Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Giao hòa cùng thiên nhiên qua các lễ hội ở Phố Hiến

Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến là cung đàn mở màn cho giai điệu mùa lễ hội ở Hưng Yên. Ven hồ Bán Nguyệt, trung tâm quần thể di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, những ngày tháng 3 mùa lễ hội cây gạo cổ thụ bắt đầu bừng nở những bông hoa đỏ rực trên thân cành mốc thếch như ngọn đèn trời lặng lẽ bên nửa vầng trăng đang xôn xao…
Tam quan chùa Chuông (Ảnh tư liệu)
Tam quan chùa Chuông (Ảnh tư liệu)
Tiếp ngay sau Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến sẽ diễn ra lễ hội tại một số di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt như: đền Trần, đền Mẫu, Đông Đô Quảng Hội, đình Hiến, đình An Vũ, đền Thiên Hậu…Lễ hội truyền thống mang trong nó bản chất trở về cội nguồn. Đó là đất nước, xóm giềng, tổ tiên, tôn giáo… Những người con đất Việt tha hương dường như cứ sắp đến hội làng lại háo hức trở về quê hương xứ sở để mê mẩn với dòng sông, con đò, cây đa, bến nước, ruộng đồng, bờ tre nơi chôn rau, cắt rốn, nơi có những gương mặt thân quen thuở ấu thơ…
 
Đến với các lễ hội dân gian ở Phố Hiến, du khách được giao hòa, đắm mình với thiên nhiên và ngạc nhiên, sững sờ về bao điều độc đáo, thú vị mà ở đó quá khứ như vọng về tiếp tục đồng hành cùng hiện tại. Đây có lẽ cũng là sự quan tâm của nhiều du khách quốc tế vì nơi này cha ông họ đã từng sinh sống, làm việc và để lại những công trình uy nghi như các đền của người Hoa, nhà thờ công giáo thành phố, nhà Thành… 
 
Quần thể khu di tích Phố Hiến hiện còn bảo tồn, lưu giữ được hơn 100 di tích lịch sử văn hóa, được xây dựng hàng trăm năm nay phần lớn còn giữ nguyên vẹn nét kiến trúc hoa văn nghệ thuật cũng như nhiều hiện vật, di vật, với những nét điêu khắc, chạm trổ tiêu biểu. Trong đó, 16 di tích tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật hợp thành Khu di tích Phố Hiến được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2014. Đó là chùa Chuông được ví như “Đệ nhất danh lam Phố Hiến”, là đền Mẫu cổ kính ẩn mình dưới bóng cây cổ thụ “3 gốc” bốn mùa xanh tươi duyên dáng nghiêng mình bên hồ Bán Nguyệt thơ mộng, là đền Mây bên bờ sông Hồng được ngợi ca “Trăm cảnh nghìn cảnh không bằng bến Lảnh, đền Mây"... Đó là những công trình kiến trúc thuần Việt như: Chùa Chuông, chùa Nễ Châu, đình chùa Hiến, đền Mẫu, đền Mây, đền Kim Đằng, Văn Miếu Xích Đằng... xen với những công trình kiến trúc của người Việt kết hợp với kiến trúc Trung Hoa và phương Tây nhưng vẫn mang đậm hồn Việt như: Đông đô Quảng Hội, đền Thiên Hậu, chùa Phố, Võ Miếu….
Đền Mẫu (Ảnh Lê Hào)
Đền Mẫu (Ảnh Lê Hào)
Những năm qua đã có 49 lễ hội truyền thống ở đây được khôi phục. Đến với các lễ hội dân gian Phố Hiến, người ta hiểu thêm về thế hệ cha ông thông qua các lễ hội thờ thành hoàng, anh hùng dân tộc, các vị tổ sư ngành nghề, bên cạnh cụm lễ hội thờ các vị thần theo tín ngưỡng người Hoa... 
 
Ngoài ra, nhiều lễ hội thờ các vị thần theo tín ngưỡng dân gian gắn liền với những sinh hoạt tâm linh như các lễ cầu siêu, cầu an cho những vong hồn không nơi trú ngụ để thấy một nét văn hóa mang tính đặc thù ở Phố Hiến. Đó là lễ hội của một vùng vốn là cửa sông, cửa bể đồng thời cũng là địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng về thuỷ tai do đê sông Hồng vỡ gây lũ lụt như: lễ hội đền Âm Hồn (miếu Cửa Càn); lễ hội đền Vực, thờ bà Chúa Vực - dấu tích sau một lần vỡ đê; lễ hội đền Bà - lễ cầu mát…
 
Về với lễ hội Phố Hiến du khách đừng quên ghé thăm Bảo tàng tỉnh Hưng Yên bên bờ hồ Bán Nguyệt rợp bóng cây để có thể tìm hiểu về một vùng Phố Hiến cửa biển nổi danh quá khứ chỉ đứng sau kinh kỳ Thăng Long, với chiếc tàu gỗ sừng sững đang được trưng bày ở đây, mới khai quật, trục vớt được cách đây vài năm cùng nhiều cổ vật độc đáo như đang thì thầm câu chuyện về quá khứ… 
 
Đến với các lễ hội Phố Hiến, du khách được hòa mình vào đất trời ở đây, để hiểu thêm về vùng Hạ Châu thổ (vùng châu thổ trẻ) được hình thành từ những doi cát ven sông, hậu biển. Đến lễ hội đình Nẻ Độ, đền Mây, đền Trần Thị Mã Châu, đền Vực… để hiểu thêm về một vùng từng mênh mang sóng nước vỗ bờ. Hay thư thả đi dạo trong lòng Phố Hiến để hồn lang thang trên những nét rêu phong, cổ kính như được lạc về thế kỷ 17 thuở có hơn 20 phố cổ đã tồn tại ở vùng đất này. Vui chân, du khách ghé thăm đầm Vạc, đầm Văn, đầm An Vũ 1, đầm An Vũ 2, hồ Bán Nguyệt để hiểu thêm về xứ sở của những đầm hồ tự nhiên đầy vẻ quyến rũ của bóng cây mặt nước giao hòa, xao động trong gió xuân, giờ còn là nơi điều hòa không khí cho thành phố trẻ… 
 
Sải bước đến các lễ hội vùng ngoài đê, đi trên những triền đê, du khách được nhìn ngắm, hòa mình vào dòng người trảy hội, được ngắm thỏa thích những dải đầm dài miên man dưới chân đê của xứ sở sen thơm, nhãn ngọt. Và đừng quên đến với lễ hội chùa Hiến để ngắm cây nhãn cổ - cây nhãn tổ - cây nhãn tiến, cây nhãn góp phần làm nên thương hiệu “Dù ai buôn bắc bán đông/Đố ai quên được nhãn lồng Hưng Yên”…
 
Du khách trảy hội cũng có thể đến thăm cả khu mộ cổ ở Hoa Dương để thấy những dấu tích của người ngoại quốc: Hoa, Hà Lan, Nhật, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp … cách nay trên 300 năm đã từng cư trú, làm ăn, buôn bán lập thương điếm ở đây... 
 
Giao hòa cùng thiên nhiên, tìm về cội nguồn, cầu mong năm mới “mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt”, “gia đình ấm no hạnh phúc” là những điều giục giã, mời gọi mỗi người về với các lễ hội dân gian Phố Hiến. 
 
                Bùi Thị Phấn
Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa
(Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét