Để quyết định ai được quyền sử dụng địa điểm hiện nay là nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, chính quyền đã tổ chức một cuộc bốc thăm công khai.
Nhà thờ Đức Bà còn gọi là nhà thờ Chính Tòa hay Vương cung Thánh đường từ hơn một thế kỷ nay đã trở thành một trong những biểu tượng của Sài Gòn.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. |
Với hai tháp chuông cao vút, mặt tiền ngó thẳng xuống đường Đồng Khởi, một trong những con đường xưa nhất và phồn thịnh nhất của Sài Gòn, nhà thờ là niềm tự hào của người Sài Gòn - TP.HCM.
Dự kiến quý 4/2015 nhà thờ sẽ được trùng tu lớn. Dịp này chúng tôi xin giới thiệu môt số nét lịch sử của ngôi nhà mang tính biểu tượng của Sài Gòn để bạn đọc xa gần biết thêm.
Di chuyển
“Một nhà thờ, một nhà in, một quán cà phê” theo nhận xét của người phương Tây, luôn đánh dấu sự hiện diện của người Pháp ở một nơi nào đó.
Sau khi chiếm Sài Gòn bằng vũ lực vào đầu năm 1859, năm 1860 người Pháp lấy một ngôi chùa đã sơ tán vì chiến tranh ở đường số 5 sau đổi tên là đường Vannier nay là đường Ngô Đức Kế làm nhà thờ.
Đây là nhà thờ đầu tiên ở Sài Gòn dành cho binh lính Pháp đến hành lễ. Ba năm sau, ngày 28/3/1863, do nhà thờ cũ quá nhỏ, Đức cha Ngãi (Lefèbvre, người đã giới thiệu ông Trương Vĩnh Ký với quân Pháp) chủ trì xây dựng một nhà thờ mới bên bờ Kinh Lớn (nay là đường Nguyễn Huệ).
Nhà thờ cột cây, vách ván, nóc lợp ngói nằm cách sông Sài Gòn chừng 500 m hoàn thành năm 1865 với tên nhà thờ Sài Gòn.
Vị trí hiện nay chính là nền của cao ốc Sunwah trên đường Nguyễn Huệ. Cũng xin được nói thêm nền của nhà thờ sau đó đã xây một cơ sở gọi là Tòa tạp tụng trước khi xây tòa án thành phố hiện nay vào năm 1885.
Tòa tạp tụng đã xử nhiều vụ án, trong đó có một số vụ tử hình ngay trước sân tòa (ngay trên đường Nguyễn Huệ hiện nay).
Nhà thờ Đức Bà năm 1880. |
Báo Nam Kỳ số 64 ngày 12/1/1899 đưa tin “Vụ xử tử. Hôm thứ ba ngày mồng 10 janvier nầy, hồi 6 giờ rưỡi sớm mai tại Saigon ở phía trước tòa Tạp tụng (đường Charner), có chém tên Đoàn Văn Nơi 28 tuổi, bị tòa kết án trảm quyết vì nó đã đâm một người đờn bà tên là Thị Quăn ở tại Gò Dưa (Thủ Đức) 11 lưỡi dao mà giựt vàng của người ấy. Xung quanh giàn máy chém, có một tốp lính bộ Langsa ăn mặc y phục lớn đứng bao. Tên tội nhơn đi tới đó ở trong một cái xe kiếng, bộ mặt mét xanh và sợ hãi lắm. Hồi cái xe kiếng đi tới ngừng một bên giàn máy, thì Đoàn Văn Nơi la lên hai ba tiếng chi gớm ghiếc lắm không hiểu nói cái gì. Tức thì mấy người phụ với ông Pâté lại ôm nó, đem bỏ nằm trên tấm ván khốn nạn trong máy, thì không được lâu bằng giờ ta dùng mà viết mấy hàng chữ này thì con người đã trả xong phần nợ đời”.
Hai lần bốc thăm
Nhà thờ Sài Gòn sau năm năm sử dụng (1870) đã xuống cấp nhiều, mối mọt khắp nơi không sử dụng được nữa.
Từ năm 1870 trở đi, việc hành lễ tại Sài Gòn đều diễn ra tại phòng khánh tiết của dinh Thống đốc Nam Kỳ bằng gỗ do Bonard mua từ Singapore sang xây dựng.
Địa chỉ này từ năm 1874 là Trường Tabert, sau năm 1975 đổi thành Trường trung học Sư phạm và nay là Trường Trần Đại Nghĩa.
Đương nhiên, việc “mượn nhà” để làm lễ một cách thường xuyên lâu ngày trở nên quá bất tiện. Vì vậy, sau khi nhậm chức phụ trách giáo phận Sài Gòn, Giám mục Colombert đã nghĩ tới việc xây dựng một nhà thờ vững chắc, kiên cố và nằm ở một vị trí xứng đáng thay thế nhà thờ cũ.
Ý nghĩ này có lẽ giám mục Colombert đã “nói ra” với nhà cầm quyền.
Tháng 8/1876, Thống đốc Nam kỳ Duperré đã tổ chức một cuộc thi vẽ đồ án kiến trúc nhà thờ Sài Gòn mới.
Ngoài mục tiêu có chỗ thờ phượng, làm lễ cho tín đồ, việc xây dựng nhà thờ lớn cũng nhằm mục đích phô trương đạo Công giáo và quảng bá sự vĩ đại của nền văn minh Pháp trước người dân thuộc địa.
Cuộc thi diễn ra không lâu đã có 18 đồ án thiết kế tham gia, và cuối cùng đồ án của kiến trúc sư J. Bourad với kiến trúc theo kiểu Roman cải biên pha trộn nét Gothique đã được chọn.
Vị trí xây dựng thì có ba đề nghị khác nhau. Một, ở góc Hai Bà Trưng - Lê Duẩn (Tổng lãnh sự Pháp hiện nay), hai tại nền nhà thờ Sài Gòn cũ (nền cao ốc Sunwah) và ba là vị trí hiện nay, một điểm cao của Sài Gòn và là trung tâm của thành Gia Định xưa.
Khi đào móng xây dựng nhà thờ vào năm 1877, người ta phát hiện một lớp tro dày của lúa gạo bị cháy. Đây là số lúa gạo bị quân Pháp đốt vào tháng 3/1859 sau khi hạ thành Gia Định.
Vị trí hiện nay là một vị trí đắc địa, khi ấy có nhiều “tranh giành”. Phía đạo Tin Lành đã chọn và muốn xây dựng tại đây một nhà thờ.
Phía chính quyền Pháp cũng muốn dùng chỗ này để xây một nhà hát cho thành phố Sài Gòn. Để quyết định ai được quyền sử dụng địa điểm nầy, chính quyền đã tổ chức một cuộc bốc thăm công khai.
Giám mục Colombert đã kêu gọi giáo dân ăn chay và cầu nguyện Đức Bà Maria để “giành” được địa điểm xây dựng này.
Phía Công giáo đã bốc được thăm nhưng có ý kiến phản đối nên chính quyền lại phải tổ chức cuộc bốc thăm vòng hai.
Và lần này phía Công giáo cũng được. Thế là việc xây dựng nhà thờ Sài Gòn được tiến hành vào ngày 7/10/1877 và khánh thành vào dịp lễ phục sinh 1880, sau 2 năm rưỡi xây dựng.
Nhà thờ có chiều dài 91 m, rộng 35,5 m, vòm mái cao 21 m, chiều cao của hai tháp chuông kể từ đất là 36,6 m, nếu tính cả hai chóp tháp chuông do kiến trúc sư Gardès thêm vào năm 1895 thì chiều cao này là 57 m.
Lòng nhà thờ gồm ba gian và một hành lang quanh chánh điện. Nhà thờ được trang trí với 56 cửa kiếng màu mô tả các nhân vật hay sự kiện trong Thánh kinh và là một trong những nét độc đáo của công trình kiến trúc này, 31 hình bông hồng tròn và 25 cửa sổ mắt bò, tất cả bằng hình trang trí ghép.
Rất tiếc là tai ương, bom đạn, chiến tranh đã làm vỡ một số lớn kiếng màu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể hình dung được vẻ rực rỡ của buổi ban đầu từ số kiếng ghép màu còn lại.
Theo Trần Nhật Vy / Báo Tuổi Trẻ
Bí ẩn những ngôi mộ trong nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn có sức chứa 1.200 người, có 20 bàn thờ lớn nhỏ và đặc biệt nền nhà thờ là một nghĩa địa lớn với ngôi mộ của giám mục Colombert nằm ở vòm phía cuối nhà thờ.
Sau khi chọn được đồ án xây dựng, chính quyền tổ chức đấu thầu xây dựng và kiến trúc sư J.Bourad, người đã có đồ án được chọn, cũng là người trúng thầu.
Vật liệu mang từ Pháp
Ngày 7/10/1877, lễ đặt viên đá đầu tiên nhà thờ Đức Bà Sài Gòn do giám mục Isidore Colombert chủ trì dưới sự chứng kiến của phó soái Nam kỳ và các nhân vật tai mắt của Sài Gòn, diễn ra rất long trọng.
Vật liệu xây dựng đều mang từ Pháp sang. Đặc biệt, loại gạch nung có màu đỏ được đặt làm tại Marseille để xây bọc bên ngoài không cần tô nhưng vẫn không bám rêu mốc, đến nay vẫn còn tươi màu.
Bên trong nhà thờ Đức Bà. |
Chúng tôi đã từng lên tận bên trên laphông nhà thờ để xem xét và đọc thấy những dòng chữ Guichard Carvin, Marseille St André France trên một số miếng ngói. Những dòng chữ này xác nhận nguồn gốc các miếng ngói của nhà thờ được sản xuất tại Pháp.
Sau ba năm xây dựng, ngày 11/4/1880 dưới sự chứng kiến của Thống đốc Nam kỳ dân sự Le Myre de Vilers, giám mục Colombert đã khánh thành nhà thờ Đức Bà Sài Gòn với tên nhà thờ Nhà nước do toàn bộ chi phí xây dựng và trang trí nội thất đều do chính quyền Pháp tài trợ.
Chi phí xây dựng là 2,5 triệu quan Pháp, tương đương 500.000 đồng Đông Dương thời bấy giờ.
Bên trong nhà thờ trên tầng lửng ngay cửa nhà thờ bước vào có một cây đại phong cầm rất lớn nhưng đã hư hỏng.
Thay vào đó, năm 2005 nhân kỷ niệm 125 năm khánh thành nhà thờ Đức Bà, có người đã dâng cho nhà thờ một cây đàn ống khác.
Nền nhà thờ là một nghĩa địa
Nhà thờ có sức chứa 1.200 người, có 20 bàn thờ lớn nhỏ và đặc biệt nền nhà thờ là một nghĩa địa lớn với ngôi mộ của giám mục Colombert nằm ở vòm phía cuối nhà thờ.
Những bia mộ bên trong nhà thờ Đức Bà. |
Cùng với hai ngôi mộ khác, mộ của giám mục Colombert nằm dưới nền nhà thờ, có lót một bia lớn bằng phẳng với nền nhà thờ ghi tên họ người nằm dưới mộ.
Ở phương Tây, nền của nhà thờ thường là những hầm mộ chôn cất những người “có công” với nhà thờ.
Ở nước ta, do địa thế và thời tiết nên không thể có những hầm mộ như thế mà dùng cách chôn! Theo hiểu biết của chúng tôi, hầu hết nhà thờ đều là những nghĩa địa.
Nơi đó chôn cất những linh mục phụ trách và những người có công với nhà thờ. Riêng hàng giám mục thì được chôn cất ở những nhà thờ lớn trong giáo phận họ từng phụ trách.
Giới Công giáo ở Sài Gòn cũng có một nghĩa địa riêng tại giáo xứ Chí Hòa, trên đường Bành Văn Trân.
Nơi đây chôn cất những tu sĩ, linh mục đã hưu trí. Riêng giám mục Trần Thanh Khâm, giám mục phụ tá đầu tiên của Giáo phận Sài Gòn, mất năm 1976, là giám mục duy nhất được chôn trong nghĩa địa này do thời ấy chính quyền chưa cho phép chôn trong nhà thờ theo nghi lễ tôn giáo. Không rõ đến nay ngôi mộ của ông vẫn còn hay đã bốc đi.
Hai tháp chuông tách rời
Thuở ấy, sau khi xây dựng xong, nhà thờ Nhà nước chưa có tháp chuông như hiện nay. Mãi đến năm 1895, kiến trúc sư Gardès mới vẽ và xây dựng thêm hai tháp chuông.
Nhìn từ ngoài vào dễ tưởng rằng hai tháp chuông gắn liền với nhà thờ nhưng thực tế hai tháp chuông này lại là công trình hoàn toàn tách rời với khu nhà.
Chuông nhà thờ Đức Bà. |
Bộ chuông gồm 6 cái được đặt làm từ năm 1879 tại Pháp. Tháp bên phải có hai chuông mang nốt la và do. Và bốn chuông ở tháp bên trái có các nốt sol, si, mi, re.
Tổng sức nặng của bộ chuông là 30 tấn và ba chuông nặng nhất là sol 8.475 kg, si nặng 3.150 kg và re nặng 2.194 kg.
Bộ chuông nhà thờ Nhà nước được khởi động bằng điện ngay từ đầu, riêng ba chuông lớn trước khi bật rờle điện phải khởi động bằng sức người (đạp).
Nếu cả bộ chuông cùng đến tiếng thì phạm vi tiếng vang là 10 km. Sau hơn một thế kỷ sử dụng, mép chuông, nơi trái chuông đánh vào, lõm độ 1/5 cm, theo ước đoán của chúng tôi khi rờ vào.
Tất cả đèn trong nhà thờ đều là đèn điện được thiết kế ngay từ khi xây dựng, không dùng đèn cầy. Trên nóc nhà thờ có cây thánh giá ngang 2 m, cao 3,5 m, nặng 600 kg.
Sau khi xây dựng xong, nhà thờ Nhà nước đứng một mình, xung quanh chưa có công trình xây dựng nào, trừ câu lạc bộ thể thao dành cho sĩ quan Pháp nằm chếch ở phía sau (nay là UBND quận 1). Phía trước nhà thờ cũng không dựng tượng hoặc xây dựng vườn hoa.
Theo Trần Nhật Vy/Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét