Thứ Tư, 17 tháng 5, 2017

Độc đáo hai khóm rừng cổ thụ ở Hưng Yên

Ở Hưng Yên có 2 khóm rừng rất độc đáo gắn với 2 di tích quốc gia. Những khóm rừng này có nhiều cổ thụ thân lớn, vươn cao, tán lá xòa rộng, mang vóc dáng kỳ dị càng làm tôn thêm vẻ cổ kính, linh thiêng cho di tích. 
 
Khóm rừng si cổ thụ"độc nhất vô nhị" ở Chí Tân
 
Một góc khóm rừng si cổ thụ ở đền Cót, xã Chí Tân
Một góc khóm rừng si cổ thụ ở đền Cót, xã Chí Tân
Đền Cót, xã Chí Tân (Khoái Châu) tọa lạc giữa một không gian thoáng đãng ngoài đê sông Hồng. Ngôi đền khiến bất cứ ai lần đầu đến chiêm bái đều có cảm giác choáng ngợp! 
 
Choáng ngợp bởi khu di tích cấp quốc gia này được che phủ, bao quanh bởi quần thể những cây si cổ thụ già cỗi mọc dày đặc, tưởng như đền đang bồng bềnh giữa chốn bồng lai, nhìn rất lạ và độc đáo. Từng thăm quan nhiều di tích nhưng chúng tôi chưa bao giờ được mục sở thị khóm rừng si cổ hùng vĩ và quý hiếm như ở đền Cót. Đây có lẽ là khóm rừng si cổ thụ "độc nhất vô nhị" của Hưng Yên ngày nay.
 
Theo các nhà bảo tàng học, khóm rừng si ở đền Cót hiện là một trong những cây có tuổi thọ cao nhất ở Hưng Yên. 
 
Khóm rừng si này được thiên nhiên ban tặng những đặc điểm rất độc đáo. Một cổng vào ngôi đền được hình thành nhờ cắt tỉa bộ rễ si um tùm, nom rất ấn tượng và thơ mộng. Có khóm si trông tựa như ông tiên phúc hậu, chùm râu bạc phất phơ. Có khóm si nom giống con rồng đang bay. Lại thấy khóm si có cây gạo cổ thụ mọc tít trên ngọn, mùa này đang nở hoa đỏ, lấp lánh như những  ánh đèn thắp trên không trung. Trong rừng si rậm rạp, có chùm rễ từ thân cây lao thẳng xuống, bám vào đất. Có rễ vắt vẻo từ cây nọ sang cây kia như cánh tay người khổng lồ đang vươn ra. Có những rễ cây to một vòng tay người ôm. Lại có những chùm rễ nhỏ lơ thơ rủ xuống mặt đất…
 
Ông Bùi Xuân Kỷ, Phó ban quản lý Di tích đền Cót, năm nay đã 85 tuổi kể rằng,  khóm rừng si này quanh năm tươi tốt.  Vào mùa quả chín, chim chóc suốt ngày ríu rít, lóc chóc trong tán lá. Theo truyền ngôn, khóm rừng si này có từ thời Lý, cách ngày nay ngót một nghìn năm. Do ở khu vực ngoài đê sông Hồng, về mùa nước, các gốc si già cỗi thường bị mục ruỗng. Những cây si bây giờ là những rễ cây hậu duệ bao đời của những cây đời trước nối tiếp nhau sinh sôi, qua nhiều năm đã trở thành một khóm rừng si um tùm rậm rạp. 
 
Đền Cót gắn với sự tích anh hùng của buổi đầu giữ nước, dựng nước của dân tộc. Đền thờ Đức Linh Lang Đại Vương có công đánh giặc vào thế kỷ XI, được tôn phong danh hiệu “thượng đẳng thần”. Tương truyền, khi xưa, Đức Linh Lang trên đường đánh trận qua vùng này gặp dân làng bị dịch đậu mùa hoành hành. Hay tin, Đức Vương cùng quan quân chữa chạy cho dân. Song không may Đức Vương và một số quân sĩ bị lây bệnh, nhân dân đã quây cót, lợp mái lá để che gió chữa bệnh cho ngài. Khi Linh Lang mất, dân làng lập đền thờ và nhớ chuyện xưa nên đặt tên đền là đền Cót. Rừng si cổ ken dày bao quanh ôm lấy ngôi đền, giống như những tấm cót quây giường bệnh Đức Vương thuở trước.
 
Ngày nay, sau bao biến đổi của lịch sử và tự nhiên, khóm rừng si ở đền Cót vẫn xanh tốt, rậm rạp tỏa bóng xung quanh đền, khiến cảnh quan ngôi đền thêm thanh u, tĩnh mịch.
 
Khóm rừng “mini” ở cửa ngõ thành phố Hưng Yên
 
Toàn cảnh đền Tân La
Toàn cảnh đền Tân La
Đền Tân La là di tích lịch sử văn hóa quốc gia hiếm có tại Hưng Yên khi được bao bọc bởi rừng cây rậm rạp, um tùm, có những cây nhiều người mới ôm xuể. Khóm rừng “mini” này đã góp phần tạo cho ngôi đền cảnh quan sinh động, tươi tốt, kỳ thú, bốn mùa có màu xanh của cây cối che phủ. Đền nằm ngay cửa ngõ phía bắc của thành phố Hưng Yên.
 
Theo thần tích, đền Tân La được xây dựng từ những năm đầu công nguyên, đã được trùng tu nhiều lần, thờ Bát Nàn tướng quân Vũ Thị Thục, một vị nữ tướng xuất sắc của Hai Bà Trưng. Đền tọa lạc trên khu đất rộng, địa thế cao ráo ở xã Bảo Khê.  Bao quanh di tích là ao hồ, ken dày cây cổ thụ nhiều tầng rậm rạp, có những cây có lẽ đã hàng trăm tuổi nhưng vẫn xanh tươi. Thật khó có thể hình dung được cảnh quan đền Tân La sẽ như thế nào khi không còn khóm rừng nhỏ này.
 
Có một điều lạ là chen cùng các cây cổ thụ trong đám rừng tự nhiên này, ngoài những cây thường gặp ở vùng đồng bằng, lại có những cây thường thấy ở những vùng rừng miền núi xa xôi như: song, mái, móc và rất nhiều loài tầm gửi… mọc chen dày, tạo cho cảnh quan nơi đây vẻ khác lạ, như lạc vào chốn sơn lâm. Những buổi trưa hè đến đây nghe tiếng gió thổi lào rào trên vòm lá, không gian đền vắng lặng càng thêm vẻ yên ả, thanh bình.  
 
Tại khu di tích có 3 cây muỗm cổ thụ uy nghi vươn thẳng lên trời. Thân các cây muỗm này  to khoảng  3 vòng tay người ôm.  
 
Cụ Nguyễn Thị Mùi, năm nay đã gần 90 tuổi, nhiều năm làm thủ từ của đền kể rằng, thuở ấu thơ là cô bé đi chăn trâu thuê đã thấy những cây muỗm sừng sững tọa lạc trong đền. Cây đã có tuổi hàng trăm năm, tương truyền rất linh thiêng. Những năm mưa thuận gió hòa, cây muỗm rất sai quả, quả thơm và giòn, hơi chua, vị rất đặc biệt, vào buổi sớm chẳng cần trèo hái, muỗm rụng xuống gốc có thể nhặt được hàng rổ. Trong kháng chiến chống Pháp, đêm đêm du kích thường trèo lên cây dùng loa phóng thanh gọi về bốt Dốc Lã tuyên truyền chính sách khoan hồng của ta, dụ địch ra hàng. Một lần, địch ở bốt Dốc Lã cho lính dõng tấn công vào đền chặt đi một cây muỗm. Ít lâu sau những  tên lính này đều gặp họa sát thân... 
 
Đền mở hội vào mồng 1.3 âm lịch, vào dịp lễ hội, nhân dân trong vùng và khách thập phương về dự rất đông. Theo nhiều người dân địa phương, những cây tầm gửi leo bám ở khóm rừng nhỏ của đền có tác dụng chữa một số bệnh ngoài da như: lở, ngứa... rất hiệu nghiệm. Thế nhưng, không mấy ai tự ý leo trèo, bẻ cành, vặt lá mà đều làm lễ xin... 
 
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Lai, quần thể cây cối ở Đền Tân La được xem như một khu rừng nhỏ  còn sót lại giữa đồng bằng Bắc Bộ. 
 
Cây cổ thụ là cảnh đẹp của làng quê, là linh hồn của mỗi công trình kiến trúc cổ. Mong rằng khóm rừng cây ở những khu di tích trên được tiếp tục gìn  giữ và bảo vệ, để du khách mỗi khi tới chiêm bái, tâm hồn được thanh lọc trong vẻ cổ kính, tôn nghiêm của di tích và màu xanh mát lành của cây cối.
 
Minh Huệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét