Du khách đến chơi ở thành phố Pleiku (Gia Lai) được người địa phương thường dẫn đi thăm một số cảnh đẹp Phố Núi và thưởng thức những món ăn đậm đà hương vị Tây Nguyên, do chính những người dân Jrai chế biến. Nhưng nếu chưa đến xã Tân Sơn ăn “gà nướng xếp hàng” và cơm lam thì là thiếu sót lớn của cả khách lẫn chủ.
Món “gà xếp hàng” và cơm lam độc đáo do chính những người dân Jrai ở xã Tân Sơn chế biến:
Gà tơ thả lang khoảng chừng một ký rưỡi trở lại, làm sạch để trong rổ chừng 10 phút cho ráo nước rồi dùng dao rạch vào thịt, cho vào thau gia vị (mật ong, dầu mè, muối, tỏi bằm, tiêu sọ đâm dập, gừng xắt sợi, vỏ cam sắc sợi...).
Gà ngấm gia vị sẽ được cho vào kẹp nướng là cây lồ ô (hoặc nứa) chẻ đôi.
Để nướng gà, đồng bào Jrai cho đốt một đống than cỡ lớn.
Gà không nướng trực tiếp trên than, mà được thợ nướng cắm thành hai hàng xung quanh đống than. Cũng có khi thợ nướng cắm thành vòng tròn. Hơi nóng của đống than sẽ tỏa ra xung quanh, làm gà chín rất chậm.
Theo đồng bào người Jrai, gà nướng kiểu này nhất định phải cắm trên nền đất. Mỡ gà theo sẽ chảy theo thanh lồ ô kẹp gà, chảy hết xuống đất.
Thịt gà khô dần, thợ nướng thỉnh thoảng xoay que nướng cho đến khi gà chín tới, vàng ươm, thơm lừng. Khi ăn dùng tay xé nguyên con gà, chấm muối é, ớt xanh, muối là muối hầm hạt to rang lên và bỏ vào cối giã nhỏ.
Trong thời gian chờ gà chín (hơn 60 phút), du khách được người Jrai hướng dẫn cách nấu cơm lam nấu bằng gạo nếp ngâm lẫn với lá thơm đêm trước, cho vào ống nứa non. Khi gạo đã đầy hai phần ba ống, người đầu bếp dùng lá chuối vê thành nút đóng kín ống nứa.
Khi chờ gà chín, các ống nứa sẽ được vùi vào đống củi vụn, lá cây đang cháy.
Gà chín tới cũng là lúc ống cơm lam vừa chín tới. Khi ăn, thực khách sẽ dùng tay tước lớp vỏ nứa, ăn kèm với gà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét