Nhiều món đồ được tìm thấy qua các đợt khai quật những ngôi mộ cổ nằm rải rác ở nhiều địa phương là những hiện vật đặc biệt có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa.
Theo hồ sơ lưu trữ của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, ngày 3.11.1961, để giải phóng mặt bằng xây dựng Bộ Tổng tham mưu, chính quyền VN Cộng hòa đã thực hiện khai quật lăng mộ của Phó tổng trấn Bắc thành Lê Văn Phong (? - 1824), vị trí hiện nay nằm trong khu đất Quân khu 7 (Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ).
Lăng mộ được xây dựng bởi hợp chất kiên cố, quân đội đã phải dùng máy cơ giới mới phá được kim tĩnh và thấy được quan tài làm bằng thân gỗ to lớn nguyên khối, chạm trổ hoa văn tinh xảo. Khi mở nắp quan tài, những người khai quật thấy rõ tấm minh tinh vải điều đỏ nhũ chữ bạc trên nền hoa văn rồng mây cách điệu, càng ngạc nhiên hơn khi thấy dưới tấm minh tinh là di cốt được liệm bởi một bộ áo đại triều của võ quan cao cấp với mũ mão, cân đai, thẻ bài và những vật dụng mang nhiều đặc điểm cung đình. Nhận thấy đây là một kho báu quý, chính quyền VN Cộng hòa đã thực hiện kiểm kê và chuyển toàn bộ nhóm di vật tùy táng này về bảo quản và trưng bày tại Viện Bảo tàng quốc gia Sài Gòn (nay là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM).
Hiện nay, tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM còn lưu giữ những báu vật này gồm: 1 mũ mão của quan hàm Tòng nhất phẩm Võ ban, 1 cân đai, 1 thẻ bài hình mặt giao long, 1 kính mắt, hàng chục nút áo tạo hình trân châu, móc lấy ráy tai cùng nhiều vật dụng khác là vật bất ly thân của chủ nhân đương thời. Bên cạnh phẩm phục bằng sa lụa đã bị mục nát, toàn bộ di vật được tạo bằng chất liệu chính là vàng, bịt vàng và một số ít bằng bạc.
Đáng chú ý là chiếc mão đội đầu của chủ nhân với các trang sức bằng vàng ròng, trang trí chạm trổ tinh xảo, chế tác công phu hình giao long ngậm ngọc, giao long chầu châu ngọc, hoa lá dây và các đài hoa nhiều lớp có trọng lượng lên đến 2 lượng vàng. Tư liệu hiện biết thì đây là lần đầu tiên ở VN tìm thấy chiếc mão của quan đại thần Võ ban hàm nhất phẩm thời Nguyễn nói riêng và hệ thống quan lại VN qua các triều đại nói chung xác định được nguồn gốc, niên đại và chủ nhân một cách rõ ràng. Bên cạnh chiếc mão vàng là chiếc kính đeo mắt được chế tạo bởi hoàng gia triều Nguyễn, đây là chiếc kính mắt cổ nhất hiện biết ở VN. Kính có cấu tạo dạng một mắt, dòng dây đeo theo người, khi cần dùng thì cầm kính lên soi rọi...
Năm 2014, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM phục nguyên thành công chiếc mão của Đô thống chế Lê Văn Phong và đang tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý để đưa ra trưng bày trong chuyên đề Phẩm phục triều Nguyễn phục vụ công chúng trong năm 2016.
Mộ công thần thành mộ vô chủ
Chính sử triều Nguyễn ghi chép: Lê Văn Phong quê quán tại xã Long Hưng, H.Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ông là em trai của Tả quân Lê Văn Duyệt, là công thần giúp Nguyễn Ánh thực hiện đại định thiên hạ vào năm 1802, sau đó được phong làm Đô thống chế Tả dinh quân Thần sách. Năm 1818, ông được bổ làm Phó tổng trấn Bắc thành. Năm 1824, vua Minh Mệnh cho con trai của Lê Văn Phong lấy em gái vua là công chúa Ngọc Ngôn. Tháng 8.1824, Đô thống chế Lê Văn Phong mất tại Gia Định khi về thăm quê.
Tháng 11.1835, cuộc biến loạn của Lê Văn Khôi (con nuôi Tả quân Lê Văn Duyệt) bị dẹp yên, triều đình truy luận tội Lê Văn Duyệt. Một trong 7 trọng tội của Lê Văn Duyệt được thống nhất “truy tố”, có một chi tiết quan trọng liên quan đến lăng mộ của Lê Văn Phong là: Lê Văn Duyệt gọi mộ cha Lê Văn Toại và mộ em Lê Văn Phong là “lăng” và vua Minh Mệnh đã ra chỉ dụ: Các mồ mả tiên nhân có chỗ nào tiếm lạm trái phép thì đều hủy bỏ đi. Tháng 12.1853, vua Tự Đức đã ra chỉ dụ truy trả lại hàm Thống chế cho Lê Văn Phong. Nhưng có lẽ, con cháu dòng họ Lê Văn cũng chẳng còn đủ nhân lực vật lực để có thể chăm lo thờ tự mồ mả cha ông một thời oanh liệt. Cho đến năm 1961, lăng Lê Văn Phong đã bị xếp vào mộ vô chủ nằm trong khu đất quân đội của chế độ cũ ở Sài Gòn, để rồi buộc phải khai quật di dời về bãi đất hoang gần đền thờ Võ Tánh. Năm 2012, hậu duệ dòng họ Lê Văn còn sót lại đã cho di dời di cốt của ông về ấp Tháp, xã Thái Mỹ, H.Củ Chi.
Lương Chánh Tòng
Cận cảnh các báu vật trong lăng mộ em trai Tả quân Lê Văn Duyệt
Quá trình khai quật lăng mộ của Phó tổng trấn Bắc thành Lê Văn Phong (? - 1824), vị trí hiện nay nằm trong khu đất Quân khu 7 (đường Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TP.HCM) đã tìm thấy một số đồ vật có giá trị.
Khi mở nắp quan tài, những người khai quật thấy rõ tấm minh tinh vải điều đỏ nhũ chữ bạc trên nền hoa văn rồng mây cách điệu, càng ngạc nhiên hơn khi thấy dưới tấm minh tinh là di cốt được liệm bởi một bộ áo đại triều của võ quan cao cấp với mũ mão, cân đai, thẻ bài và những vật dụng mang nhiều đặc điểm cung đình.
Hiện nay, tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM còn lưu giữ những báu vật này gồm: 1 mũ mão của quan hàm Tòng nhất phẩm Võ ban, 1 cân đai, 1 thẻ bài hình mặt giao long, 1 kính mắt, hàng chục nút áo tạo hình trân châu, móc lấy ráy tai cùng nhiều vật dụng khác là vật bất ly thân của chủ nhân đương thời.
Dưới đây là hình ảnh một số báu vật còn giữ lại:
Lương Chánh Tòng
Ảnh: T.L
Ảnh: T.L
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét