(iHay) Món cá ngừ đại dương hay để vấn để vương khi ăn với mù tạt, cải cay. Người đã từng ăn thì nhớ đến mức… tương tư.
Buối sáng cuối tuần, chưa kịp cà phê thì tiếng thằng bạn ngư dân reo trong điện thoại, nói mày rủ thêm vài 'tên' nữa xuống bến khiêng cá ngừ đại dương. Gì mà tới mức độ 'khiêng' dữ vậy? Mà thiệt! Con cá hơn nửa tạ ai mà xách cho nổi.
Sau chuyến biển dài cả tháng trời, tàu của nó cập cảng Phú Yên để “giải phóng” mấy hầm đầy ắp cá ngừ đại dương. Thợ và bạn gần chục người “quyết tâm” đem về một con chia nhau ăn cho đã đời. Nói “quyết tâm” là vì giá cá ngừ đại dương tuốt luốt trên… ngọn dừa, một con hơn 50kg, mỗi ký cỡ 150.000 đồng, tiền không là tiền mà để lại ăn cũng… xót lắm chứ.
Nói ngay, dạo trước nó đãi anh em một bữa toàn… đầu cá với ba món: hai con mắt cá đem chưng với sả và gừng, ức cá thì nướng, phần còn lại thì luộc. Bốn cái đầu người cúi xuống một cái đầu cá, vậy mà no ngất ngư luôn. Bữa đó ai cũng tấm tắc khen ngon.
Rượu vào, thằng bạn hứng chí nói đầu cá mà tụi bay khen cỡ đó thì thịt cá ăn với mù tạt chắc tụi bay… lên mây quá. Được rồi, để bữa nào… Bọn mình mắt sáng rực, có đứa bắt nó ngoéo tay. Nó nói khỏi ngoéo, tao ngư dân, nói chắc nịch như neo thả xuống biển. Ngoéo làm gì. Giờ thì những lát cá ngừ đại dương đang “hiện hữu” trước mặt đây. Một đứa mắt cười, miệng cười, khen thằng bạn ngư dân: “Lần đầu tao thấy mầy biết đưa lời hứa vào… cuộc sống”.
Thằng bạn vừa xắt thịt cá cho ra đĩa vừa thuyết giảng cho đám “ở bờ” tụi mình. Do giá trị kinh tế cao, chất lượng tuyệt hảo nên cá ngừ đại dương được mệnh danh là “tinh hoa của biển”. Tên “cúng cơm” của cá ngừ đại dương là cá bò gù do hai đặc điểm: thịt đỏ như thịt bò và lưng cá hơi gù. Loại cá này thích vùng vẫy ở những vùng biển nước sâu, cách bờ trên 200 hải lý. Tàu câu cá ngừ đại dương phải to, ngầu, hiện đại mới “chiến đấu” nổi với sự khắc nghiệt của thời tiết biển, của sóng to gió lớn ngoài đại dương. Mỗi chuyến biển biền biệt cả tháng trời nên các “thợ săn” cá này hay ngâm nga câu: “Gởi em tình thương mến thương / Xa em cũng bởi cá ngừ đại dương thôi mà”.
Nhóm mình chia nhau “tác nghiệp”. Đứa đánh mù tạt (phiên âm từ tiếng Pháp: moutard) vào xì dầu. Đứa nhặt rau cải cay. Đứa đi kiếm bánh tráng, loại chuyên dùng để cuốn. Còn rượu thì khỏi kiếm. Tủ rượu của ngư dân thì “vô vàn”: Rượu dầm hải sâm, bào ngư, cá ngựa… đủ cả.
Món cá ngừ đại dương hay để vấn để vương khi ăn với mù tạt, cải cay. Người đã từng ăn thì nhớ đến mức… tương tư. Người mới ăn lần đầu thì rạo rực, háo hức và náo nức. Phải trải qua mấy lần… nước mắt giàn giụa mới được “phong” danh hiệu “sành điệu cá ngừ đại dương”.
Là bởi khi gói miếng cá sống đỏ tươi vào mấy lớp cải cay rồi bó lại bằng cái bánh tráng mỏng, phải chấm vào chén xì dầu đậm đặc mù tạt mới “đúng hệ”. Mù tạt là đỉnh của cay, lại có sự “a dua” của cải cay nữa, nên mới nhai miếng đầu tiên đã nghe thông thống vị cay xộc thẳng lên đầu, đi thẳng và đả thông tất cả các dây thần kinh khứu giác. Tình hình vậy làm sao không… khóc?
Lau nước mắt xong, mặt mũi còn đỏ gay vẫn nói ngay: “Hà, ngon quá là ngon”. Nhưng mà lạ! Đang cay thấu trời vậy, nhưng khi mấy cái ly rượu bạn bè chạm vào nhau lách cách, các “chiến hữu” chỉ còn thấy vị ngọt ngào…
Trần Cao Duyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét