Từng được coi là một điểm nóng về tội phạm ma túy nhưng Hang Kia, Pà Cò (Hòa Bình) có một sức hấp dẫn đầy ma mị khiến người ta không thể cưỡng lại ham muốn khám phá.
Hang Kia, Pà Cò là hai xã miền núi thuộc huyện Mai Châu (Hòa Bình), nằm trên độ cao khoảng 1500m so với mực nước biển. Cách trung tâm huyện Mai Châu gần 40km. Đường lên Pà Cò là những con dốc quanh co, khúc khuỷu, uốn lượn theo những sườn núi cao chất ngất.
Nhưng du khách sẽ không có cảm giác mệt mỏi bởi tâm trí họ đã hoàn toàn bị mê hoặc bởi cảnh đẹp bên đường với những thung lũng ngập tràn hương sắc hoa đồng nội, những vườn mận, vườn đào cũng bắt đầu sưng nụ, xòe bông, điểm trắng, khoe hồng giữa đất trời Tây Bắc.
Vì nằm cheo leo trên những đỉnh núi cao, thường xuyên bị vùi lấp trong sương mù cho nên nhiệt độ trung bình ở Pà Cò khá thấp. Ở trung tâm thành phố Hòa Bình, trời có thể đang nắng chang chang, nhiệt độ trên dưới 300C thì trên này, người ta vẫn phải co ro trong khăn áo ấm.
Hoa đào đã nở trên đỉnh Pà Cò
Đã từng đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người Mông nhưng tôi chưa thấy ở đâu, người Mông vẫn còn giữ được những phong tục, tập quán cổ xưa như ở nơi này. Từ những nếp nhà thấp lè tè đến cách đi đứng, ăn mặc, nói cười của người dân đều ngấm ngầm toát lên một nét gì đó rất riêng mà chỉ người Mông mới có.Có lẽ, chỉ khi đến Pà Cò, tôi mới có cơ hội được thấy tận mắt, sờ tận tay những tấm vải nhuộm chàm theo một cách thủ công nhất có thể. Lá chàm được ngâm trong những chảo nước lớn. Sau 3 – 4 ngày, màu xanh của lá sẽ phai ra nước.
Thung lũng Hang Kia rực rỡ trong nắng xuân
Nước này lại được đem ủ trong những chiếc vò kín "bất khả xâm phạm" không ai được đến gần trong thời gian quy định nếu không muốn phải đổ đi cả một mẻ chàm. Vải sau khi nhuộm được phơi trên những chiếc sào tre nhưng quá trình nhuộm vải sẽ được lặp lại nhiều lần cho đến khi đạt được màu chàm chuẩn nhất.Và cũng chỉ ở chốn thâm sơn cùng cốc này, tôi mới được nghe tiếng chày đập giang làm giấy của người Mông vang khắp bản làng. Tất cả mọi công đoạn lên rừng tìm giang, luộc chín, giã nát, tán bột, lên khung, tráng giấy… đều được làm tỉ mỉ bằng những đôi tay khéo léo của người thợ. Điều đặc biệt ở đây là, nhà nào tự nhuộm vải cho nhà nấy, tự làm giấy, tự thêu thùa, chẳng đi mua, đi bán bao giờ.
Vải nhuộm thủ công bằng lá cây của người dân địa phương
Uống rượu "Cơm mới" ở Hang KiaVẫn trên con đường độc đạo dẫn vào Pà Cò nhưng tiến sâu thêm gần chục km, tôi đã đặt chân đến đất Hang Kia. Mặc dù nằm cheo leo trên những đỉnh núi cao nhưng ở đây lại thường xuất hiện những thung lũng vô cùng nên thơ, xinh đẹp mà Hang Kia là một trong số đó. Sau khi ì ạch bò lên những con dốc dựng đứng để leo đến đỉnh Pà Cò thì từ đỉnh cao này, người ta lại phải ghìm phanh, thả dốc ầm ầm mới xuống được Hang Kia.
Sum vầy quanh bếp lửa trong cái lạnh vùng cao
Khi tôi đến Hang Kia, trời đã gần trưa, sương mù tan hết, đứng trên đỉnh dốc nhìn xuống có thể thấy được toàn cảnh bản người Mông ở Hang Kia hiện lên như một bức tranh được vẽ bằng ánh sáng, thứ ánh sáng trong trẻo khác thường chỉ có thể bắt gặp giữa một thung lũng ở trên cao như thế này.
Mâm cỗ trong Tết Cơm mới của người Mông ở Pà Cò
Mới đến đầu bản, tôi đã nghe tiếng trẻ con nô đùa ríu rít gần đâu đó nhưng nhìn đâu cũng chỉ thấy những cô gái Mông ngồi thêu váy áo bên hiên nhà, những gam màu rực rỡ khiến tôi như bị mất phương hướng giữa những khoảng sân vườn để ngỏ.Phụ nữ người Mông dường như sinh ra chỉ để chăm chú vào công việc. Họ làm việc liên tục từ sáng sớm đến đêm khuya, từ lúc sinh ra đến khi trút hơi thở cuối cùng.
Chẳng hiểu vì không nói được tiếng phổ thông hay vì quá tập trung vào công việc đang làm mà khi tôi hỏi thăm, họ chỉ ngẩng lên, cười hoặc không rồi lại cúi xuống dán mắt vào đường kim, mũi chỉ. Phụ nữ Mông là vậy, mới đầu bao giờ cũng tỏ ra có chút "lạnh lùng" nhưng đã quen thân rồi thì hết lòng hết dạ.
Phụ nữ ở Pà Cò lúc nào cũng chú tâm vào công việc
Tối hôm ấy, tôi xin ngủ lại một nhà trong bản đúng lúc gia đình làm lễ mừng cơm mới. Anh em, con cháu trong nhà kéo đến ngồi chật cả chiếu trong chiếu ngoài, bếp lửa hồng giữa nhà soi tỏ những nụ cười hiền hậu, hương rượu thơm sưởi ấm tình người miền sơn cước.Những người phụ nữ Mông lạnh lùng tôi mới gặp bỗng trở nên thân thiện, mến khách hơn bao giờ hết, đon đả chạy ra chạy vào tiếp rượu, tiếp thức ăn. Bên mâm cơm mới, đàn ông dần say nghiêng ngả, tiếng nói, tiếng cười tan lẫn vào đêm.
Sớm mai ở Thung Mặn (Hang Kia)
Sáng sớm hôm sau, khi trẻ con tíu tít đến trường cùng sương sớm, tôi trở về trên con đường mình đã đi qua, không quên lời hẹn cùng những cái siết tay rất chặt, hứa sẽ trở lại Hang Kia uống mừng cơm mới.Mùa xuân ở đây dường như bao giờ cũng đến sớm vì hoa đào đã nở bừng trên những mái nhà cũ kỹ, rêu phong.
Theo Dương Dung (Người đưa tin)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét