Chuối đập, bánh xèo ốc gạo, bánh canh bột xắt... là những món ăn nổi tiếng nhất Bến Tre
Những món ăn nổi tiếng nhất Bến Tre |
Chuối đập
Chuối đập |
Chắc chỉ có ở Bến Tre mới có món ăn lạ miệng này. Chuối đập rất khó tìm, chỉ có ở những gánh hàng rong buổi chiều chứ người ta không bán trong hàng.
Chuối đập không chỉ là món ăn vặt yêu thích của giới trẻ mà còn là món ăn khiến những người Bến Tre xa quê nhớ quay nhớ quắt những khi nghĩ về quên nhà.
Nguyên liệu để làm món này được lựa chọn rất kỹ càng, phải là chuối xiêm, vỏ còn xanh vừa ngả vàng thì mới ra được lát chuối đập ngon, còn nếu chuối quá chín thì lúc nướng sẽ bị nhão. Chuối được bóc vỏ, bỏ vào túi ni lông đập dẹt rồi nướng trên bếp than, đến lúc chuối ngả vàng thơm là đã chín. Món này được chấm cùng nước cốt dừa đặc quánh khiến du khách đến với Bến Tre ăn món này một lần sẽ không bao giờ quên được hương vị đặc trưng "rất Bến Tre" của nó.
Bánh Canh bột xắt
Bánh Canh bộ xắt |
Bánh canh bột xắt còn có tên gọi khác là bánh bột gạo. Cũng như bánh bột gạo ở những vùng miền khác, bánh canh bột xắt được làm từ nguyên liệu chính là gạo. Sở dĩ ở Bến Tre có tên gọi này là vì khi nấu, người nấu phải cán bột ra thới rồi xắt thành từng thanh mỏng sau đó mới cho vào nồi.
Bánh canh bột xắt thường là bánh canh vịt chấm với nước mắm gừng. Nhiều nơi người nấu cho tép non hay tôm khô vào để nước ngọt hơn. Thứ nước lèo trắng đục do bột gạo tạo nên làm cho bánh canh bột xắt khó mà lẫn được với các loại khác. Ở Sài Gòn và một số tỉnh thành khác cũng có phổ biến món này nhưng thưa thớt. Khi ăn bánh canh bột xắt ở Bến Tre, đừng quên kêu thêm chén huyết nếp béo ngậy.
Bánh xèo ốc gạo
Bánh xèo ốc gạo |
Là món đặc sản của cồn Phú Đa (huyện Chợ Lách - Bến Tre), bánh xèo không còn là món ăn xa lạ gì với người dân nam bộ.
Ốc gạo có thịt màu trắng đục thường được dùng để chế biến thành món ăn như ốc xào sả ớt hay làm nhân của bánh xèo thay cho tôm hoặc thịt, Ốc cùng hành tây xắt mỏng được xào chín rồi làm nhân bánh, cuốn cùng rau thơm làm cải bẹ, xà lách, đọt bứa.... mùi vị rất khác biệt. Khi ăn cảm nhận con ốc ngọt, sần sật lẫn trong các mùi rau khiến thực khách cứ muốn ăn mãi mà không bị ngán.
Ốc gạo sinh sản nhiều nhất ở cồn Phú Đa, hàng năm vào tháng 4, tháng 5 âm lịch là mùa sinh sản mạnh nhất của ốc gạo, nhưng con ốc gạo đạt đỉnh điểm về số lượng phải vào Tết Đoan Ngọ.
Đuông dừa
Đuông dừa |
Anh về miền đất xứ dừa/ Nhớ đi thưởng thức đừng chừa món đuông”, là một loài sâu sinh sống ở trong cây dừa với nguồn thức ăn chính là phần củ hũ quả dừa già, đuông dừa trở thành một món đặc sản chỉ có ở bến tre và thực khách khi đến đây hẳn ai cũng muốn thưởng thức món ăn lạ miệng này.
Từ những con đuông dừa béo ngậy, người Bến Tre chế biến thành nhiều món khác nhau như đuông lăn bột chiên, đuông nướng... Nhiều người sành ăn ở Việt Nam cũng phải công nhận đuông dừa là món ngon được liệt vào “siêu hạng”, vượt hẳn các thức ăn khác.
Cơm trái dừa
Cơm trái dừa |
Là món ăn rất cầu kỳ và tốn nhiều thời gian chế biến. Để làm được món ăn này người ta phải dùng gạo ngon vo sạch với nước dừa sau đó cho gạo vào trái dừa rồi đem chưng cách thủy cho đến lúc cơm chín. Đặc biệt, trái dừa dùng để chế biến món ăn này phải là dừa xiêm và trước khi chế biến món ăn không được động chạm vào trái dừa, chỉ cắt phần nắp phía trên trút nước ra để cho gạo vào.
Cơm dừa phải ăn nóng và ăn với tôm rang nước dừa mới đúng điệu. Sở dĩ phải ăn nóng vì khi để cơm nguội, dầu trong cùi dừa sẽ khiến cơm ngả vàng sẽ không bắt mắt và kém phần thơm ngon.
Bánh tráng Mỹ Lồng
Bánh tráng Mỹ Lồng |
Mỹ Lồng, Bến Tre trứ danh nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long với loại bánh tráng dừa vừa béo vừa xốp, vừa đặt lên lò than đã tỏa hương thơm lừng. Bánh tráng nướng trên bếp than cho vừa chín hai mặt, dậy mùi của dừa quyện với bột, lấy ra ăn nóng là ngon nhất. Giòn giòn như bất cứ loại bánh tráng nào nhưng dừa đem lại cho nó vị thơm ngọt không bánh tráng ở đâu sánh bằng.
Hồ Nhi (Tổng hợp)
Ăn bánh canh bột xắt thịt vịt xứ dừa
TTO - Trưa muộn, chạy ngang Bến Tre, băng qua mấy con lộ nhỏ giữa vườn cây trái xanh mướt, tình cờ gặp cái quán nhỏ xíu với cái bảng “Bánh canh bột xắt thịt vịt”, chúng tôi mừng như “bắt được vàng”.
Tô bánh canh thịt vịt bột xắt giá 15.000 đồng - Ảnh: TRÂN DUY |
Bảo khách vào quán, chị chủ quán giọng "đặc quẹo" Bến Tre nói như xin lỗi: “Trưa trật nên chị hết huyết vịt rồi”. Lâu lắm mới thấy bánh canh bột xắt nên đứa nào cũng phẩy tay qua quýt "không sao, không sao".
Chị nói bánh canh bột xắt thịt vịt mà thiếu miếng huyết vịt đông nếp dẻo, một trong những yếu tố tạo thành miếng ngon đặc sắc cho món này, thì sẽ bớt ngon rồi bưng ra hai tô bánh canh sền sệt đầy thịt vịt và chén nhỏ nước chấm sóng sánh.
Sở dĩ gọi là bánh canh bột xắt vì khi nấu, người nấu phải xắt bột bằng tay theo kiểu thủ công. Bột làm bánh thì cứ lựa loại gạo không quá dẻo, đem ngâm cho mềm rồi xay. Sau khi bồng cho ráo nước, chỉ còn bột tinh, có độ dẻo mịn vừa phải thì đem nhồi.
Nhồi xong chia bột thành từng phần nhỏ rồi áp vào chai thủy tinh tròn lăn qua lăn lại đến khi bột mỏng vừa, gần khép kín đường kính chai.
Xong khâu bột thì tới khâu xắt. Quen tay thì cứ một con dao bảng mỏng, dài vừa phải rồi vừa xắt bột vừa xoay chai để bột rơi xuống nồi thành từng sợi. Vì thế nên sợi bánh canh bột xắt sẽ không dài mà rất vừa gắp hay múc ăn.
Khi xắt bột, nước nồi phải thật sôi để bột chín trong và nổi lên. Nếu nước chưa sôi già, bột sẽ nhão và rã. Trong lúc xắt bột, thỉnh thoảng phải dùng đũa dài khuấy nhẹ để từng sợi bánh rời ra, không đóng cục hay dính dưới đáy nồi, dễ bị khét.
Bảng hiệu "Bánh canh thịt vịt bột xắt" ven quốc lộ 60, xã Tân Thành Bình, Mỏ Cày Bắc - Ảnh: Trân Duy |
Người miền Tây ưng biến tấu, nên ở nhà có đám, món bánh canh bột xắt có thể nấu với tôm, giò heo, nấm, cá lóc... Nhưng nấu bán thì thường là nấu với thịt vịt.
Vịt nấu bánh canh bán ngoài vịt xiêm, còn có vịt mái tơ cỡ 2 kg/con. Người ta chuộng vịt xiêm thịt mềm, da căng, ít mỡ, không bị hôi, nhưng mấy loại vịt khác biết làm ăn cũng ngon không kém.
Bánh canh thịt vịt ngon, cứ chọn loại vịt nuôi tại nhà, ngoài ăn lúa, ốc còn được bơi tắm thoải mái thì thịt càng ngon. Cũng có loại vịt nuôi khô, hà tiện chỉ cho ăn rau cỏ lạp tạp thì không ngon, mùi hôi cũng đậm.
Bánh canh bột xắt có màu đục đặc trưng là do chất nhừ tiết ra từ bột. Còn thịt vịt trước khi nấu sẽ được ướp gia vị như hành, tiêu, muối cho vừa ăn, để một lúc cho thấm rồi đem xào săn.
Tùy theo người nấu mà thịt vịt có thể được cho thẳng vào nồi bánh canh khi bột xắt chừng một phần ba. Cũng có thể đem nấu chín riêng rồi mới trút vô nồi. Có dừa thì ngon, nhưng dừa dễ thiu nên ít ai làm.
Vì có nguyên liệu chính là bột gạo, nên có vùng gọi tên khác là bánh canh bột gạo. Cũng có thể cán đều bột lên thớt, lên lá chuối tươi và dùng dao cắt. Nhiều quán bán bây giờ cũng xài máy cắt bột để bán chuyên nghiệp, luộc sợi bột bằng nước sôi, sau đó cho vào thau nước lạnh ngâm khoảng 5 phút để nước dùng trong hơn.
Bánh canh bột xắt thịt vịt ăn với nước mắm gừng - Ảnh: TRÂN DUY |
Ngoài nước lèo đặc sệt và béo, những cọng bột bánh deo dẻo thì một điểm nhấn của món bánh canh bột xắt chính là nước chấm. Và với bánh canh bột xắt thịt vịt thì còn phải đi chung với nước chấm riêng - nước mắm gừng.
Chúng tôi nhẩn nha ăn từng muỗng bánh, chấm thật ngập miếng thịt vịt vừa mềm vừa thơm vào chén nước mắm gừng chua chua, cay cay, thơm lừng mùi gừng ấm mà nghe vị ngọt từ cọng bánh, từ thịt lan dần trong miệng.
Chia tay, chị vẫn không chịu nói tên, chỉ nhận tiền bánh canh, đãi tiền ly chanh muối giải khát. Rồi chị còn dặn thêm: “Khi nào về nữa nhớ ghé chị. Cứ điện thoại trước để chị nấu bánh canh bột xắt tôm mương, hay bánh canh ngọt nước cốt dừa. Ăn, biết một lần là ghiền luôn”!
Rời Bến Tre, chúng tôi được biết thêm không chỉ có xanh mát bóng dừa mà còn có nhiều thứ khác rất níu lòng lữ khách, như là món bánh canh bột xắt thịt vịt của chị chủ quán hiền lành và đôn hậu.
TRÂN DUY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét