch Kim Sơn
Là một trong những đặc sản ẩm thực nổi tiếng của Ninh Bình, gỏi cá nhệch khiến bao du khách phải say lòng, ăn một lần nhớ mãi không quên. Những con cá được chọn phải tươi ngon, thuộc loại to từ 400gram trở lên, bụng béo trắng, lưng xanh màu đá thẫm qua nhiều khâu chế biến hết sức tỉ mỉ, cầu kỳ mới làm nên được món gỏi không có vị tanh của cá, khi ăn có hương vị thơm ngon xen lẫn vị bùi của gạo nếp rang cùng vị chua thanh của dấm và vị cay nồng ấm của gừng, tiêu, ớt, xả trong nước chấm. Đến Ninh Bình phải ăn gỏi cá Kim Sơn mới cảm nhận hết được hương vị thơm ngon của món gỏi cá này.
Tái dê Hoa Lư
Món ăn dân dã đất cố đô Hoa Lư nhưng không kém phần hấp dẫn phải kể đến là dê núi. Tái dê là món nổi bật nhất và đứng đầu bảng. Qua rất nhiều công đoạn phức tạp và kỹ lưỡng mới cho ra được món tái dê thơm ngon, khử hết mùi hôi. Tái dê thường ăn kèm các loại lá, quả và đặc biệt nhất là nước chấm tương gừng. Đây là món ăn ngon và cũng là bài thuốc quý dùng để bồi bổ cơ thể rất tốt cho sức khỏe.
Nem chua Yên Mạc
Vùng đất Yên Mạc Ninh Bình nổi tiếng với món nem cổ truyền được tinh chế từ thịt lợn. Nguyên liệu để làm món nem này tuy đơn giản nhưng quá trình chế biến lại hết sức cầu kỳ để làm nên món nem với màu hồng rực đặc trưng của thịt lợn, cùng những sợi bì màu trắng tinh cùng gia vị và tỏi ớt, khi ăn nem có vị chua chua cay cay thường dùng kèm lá ổi hoặc lá sung chấm nước mắm chanh tỏi ớt để thưởng thức hết hương vị đặc biệt của món ăn.
Canh chua cá rô Tổng Trường
“Đi thì nhớ cậu cùng cô
Khi về lại nhớ cá rô Tổng Trường”
Một đặc sản nổi tiếng mà dân dã của vùng núi đá vôi ven đồng chiêm trũng ở Ninh Bình không thể bỏ qua đó là canh chua cá rô đồng. Canh cá rô nấu chua thì ở đâu cũng có nhưng cá rô bắt từ Tổng Trường, vùng đất với nhiều hang động mới là đặc biệt. Được lựa chọn kỹ càng từ những con cá rô to béo sau quá trình chế biến cẩn thận để làm nên một món ăn chua chua thanh thanh của dưa lần với vị ngọt bùi của cá, thơm mát của cà chua và đậu phụ, tất cả cùng hoà quyện vào nhau làm nên món đặc sản hấp dẫn này.
Bún mọc Tố Như
Đúng như tên gọi, bún mọc Tố Như gồm có bún, mọc, rau sống và nước dùng, thành phần tuy đơn giản nhưng người làm bún phải rất kỳ công từ khâu chọn nguyên liệu và cách ăn thì không như những nơi khác, chan nước vào bát to bỏ sẵn bún và mọc mà được để riêng thành từng đĩa, tùy người dùng lựa chọn ăn nhiều, ăn ít, ăn đến đâu lấy đến đó. Nếu bạn có dịp ghé chân nhà thờ Phát Diệm – Kim Sơn đừng bở lỡ món bún độc đáo này.
Xôi trứng kiến Nho Quan
Nho Quan là vùng đồi núi đá vôi lởm chởm, nơi cư ngụ của loài kiến nâu có trứng dùng để là nên món xôi trứng kiến lạ lẫm. Hàng năm vào tháng 2 âm lịch, người dân địa phương lại bắt đầu hành trình đánh trứng kiến. Phải quan sát kỹ, chọn những tổ căng tròn có nhiều trứng. Trứng kiến mang về được rửa nước ấm, ráo nước, tẩm ướp gia vị rồi chế biến thành món ăn độc đáo này. Xôi trứng kiến Nho Quan là quà đặc biệt mà thiên nhiên ưu ái cho con người và vùng đất Ninh Bình, ai một lần được thưởng thức hẳn sẽ nhớ mãi không quên.
Mắm tép Gia Viễn
Đến Ninh Bình, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món đặc sản mắm tép Gia Viễn để tận hưởng cái độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Ninh Bình. Loại mắm này được làm từ loại tép riu còn tươi, già, thân tròn nhỏ và màu xanh lam. Sau khi chế biến, người ta phải bịt kín để từ một tháng trở lên mới đem nấu chín ăn. Lúc này mắm mới ngon ngọt, đậm đà, rất hấp dẫn.
Rượu cần Nho Quan
Rượu cần Nho Quan là một sản vật không thể bỏ qua khi đến Ninh Bình. Đây là đặc sản của người dân tộc Mường, một loại rượu dùng gạo nếp nấu thành cơm rồi trộn đều với men và ủ trong những sành lớn sau ít nhất 3 tháng mới đem ra dùng, không hề qua quá trình chưng cất. Rượu cần biểu tượng cho tinh thần đoàn kết cộng đồng nên khi dùng, người ta không rót ra chén mà dùng các cần rượu làm từ thân trúc rỗng cùng hút từ chum lớn. Vị ngọt thơm nồng của rượu khiến người uống có cảm giác khoan khoái, lâng lâng nhẹ nhàng.
Cá kho gáo
Ninh Bình vốn nổi danh với thịt dê và cơm cháy lại có món cá kho gáo khá độc đáo và lạ lẫm. Gáo là một loại cây tầm nổi thường mọc ở khe suối hoặc chân đồi, không chỉ có tác dụng làm thuốc mà còn dùng để nấu ăn. Quả gáo có vị chua,hơi ngọt mát và có mùi thơm nên thường được dùng để nấu các món canh chua thay me, sấu tuy nhiên ngon hơn cả là món cá kho gáo. Với hương vị rất đặc biệt, không ngấy mà lại khử được mùi tanh của cá cùng mùi thơm của gáo làm nên một món ăn đặc sản nổi tiếng của Ninh Bình.
Miến lươn
Cùng với cơm cháy, tái dê, miến lươn cũng là món đặc sản nổi tiếng ở Ninh Bình được nhiều người biết đến. Không như những nơi khác, lươn ở Ninh Bình để làm miến chỉ chọn lươn cốm, lưng nâu hồng bụng vàng rộm, con hơi nhỏ nhưng thịt rất thơm và săn chắc. Miến lươn thường ăn kèm hoa chuối để làm nên vị thanh dịu mà không bị tanh của lươn. Nếu ai đã từng một lần thưởng thức miến lươn Ninh Bình đều mong muốn được một lần quay lại nơi đây để thưởng thức món đặc sản bình dị này.
Cua đồng rang lá lốt
Một món ăn dân dã mang đậm hương vị đồng quê mà du khách nên nếm thử khi dừng chân manh đất cố đô đó là món cua đồng rang lá lốt. Từ những con cua đồng béo ngậy cùng lá lốt rửa sạch thái sợi rang giòn tạo nên một hương vị quê nhà đặc biệt, mang đến cho du khách nhiều cảm nhận bất ngờ. Nếu như trước đây những món ăn từ cua đông chỉ là món ăn giản dị ở những vùng quê nghèo thì ngày nay nó đã trở thành món đặc sản khiến bao du khách không thể chối từ.
Ốc núi
Ốc núi Ninh Bình là một đặc sản mới nổi của Ninh Bình. Loài ốc này cực hiếm vì chúng chỉ sống trong các hốc đá, đến mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 8 mới bò ra kiếm ăn và sinh sản. Ốc núi xuất hiện ở hầu hết các nơi tỉnh Ninh Bình nhưng tập trung nhiều nhất là ở các dãy núi đá vôi Tam Điệp, Yên Mô và Nho Quan. Ốc núi trong hang rất khó phát hiện, người ta thường phải dậy từ sáng sớm khi ốc bò ra khỏi hang kiếm ăn mới tìm bắt được. Thịt ốc núi dai, giòn, ngọt, thơm mùi thuốc bắc. Ốc núi có thể chế biến thành nhiều món như nướng, xào me, hấp gừng, luộc xả hết, trộn gỏi hành tây…đều rất hấp dẫn.
Bánh trôi
Nếu nhắc đến đặc sản Ninh Bình mà quên không kể đến món bánh trôi thì quả là một thiếu sót. Được làm từ những nguyên liệu hết sức bình dân nhưng bánh trôi Ninh Bình khá đặc biệt với phần nhân là sự kết hợp của đường mật, lạc khô giã nhỏ trộn đều với lá cúc mốc thái nhỏ, vì thế bánh có vị thơm mát, ngọt nhẹ cùng với hương thơm thoang thoảng của lá cúc mốc và hoa bưởi trong nước luộc bánh khiến cho món ăn dân dã này có những ấn tượng khó phai trong lòng du khách.
(Theo Gia đình & Xã hội)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét