(Baonghean.vn) - Một tháng 4 ngày, hàng trăm khung cửi dệt thổ cẩm ở bản Xốp Thập (xã Hữu Lập - Kỳ Sơn) không có một bóng người vì tục kiêng kỵ của bản làng.
Chúng tôi đặt chân đến bản Xốp Thập (xã Hữu Lập - Kỳ Sơn) vào một ngày trời mưa phùn. Bên mái hiên nhà sàn, các mẹ, các chị tụ tập nói chuyện rôm rả. Cánh đàn ông cũng rỗi rãi quanh ấm nước chè tâm sự chuyện mùa màng nương rẫy. Cuộc sống dường như chậm lại trong cơn mưa phùn rả rích của tháng Năm. Hôm ấy đúng vào ngày 22 âm lịch.
Người dân bản Xốp Thập (xã Hữu Lập - Kỳ Sơn) không được dệt cửi vào ngày kiêng kỵ. Ảnh: Đào Thọ
|
Quan sát thấy các khung cửi đang dở dang với những tấm thổ cẩm màu sắc sặc sỡ, chúng tôi thực sự ngạc nhiên. Khi đem thắc mắc này hỏi lại thì chị Kha Phôm Ma - chi hội trưởng phụ nữ bản Xốp Thập cười nói: “Ngày kiêng mà, có ai được làm việc đâu. Cứ mỗi tháng có 4 ngày mọi người phải kiêng kỵ không được dệt thổ cẩm và lên nương phát rẫy”.
Phụ nữ bản Xốp Thập ngồi chơi bên hiên nhà vì không được dệt thổ cẩm vào ngày kiêng kỵ. Ảnh: Đào Thọ |
Bản Xốp Thập có nghề dệt thổ cẩm truyền thống lâu đời trên mảnh đất biên viễn huyện Kỳ Sơn. Nơi đây tập trung 100% người Thái sinh sống. Toàn bản có 105 hộ thì tất cả đều tham gia dệt thổ cẩm. Trung bình mỗi nhà có đến 2 khung cửi và cho thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo chị Kha Phôm Ma, vào các ngày mùng 7,15,22,30 (âm lịch) hàng tháng, phụ nữ trong bản không được ngồi vào khung cửi, đàn ông không được lên nương phát rẫy. Tục kiêng kỵ này đã có từ thời xa xưa và không ai được phép làm trái.
Những ngày này, bên khung cửi chỉ có đám trẻ chơi đùa. Ảnh: Đào Thọ |
Tò mò chúng tôi đến gặp già làng Lương Tểnh Phút để tìm hiểu rõ điều này. Ông Lương Tểnh Phút năm nay tuổi đã ngoại lục tuần nhưng giọng nói còn sang sảng. Ông cho hay, tục kiêng kỵ này chỉ dành riêng cho 4 ngày âm lịch trong tháng, còn những ngày khác thì mọi người vẫn làm việc bình thường. Việc này có từ thời xa xưa khi người Thái khăng đến định cư lập nghiệp ở mảnh đất Hữu Lập.
Những tấm thổ cẩm màu sắc sặc sỡ của phụ nữ bản Xốp Thập. Ảnh: Đào Thọ |
Theo lời ông kể thì từ thời cha ông, khi bắt đầu có nghề dệt thổ cẩm, vào các ngày trên, người Thái khăng cứ ngồi vào khung cửi là bị ốm đau, có làm ra được sản phẩm mang đi bán cũng không bán được, có khi còn mất mát nhiều hơn. Lên nương phát rẫy thì chặt phải tay chân hay bị thú rừng tấn công. Từ đó, bản làng đặt ra tục kiêng kỵ trong các ngày ấy không ai được làm việc. Tuy nhiên sau này vì cuộc sống mưu sinh nên việc không đi phát rẫy cũng dần được loại bỏ, còn dệt thổ cẩm thì phải tuyệt đối kiêng kỵ.
Có thể thấy rằng, tục kiêng kỵ của người Thái khăng ở bản Xốp Thập tuy có nhiều nét mang màu sắc tâm linh nhưng chính điều đó đã làm nên bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc này ở miền Tây xứ Nghệ.
Đào Thọ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét