(iHay) Người 'biết ăn' thì khen cá ngọt thịt, thơm lừng, người mới thưởng thức lần đầu lại nhăn mặt vì cá đắng ngắt. Nhưng như vậy mới là cá niên.
Cá niên nom qua giống cá diếc, nhưng thân dài hơn. Thức ăn của chúng là rong rêu ở vùng suối nước trong, chẳng bao giờ ăn các loài cá khác nên được mệnh danh là loài cá “thanh sạch”, “hảo hán”.
Cá tươi mang về chỉ cần rửa qua một lượt, không cần bóc mang, làm bụng, cũng không cần tẩm ướp gia vị, cứ thế xâu vào cây tre vót nhọn, để cá lộn ngược, dúi đầu nướng trên bếp than hồng. Than vừa nóng lên, từng lớp mỡ trong cá rỏ ra, chảy đều từ đuôi xuống đầu làm toàn thân cá óng ánh. Khi lớp da ngoài vàng sạm, giòn rộp lên thì cá vừa chín tới.
Đồng bào Cơ Tu, Ca Dong sống giữa núi rừng Trường Sơn, mỗi bận có khách quý là nhất định phải làm một xâu cá niên tiếp đãi. Cá niên chế biến được nhiều món như hấp, kho, gỏi, song phổ biến nhất vẫn là món nướng.
Giữa cơn mưa rừng Trường Sơn, ngồi bên bếp lửa hồng, dùng tay xé từng thớ thịt cá niên còn nóng hổi, chấm với muối ớt, cắn thêm hạt tiêu rừng, nhấp thêm chén rượu thì đúng không còn gì bằng.
Thịt cá chắc, ngọt, thơm lừng, gần vùng bụng có vị béo của mỡ nên ăn rất…đã miệng. Riêng phần ruột cá, tuy đắng nhưng không phải là vị đắng ngắt mà là vị đắng thanh, bà con thường dùng phần ruột này hấp cách thủy với trứng gà, rắc thêm tiêu rừng, ăn rất bổ dưỡng. Với người dân vùng núi Quảng Nam, thì cá niên đắng ngọt hài hòa, mất vị đắng sẽ không còn là cá niên nữa.
Theo người dân địa phương thì loài cá suối này ngày xưa rất dồi dào, nhưng từ khi trở thành đặc sản trong các nhà hàng thì hiếm dần, thành thử, bà con phải bắt về hong trên giàn bếp để dành, làm món cá niên khô. Cá khô này kho với nghệ và ớt rừng mùa mưa ăn rất hao cơm.
An Quân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét