Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Độc đáo nhà cổ miền Tây: Nhà gỗ Vĩnh Long lên phim

Ngôi nhà của ông Huỳnh Kim Tiến - Ảnh: Hoàng Phương
Ở khu du lịch sinh thái - nhà xưa H.Long Hồ, ngôi nhà của ông Huỳnh Kim Tiến là công trình được thực hiện công phu đạt đến độ hoàn chỉnh về kết cấu và có quy mô khá lớn trong số nhà gỗ xưa ở Vĩnh Long.

Nằm bên cạnh rạch Ông Me thuộc ấp Phước Ngươn A (xã Phước Hậu, H.Long Hồ, Vĩnh Long), ngôi nhà của ông Tiến tọa lạc giữa khu vườn rộng hơn 1,2 ha.
Ngôi nhà có diện tích sử dụng 450 m2 được xây cất toàn bằng gỗ căm xe, thao lao, theo kiểu nhà rường 3 gian 2 chái. Ông Tiến cho biết ngày xưa ngoài gian nhà chính còn có căn nhà dưới được xây nối với nhà trên bằng nhà cầu, đến đời cha ông thì nhà dưới hỏng nên phải đập bỏ nhà cầu, sửa lại làm nhà bếp. Ngoài ra, còn có một kho chứa lúa phía bên hông nhà. Về căn bản, từ đời nội tổ của ông đến nay ngôi nhà được giữ nguyên, không có sửa chữa thay đổi gì lớn. Đặc biệt là tiền sảnh ngôi nhà có một chút lai theo kiểu nhà Tây. Hàng ba rộng hơn 3 m, thêm bậc thềm lên xuống, nên nhà thông thoáng hơn so với những ngôi nhà xưa xây dựng cùng thời điểm.
Công phu của những người thợ xưa
Ông Tiến kể: “Cha tôi là Huỳnh Kim Vạng, sinh năm 1895. Lúc ngôi nhà này được xây dựng thì ông mới 4 tuổi, bà nội phải đem gửi cho người khác trông coi. Như vậy có thể phỏng đoán ngôi nhà bắt đầu xây dựng vào khoảng năm 1890. Ông nội Huỳnh Văn Nghiêm là lương y, rất đông con. Cất nhà xong, mấy mươi năm sau thì ông mất. Do cha tôi là con út, thứ 12, nên mới 23 tuổi đã làm chủ căn nhà. Cũng theo lời kể lại thì lúc xây nhà, ông nội tôi phải rước thợ từ miền Bắc vô chạm trổ và công trình làm hơn 2 năm mới xong”.
Quan sát bộ giàn trò với cột ngậm kèo khít rịt, các vòm cửa chạm khắc hoa lá, chim thú với bố cục hài hòa mới thấy hết công phu của những người thợ ngày xưa. Điểm nhấn của ngôi nhà nằm ở bộ kèo, vách cửa và ô trám. Nhà có 5 cửa chính, trong đó các cánh cửa cái ngôi nhà đều sử dụng cửa bản nguyên tấm, có then gỗ gài bên trong theo kiểu “then cài cửa đóng” của những ngôi nhà giàu có thời xưa. Hai bên chái có hai cửa ngách. Hầu hết các khuôn cửa đều được chạm nổi, chạm chìm. Những ô trám cửa chính được bố trí hài hòa, cân đối trên dưới, trước sau và được chạm khắc tinh xảo với hình tượng con dơi, quả phật thủ, đào tiên, quả lựu... Ngoài ra, các nghệ nhân xưa cũng sử dụng những đề tài gần gũi với đời sống như trái mãng cầu, vốn là loại cây trái phổ biến ở miền Tây Nam bộ. Các góc khuôn bao được chạm nổi những con cá lội tượng trưng cho sự tự do, ung dung tự tại. Trên đố cửa thì chạm nổi đề tài mai hóa rồng - một trong những linh vật trong nhóm tứ linh ưa thích của người dân Nam bộ được biến cách theo kiểu lựu hóa lân, sen hóa quy, mai hóa rồng, trúc hóa phụng. Các đầu kèo cũng được các nghệ nhân gia công tạo tác những quả lựu, đào tiên rất sinh động, sắc nét... Tất cả đều không sơn phết nhưng theo thời gian đã lên nước bóng loáng.
Bên trong, gian chính trung đặt khám thờ gia thần bề ngang rộng hơn 2 m, chạm nổi cầu kỳ, hình lưỡng long chầu nhật. Ông Tiến cho biết ngày xưa nội tổ ông thờ Quan Công, còn bây giờ ông chỉ thờ Phật. Bên dưới là chiếc ghế thờ Cửu Huyền thất tổ. Hai bên có bộ ghế nghi được cẩn xà cừ ngũ sắc và được chạm lộng đề tài hoa lá, chim thú rất tỉ mỉ, cầu kỳ, các ô chạm đều được lắp kiếng bảo vệ.
“Mấy năm trước có đoàn làm phim, trong đó có nghệ sĩ Hoài Linh, Thanh Hằng và khoảng ba bốn chục người, đến mượn nhà tôi làm bối cảnh quay phim Lênh đênh phận bạc. Họ ở lại 5 ngày đêm để quay cảnh gia đình ông hội đồng ngày xưa. Phim có cảnh Hoài Linh đóng vai ông địa chủ giàu có, nhân đức, sống tình nghĩa với người ăn kẻ ở trong nhà. Nay xem phim thấy chiếu lại cảnh nhà cũng vui”, ông Tiến kể.
Quyết giữ nhà xưa
Qua bao thế hệ, ông Tiến cho biết bộ ghế thờ và một số vật dụng trong nhà là những hiện vật từ xưa để lại nên ông rất trân quý. Nhất là bộ lư hương được mua từ hồi nội tổ ông mới cất nhà. Thời gian sau này, giới săn đồ cổ hay đến săm soi, ông sợ nên đem cất vào tủ khóa cẩn thận. Hồi kháng chiến chống Pháp, nhà ông bị lính Tây lấy mất một số cổ vật. Mấy bộ ngựa bằng gỗ quý thì chúng đem đi bắc cầu rạch Ông Me. Riêng một số đồ đồng như bộ lư, chân đèn thì gia đình đem hiến cho Việt Minh nấu đồng để đúc đạn.
Ở các gốc cột cái gian nhà chính được người xưa chạm khắc con bợ hình chiếc lục bình, trên có quả lê để đỡ tấm liễn đối. Đây cũng là những tác phẩm mỹ thuật hiếm thấy ở các ngôi nhà xưa. Tuy nhiên, những tấm liễn đối thì đã mất thời chiến tranh. Ông Tiến nói muốn có bộ liễn mới thế vô nhưng tìm mãi không thấy bộ liễn nào phù hợp kích cỡ, hơn nữa thợ bây giờ chạm trổ không đẹp nên không mua. Hiện mái ngói của ngôi nhà đã bị dột vài chỗ, một số rui mè cũng có dấu hiệu hỏng, ông Tiến định tháo xuống làm lại nhưng chưa có điều kiện.
Hoàng Phương - Ngọc Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét