Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Đậm đà món canh dưa rau sắn nấu tép

Theo Diệu Thúy/NLĐ 

(Dân Việt) Rừng cọ đồi chè ở Phú Thọ quê tôi bạt ngàn xanh mướt vút tầm mắt, nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là những nương sắn trên sườn đồi. Khi còn nhỏ, thấy mẹ tôi thường ngắt ngọn sắn rồi ngồi nơi góc giếng nhặt lấy những lá bánh tẻ và ngọn rồi đem vò ra, muối chua để nấu với tép.

   
Sắn cứu đói cho cả nhà trong những năm nghèo khó thiếu gạo. Khi mọi điều kiện kinh tế khá hơn, củ sắn non là thức quà ăn vặt, tráng miệng, là món  quà tặng nhau. Củ sắn già là thức ăn dự trữ cho gia súc gia cầm trong những ngày đông rét buốt. Sắn được trồng thành những hàng rào nâu nâu, sần sùi, cành non xanh mướt mơn mởn…
dam da mon canh dua rau san nau tep hinh anh 1
Cây sắn (ảnh: VnExpress).
Khi còn nhỏ,  thấy mẹ thường ngắt ngọn sắn rồi ngồi góc giếng nhặt lấy những lá bánh tẻ và ngọn rồi đem vò ra, tò mò bèn hỏi:
- Mẹ ơi, mẹ vò lá sắn ra làm gì thế ạ?
- Mẹ muối làm dưa rau sắn nấu canh tép cho con ăn.
À, hóa ra mẹ tôi làm món dưa rau sắn nấu canh tép dầu (một loại cá nhỏ, dài thịt ngọt bùi). Tôi thích ăn tép dầu lắm, nhất là tép rán giòn, vàng ươm nhưng món canh sắn tép dầu của mẹ còn ngon hơn.
Nhà tôi xưa còn nghèo, có bữa cũng chỉ cơm muối lạc, tóp mỡ đảo nước mắm, thỉnh thoảng mẹ dành được ít tiền thì cải thiện thêm bữa thịt, bữa tép rán, canh tép nấu canh rau sắn. Chính vì thế, cứ mỗi khi mẹ nấu dưa sắn với tép dầu tôi lại háo hức ngồi xem mẹ nấu. “Con nhớ nhé, tép này mẹ phải bóp sạch ruột đi này, rồi rửa thật sạch này. Bây giờ trông cho mẹ để mẹ đi ra vại lấy rau sắn nhé” – mẹ hướng dẫn tỉ mỉ.
dam da mon canh dua rau san nau tep hinh anh 2
Rau sắn muối chua (ảnh: VnExpress)
Còn nhớ hôm mẹ muối chua rau sắn, sau khi nhặt xong mẹ tôi vò nát rau, rửa đi rửa lại nhiều lần với nước cho bớt hăng, sau đó đun nước sôi, pha cho ấm ấm rồi cho đường với muối bỏ vào vại, đậy cái phên nén rau xuống cho ngập nước, chèn lên trên hòn đá cuội. Cứ để vậy vài ba hôm là có thể cho vào nấu canh được.
Mẹ lấy khoảng một tô vừa rau sắn vừa nước muối sắn đổ vào nồi, cho thêm 1 tô nước lã nữa, đun sôi lên rồi thả chỗ tép đã làm sạch vào. Đợi canh sôi lại, mẹ nêm mắm muối, bột ngọt.
- Con nhớ canh này phải ninh cho tép nhừ, rau sắn không được xào trước kẻo nó dai, ăn không ngon và mất vị bùi, đặc biệt nhớ ninh “hai lửa” nha con.
- “Hai lửa” là gì hở mẹ?
- Là ninh kỹ một lần, sau đó khi gần ăn cơm, phải đun sôi thêm một lần nữa, trước khi ăn thì cho một chút mỡ lợn vào.
Tôi có hỏi tại sao lại phải cho mỡ lợn vào làm gì thì mẹ bảo ngày xưa bà ngoại đã nấu thế cho mẹ ăn rồi, bà dạy lại cho mẹ.
Lớn lên rồi, khi đã trở thành thiếu nữ đã có thể  tự nấu cho bố mẹ, cho gia đình mình những món ăn ngon, chẳng khi nào tôi quên nấu món ăn từ thuở nhà tôi còn nghèo khó. Bây giờ kinh tế khá hơn, mỗi khi làm móndưa rau sắn nấu canh tép,  tôi thường thêm vào những khúc xương lợn, thậm chí là thịt ba chỉ. Món ăn ngọt hơn, nhưng cái vị chua thanh của rau sắn muối hòa quyện với vị ngọt bùi của cá tép được ninh “hai lửa” thì không có loại nguyên liệu nào có thể thay thế được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét