Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

Thiên đường xám trên cao nguyên đá Đồng Văn

Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ trái đất cùng với quá trình phong hóa đã tạo ra các “vườn đá”, “rừng đá” có khung cảnh kỳ vĩ.

Rừng đá tại Lũng Táo với đủ hình thù to nhỏ xếp chồng chéo nhưng cùng chung một màu đen xám hoang hóa. Sức sống mãnh liệt vẫn hiện lên từ những thân ngô xanh mướt mọc lên từ chính những hốc đá nơi đây.
 
Bãi đá Hải Cẩu tại xã Vần Chải, trên đường từ thị trấn Yên Minh tới Phố Cáo. Những phiến đá nơi đây có hình thù thuôn dài, mềm mại như tấm lưng của sư tử biển, nằm san sát và cùng hướng với nhau như một đàn sư tử biển đang tắm nắng. Theo các nhà địa chất, đàn "sư tử biển" này là một tập đá vôi phân lớp khá dày, màu xám sáng, tinh khiết hơn so với những tập đá vôi phân lớp mỏng ở khu vực lân cận.
 
"Bãi đá mặt trăng" - khu đá với cái tên độc đáo được đặt cho khu vực tại xã Sà Phìn. Dạng địa hình này được tạo nên bởi các dãy núi đá vôi bị phong hóa, trên bề mặt hầu như không có lớp phủ thực vật, các tảng, khối đá phủ khắp bề mặt sườn núi. Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, khốc liệt khiến nhiều người ngỡ như mình đã lạc đến mặt trăng.
 
Núi đá tháp kim tại xã Pải Lủng. Trên đường Hạnh Phúc, đoạn trước khi lên đỉnh đèo Mã Pí Lèng bạn sẽ được chiêm ngưỡng ngọn núi dạng tháp, mũi nhọn hình kim Pải Lủng mà các nhà khoa học thường gọi là tượng đài địa chất. Cũng từ đây, có thể chiêm ngưỡng những vách đá dựng đứng, các chóp núi như những kim tự tháp nối liên tiếp nối nhau.
 
Nhóm tượng đá Thạch Sơn Thần. Nằm ven quốc lộ 4C trên bề mặt khá bằng phẳng của cao nguyên Làng Đán thuộc xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, nổi lên sừng sững một cụm 7 cột đá vôi với thế đứng kỳ lạ.
 
Khu vực Ngam La - Lũng Hồ - Du Già với đa dạng địa hình, cảnh quan hùng vĩ với cả ruộng bậc thang và núi đá. Rừng đá rất phổ biến ở Lũng Hồ và càng về phía Khu bảo tồn thiên nhiên Du Già, chúng càng trở nên sống động vì được tô điểm thêm bởi lớp phủ thực vật đặc trưng của hệ sinh thái núi đá vôi.
 
Hoang mạc đá tại xã Pải Lủng, qua hồ treo Pải Lủng và có thể nhìn thấy rõ từ điểm ngắm trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng. Càng lên cao càng vắng vẻ, khí hậu càng khắc nghiệt, nước càng hiếm. Chỉ có đá tai mèo đời đời gắn bó với con người. Một đứa trẻ sinh ra, lớn lên trên Đồng Văn có khi cả đời không đi hết nổi những dãy núi đá mênh mông của quê hương mình.
 
Từ Mèo Vạc về Yên Minh theo hướng Lũng Phìn bạn sẽ thấy hoang mạc đá kỳ vĩ này. Cung đường chữ M uốn lượn dường như ấn tượng hơn trên nền đá núi tai mèo xám xịt. Những đứa trẻ không có nhiều thú chơi nên thường ngồi ngắm nhìn các cung đường và đá núi.
 
Núi đá trùng điệp cùng với khói chiều thật ma mị. Trên dải đất hình chữ S, chẳng có nơi nào bát ngát đá với đủ kích cỡ, vóc dáng lạ kỳ và muôn hình vạn vẻ như thế.
 
Quản Bạ - Yên Minh - Đồng Văn - Mèo Vạc - Du Già là một trong những cung đường cho người đam mê khám phá các vùng núi đá hoang sơ mà đầy cảm xúc. Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà khốc liệt, các hoang mạc đá xám ngắt màu ảm đạm. Trong nét trầm mặc và mênh mông ấy con người như thấy mình nhỏ bé hơn.
 
Hachi8

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét