Lăng đình thần An Khánh trước khai quật...
Để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM), tháng 4.2014 Trung tâm bảo tồn di tích TP.HCM phối hợp với Bảo tàng Lịch sử và Khoa Giải phẫu - Trường đại học Y Dược TP.HCM khai quật Lăng thành hoàng làng An Khánh trong khuôn viên đình An Khánh.
Lăng nằm cách bến phà Thủ Thiêm (cũ) khoảng 150 m. Hiện trạng mộ trước khai quật có mặt bằng tổng thể hình chữ nhật với kích thước rộng 7,2 m, dài 8,7 m, bao gồm các bộ phận kiến trúc: bình phong tiền, cửa mộ, hệ thống tường thành, trụ biểu - trụ sen, nhang án - bệ thờ, nấm mộ, bình phong hậu, giống với kiểu thức lăng mộ các danh thần khác ở Nam bộ vào đầu thế kỷ 19.
Khi khai quật ở trung tâm nấm mộ, các nhà khảo cổ học thấy kim tĩnh với phần nắp đậy đổ bằng hợp chất tạo thành hình vòm trên lớp cát trong huyệt mộ. Dưới vòm cung này, người xưa đổ lớp cát vàng sạch bao trùm lên toàn bộ quan tài và lòng kim tĩnh. Sau khi mở phần nắp, quan tài lộ ra với phần quách mỏng bằng gỗ bao bọc xung quanh dạng trong quan ngoài quách. Lòng quan tài bị cát vàng trôi vào qua các mắt bị mục của thân cây tạo lỗ hổng ở hai đầu.
Khi làm sạch, lòng quan lộ ra phần di cốt được táng nằm ngửa có dấu vết của quần áo vải mặc trên thân, còn tóc, phần đầu đặt trên một chiếc lược đồi mồi và gối lên một lớp vải đã bị mục vụn, dưới chân đặt một áo quan lại (phẩm phục) bằng sa đen nhũ hoa văn dạng rồng mây, đáy quan lót một lớp chiếu. Bên cạnh chiếc lược, bộ phẩm phục kê ở chân được tìm thấy, ở vị trí cổ và khu vực trung tâm phần bụng của người nằm dưới mộ tìm được tổng cộng 45 cúc áo bằng kim loại mạ vàng, đồng và đá mã não cùng với nhẫn vàng.
Thành hoàng bí ẩn
Qua điều tra khảo sát và các ghi chép liên quan đến vùng đất quanh phà Thủ Thiêm cho thấy đây là khu vực tụ cư đông đúc của người Việt, với hoạt động cảng thị cổ của Xóm Tàu Ô - phía bên kia của cảng Bến Nghé xưa, được Giám thành sứ Trần Văn Học vẽ trong bản đồ Thành Gia Định năm 1815. Do lăng không còn văn bia nên không rõ tên tuổi, quê quán và chức tước của người nằm dưới mộ là ai. Các bậc cao niên trong vùng giữ việc thờ phụng đình và lăng thần cho biết, ngay từ lúc sinh ra đã biết ngôi đình An Khánh có từ trước đó lâu đời và người nằm dưới mộ được tiền nhân truyền lại là một ông tướng họ Trần, có nhiều công lao trong việc khai hoang lập ấp, bảo vệ dân sinh, trấn giữ và thúc đẩy hoạt động giao thương cảng thị, được nhân dân nhiều đời tôn làm Thành hoàng làng An Khánh.
Khai quật cho thấy, mặc dù quy mô và vật liệu kiến trúc lăng tương đối to lớn và bền chắc, nhưng phần quan tài với nắp đậy được làm sơ sài, có vẻ lúc táng lại rất gấp gáp so với các lăng mộ tương tự đã khai quật. Chi tiết này đã được các nhà khảo cổ đưa ra những giả thuyết nghiên cứu: Vùng đất đôi bờ Bến Nghé xưa bên cạnh là một cảng thị còn có một vị trí chiến lược về mặt quân sự trong việc giữ và phá thành Gia Định (xây dựng năm 1790 dưới thời Nguyễn Ánh). Có thể người được tôn làm Thành hoàng làng là một vị tướng quân của triều Nguyễn giữ nhiệm vụ khai khẩn lập ấp, trấn giữ đồn lũy và xưởng tàu của thời Nguyễn dọc phía tả sông Bến Nghé với đồn lũy Cá Trê đã được nhiều nguồn sử liệu nhắc tới.
Kết quả giám định, giải phẫu di cốt của Đại học Y Dược TP.HCM cho thấy người nằm dưới mộ là nam giới, cao khoảng 1,6 m, thọ khoảng 50 - 55 tuổi. Căn cứ kết cấu kiến trúc lăng thần với nấm mộ dạng liếp hình chữ nhật giật cấp, xuất hiện nhân tố “giường” mộ ở phần đáy huyệt có cấu tạo như đã từng gặp trong một số ngôi mộ đã được khai quật ở TP.HCM và bộ quần áo thuộc loại phẩm phục quan lại có chức vụ cao, các nhà khảo cổ học đã nhận định rằng đây là một người đàn ông Việt có địa vị trong xã hội đương thời, mất vào khoảng nửa đầu thế kỷ 19.
Năm 2014, toàn bộ cụm kiến trúc đình và lăng nói trên đã được giải tỏa, cũng có nghĩa kiến trúc và hình thức tín ngưỡng sinh hoạt cộng đồng đình An Khánh đã bị xóa sổ. May mắn là UBND TP.HCM đã quan tâm, phê duyệt dự án và cấp kinh phí cho việc phục dựng lại kiến trúc Lăng Thành hoàng làng An Khánh tại Khu công viên mộ cổ Gò Quéo, P.Bình Trưng Đông, Q.2 nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong vùng cũng như bảo tồn loại hình di sản kiến trúc mộ táng cổ đặc trưng phương Nam. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã thực hiện phục dựng thành công kiến trúc lăng mộ và thực hiện hoàn táng Thành hoàng làng An Khánh tại vị trí mới.
Vì điều kiện khách quan về thời gian và kinh phí thực hiện nghiên cứu, cho nên thông tin về chủ nhân Lăng thần - Thành hoàng làng đình An Khánh đã trở lại lòng đất cùng với những gì thuộc về chủ nhân, tạo thành một bí ẩn lịch sử không có lời kiến giải.
Lương Chánh Tòng
Ảnh: L.C.T
Ảnh: L.C.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét