Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Tục cúng gà, vịt luộc ở miền Tây Nam Bộ

Bài, ảnh: Minh Khuyên 

(Dân Việt) Để sắp đồ cúng gà, vịt, người miền Tây thường để nguyên con và chéo cánh lại. Chặt cây chuối ngoài vườn vào xắt ghém, trộn chua rồi đặt lên mâm cúng để mong “ơn trên” phù hộ và tỏ tấm lòng với người thân đã khuất.

   
Do thiên nhiên ban tặng nên những người dân quê miền Tây Nam bộ có tính tình phóng khoáng, trực tính mà thiết thực. Họ luôn trọng nghĩa khinh tài, sẵn sàng ra tay tiếp giúp người “cô thế”. Nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Đình Chiểu đã có lần nhắc tới tính khí khái này: “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi; Làm người như thế cũng phi anh hung”.
Ngoài đời sống vật chất phong phú, đa dạng, người miền Tây Nam Bộ cũng tin tưởng vào Trời, Phật và những thần linh khuất mặt khác. Từ ngày đầu khai hoang khẩn hóa, con người luôn đối mặt với nhiều hiểm nguy. Để tăng thêm sức mạnh cho mình, người ta nhờ vào những yếu tố thần kỳ hỗ trợ. Trong cuộc sống gặp điều không may hay bất trắc xảy ra người ta thường van vái Ông Bà phù hộ để được mạnh khỏe, cầu mong tai qua nạn khỏi. Từ đó, niềm tin của con người tăng lên, may mắn đồng hành rồi mọi điều tốt đẹp đã tới. Đã vái van thì phải cúng trả lễ. Từ một nải chuối chín, đến nồi chè hay con gà, con vịt luộc là những thực phẩm dâng cúng thường gặp trong đời sống dân gian miệt đất này.
tuc cung ga, vit luoc o mien tay nam bo hinh anh 1
Mâm lễ cúng vịt luộc.
Gà, vịt là những con vật nuôi quen thuộc. Nhà nào cũng có nuôi vài ba con gà, năm bảy con vịt. Gà, vịt cũng là thứ dùng để đãi đằng khách khứa ghé thăm.
Để sắp mâm cơm cúng, người dân chọn bắt con gà, con vịt làm sạch sẽ rồi bắc nồi nước sôi lên luộc. Gà, vịt luộc chín, vo thêm ít gạo cho vào nồi nấu cháo. Tục cúng gà, vịt luộc ở miền Tây thường để nguyên con và chéo cánh lại. Chặt cây chuối ngoài vườn vào xắt ghém, trộn chua để cúng mong “ơn trên” phù hộ, cũng để tỏ lòng với người thân đã khuất.
Nhân đây xin nói thêm, dân gian ở miệt này còn sử dụng hình ảnh chơi chữ rất hay, rằng cúng gà luộc thì sẽ được lên gà, còn cúng vịt luộc thì chuyện làm ăn luôn “nổi” và mọi thứ điều trôi chảy. Đặc biệt, dân thương hồ đi ghe thường cúng vịt luộc với ý nghĩa vừa nói.
Mâm cúng gà, vịt luộc ở miền Tây thật đơn giản, nhưng ý nghĩa của nó thì sâu sắc, gắn liền với tư duy trọng thực tế không lòe loẹt, phô trương của người dân quê. Giống như tính cách chân chất, thật thà mà thẳng thắn của họ vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét