Mộ bà Tuyết...
Hiện tại khu lăng mộ nằm tại ấp Thái Bình, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Một mộ hai bia
Khu lăng mộ thân mẫu Thoại Ngọc Hầu được xây dựng bằng hợp chất kết hợp với gạch thẻ, có cấu tạo về kiểu dáng kiến trúc tương tự với khu lăng mộ Thoại Ngọc Hầu ở Châu Đốc - An Giang. Lăng mộ nhìn về hướng bắc, chếch đông khoảng 380, khuôn viên lăng được bao quanh bởi bức tường thành rộng 16,5 m, dài 33 m, dày trung bình khoảng 0,7 m, cao 1,5 m. Kết cấu từ ngoài vào trong như sau: ngoài cùng là hai trụ biểu kết hợp với hệ 2 bên tường dọc ở phía trước dạng hai cánh tay vươn ra nối vào tường thành; kết thúc dải tường trụ phía trước này là đến cổng lăng với hai trụ biểu hai bên và hệ thống tường ngang, trụ biểu nối với hai dải tường thành hai bên. Sau cổng lăng là bình phong tiền, sân tế, rồi đến bệ thờ/nhang án đặt trước nấm mộ, chính giữa là lăng mộ bà Nguyễn Thị Tuyết, mô phỏng hình tẩm điện - nhà lợp mái bằng ngói âm dương, ngói ống.
Nằm bên trái mộ của bà Nguyễn Thị Tuyết là mộ của người con gái tên là Nguyễn Thị Định, em gái Thoại Ngọc Hầu, là phu nhân của Khâm sai công thần theo hầu Nguyễn Ánh - Gia Long tại Vọng Các (Bangkok, Thái Lan) được phong tước Hầu, xây dựng vào năm 1854. Bên phải mộ bà Nguyễn Thị Tuyết, nằm ở góc khu tường ngang của cổng lăng là mộ của một vị quan giữ chức Thượng đạo Cai đội, tặng là Tráng tiết Tá kỵ úy, thuộc đội Hùng kính, họ Nguyễn, có khả năng là con rể của bà Nguyễn Thị Tuyết.
Toàn bộ kiến trúc của khu lăng có đặc điểm giống với quần thể kiến trúc lăng Thoại Ngọc Hầu ở Châu Đốc, An Giang. Đáng chú ý là trên một số điểm kết nối giữa trụ biểu và tường thành đều có trang trí đắp nổi các đồ án rồng, hoa lá, phụng cách điệu và hệ thống bình phong với việc khảm gốm sứ tạo thành những bài minh chữ Hán. Bia mộ của bà Nguyễn Thị Tuyết được tạc bằng đá xanh với nội dung: mộ của bà Thục nhân họ Nguyễn tên húy là Tuyết, là phu nhân của người họ Nguyễn được phong tước Hầu, Khâm tặng làm Anh dũng tướng quân, Khinh xa đô úy thần sách vệ úy. Bia được lập vào tháng giêng năm Minh Mệnh thứ 9 (1828). Ngoài ra còn có một bia mộ khác nằm bên cạnh, theo lời kể lại của người dân thì khoảng những năm 1960, bom đạn đã đánh trúng vào khu vực cửa mộ của bà Nguyễn Thị Tuyết, làm bật đổ cả hai tấm bia ra ngoài, tấm bia cũ nằm phía trong, ngoài là tấm bia hiện tại. Khảo sát bia mộ này chúng tôi thấy nội dung bia đề: Việt cố, mộ của mẹ họ Nguyễn húy là Lang, tặng Thục Trinh Nhụ nhân, bia được lập vào tháng 6 năm Bính Thìn (1796) do con trai là Nguyễn Ngọc Thoại lập. Như vậy là ngoài tên gọi của người con trai bà là Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thoại thì ông còn có tên gọi khác nữa là Nguyễn Ngọc Thoại. Ông đã lập bia mộ cho mẹ mình từ khi chưa thành danh cùng với triều đình Nguyễn.
Nguy cơ di tích bị xóa sổ
Hiện nay, toàn bộ kiến trúc lăng mộ bà Nguyễn Thị Tuyết nằm trên phần đất của gia đình ông Nguyễn Văn Công, một người dân không phải là hậu duệ của dòng họ của gia đình Thoại Ngọc Hầu. Cả khu lăng nằm trong tình trạng hoang phế, cỏ cây mọc um tùm. Chủ nhân mảnh đất cho biết nơi đây trồng cây cối không được bởi cứ đào xuống là gặp hợp chất, gạch ngói, nên họ chỉ trồng được cây kiểng. Người dân cho biết thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, khu lăng bị ảnh hưởng lớn bởi các loạt đại bác bắn phá của cả hai bên, đáng ngạc nhiên là làn đạn chỉ trúng được phần bệ thờ phía trước mà không trúng nhà mộ.
Khi được hỏi là chính quyền địa phương có quan tâm đến khu di tích và có hướng xếp hạng không thì đều nhận được sự lắc đầu, mặc dù nhân dân trong vùng rất hiểu rõ về khu di tích này, người xưa và nay đều gọi là khu lăng ông Bảo hộ (Bảo hộ Thoại Ngọc Hầu). Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cũng đã bằng mọi cách tìm đến khu di tích và đều đánh giá cao và nơi đây đã và đang trở thành một điểm đến của khách du lịch khi tham quan du lịch miệt vườn Cù Lao Dài và cả Vũng Liêm, Vĩnh Long.
Năm 2012, chúng tôi có đề cập đến giá trị của khu di tích thì ông Nguyễn Xuân Hoanh (Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh Vĩnh Long) cho biết, tỉnh cũng đã chú ý đến di tích và đang chuẩn bị kế hoạch để khảo sát, lập hồ sơ xếp hạng. Mặc dù vậy, từ đó cho đến nay khu di tích vẫn không có động thái gì khả quan.
Chúng tôi được biết đã có người ngỏ ý mua lại khu đất có phần lăng mộ. Không biết nhu cầu của họ là gì, tuy nhiên, nếu không sớm xếp hạng khu di tích và có kế hoạch bảo tồn, thì chuyện di tích bị xóa sổ và phá hủy nhằm tìm báu vật là có thể xảy ra.
Lương Chánh Tòng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét