Một trong những món ăn được ưa chuộng nhất mùa Tết này ở xứ “đất Võ trời Văn” Bình Định là chả ram tôm đất. Tết, khi hầu hết các món ăn đã trở nên dễ ngán thì cuốn chả ram nhỏ xinh bằng ngón tay, giòn rụm, thơm thơm lại khiến nhiều người thích thú.
Chả ram tôm đất không biết tự bao giờ đã trở thành một trong những món đặc sản có tiếng của vùng đất Bình Định. Lại thêm một món ăn dung dị mà hấp dẫn được đứng chân trong bản đồ ẩm thực địa phương.
Nói đếm chả ram, người ta lại hay nghĩ đến sự tổng hoà của các nguyên liệu như thịt, tôm, cà rốt, khoai tây, bún khô, nấm mèo… Thế nhưng, nguyên liệu để làm món chả ram tôm đất lại hết sức đơn giản. Chỉ gồm có bánh tráng mỏng, tôm đất và ít thịt mỡ. Bấy nhiu đó thôi rồi cuốn lại thành cuốn chả bé tí bằng ngón tay, thoạt nhìn dễ nghĩ là đồ chơi của em bé.
“Bé hạt tiêu” là câu nói ví von phù hợp những những gì mà món chả ram tôm đất mang lại. Dân quê tôi thường bảo nhau: “Nhỏ nhỏ những có võ đầy mình”. Món ăn tuy đơn giản, nhỏ nhắn nhưng những năm gần đây, từ quán cóc vỉa hè cho đến những nhà hang sang trọng, chả ram tôm đất là một trong những món ăn được kêu nhiều nhất.
Chị Nguyễn Thị Thuỳ Trang (38 tuổi, ở số 38 Huỳnh Thúc Kháng, TP.Quy Nhơn, Bình Định) cho biết chị bắt đầu làm chả ram tôm đất được 6 tháng nay. “Nhu cầu của khách với món ăn ngày càng lớn. Ngày thường, tui làm hơn chục kg tôm, còn dịp Tết thì nhiều hơn nữa. Hàng được chuộng ở nhiều thị trường như Bình Định, TP.HCM, Đà Nẵng, Gia Lai… Giá thành của món này cũng ở mức bình dân, ngày thường là 120.000 đồng/kg, lễ tết thì nhích lên chút đỉnh là 130.000 đồng/kg do giá nguyên liệu tăng”, chị Trang cho biết thêm.
Mỗi ngày, chị Trang bắt đầu công việc của mình từ lúc 6 giờ sáng. Tôm đất mua về rửa sạch, thịt mỡ xắt nhỏ hạt lựu xào sơ. Sau đó, người làm lại cắt nhỏ từng con tôm rồi mới cuốn chả. Bánh tráng cũng được chia nhỏ để gói chả ram. Cuối cùng, người gói sẽ phết một ít bột mỳ đã chín lên góc bánh để khi chiên, cuốn chả không bị bung ra.
Công đoạn chiên chả cũng có chút công phu và bí quyết để chả luôn giòn rụm dù để tới 6 tiếng sau. Thả một tép tỏi vào chảo để thử độ nóng của dầu, chị Trang thư thả chia sẻ: “Mình làm vậy để biết dầu vừa tới chứ không nhìn bằng mắt thường được. Tỏi ngả vàng là lúc có thể bỏ chả ram vào được. Chiên chả lúc đầu bằng lửa to chừng 4 phút. Sau đó hạ nhỏ lừa thêm chừng ấy thời gian nữa. Làm như vậy để chả chin giòn từ ngoài vào trong, phần nhưn bánh cũng vừa giòn mới để lâu được. Nhiều người không biết, chiên chả to lửa từ đầu đến cuối khiến chả dễ bị cháy mà phần nhưn bên trong chưa kịp giòn”.
Trong mâm cỗ ngày xuân, món chả ram tôm đất luôn là món được nhiều sự trông đợi từ đám trẻ con khoái ăn chả giòn, từ những người lớn thích sự giản đơn mà đậm đà còn lưu lại. Món chả ram tôm đất Bình Định cứ thế, cứ thế lấy lòng từng thực khách một bằng sự độc đáo của riêng mình.
Tâm Ngọc
(thực hiện)
(thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét