(Baonghean) - “Hiệc vắn lống” hay còn gọi là gọi vía, khác với làm vía buộc chỉ cổ tay ở chỗ “hiệc vắn lống” là gọi vía lưu lạc khi ốm đau bệnh tật, tai nạn hay khi phụ nữ sinh nở…. Theo quan niệm của người Thái, khi ốm đau, sinh nở hay đi xa về, thường vía không về theo mà còn vương vất ở nơi xa, vì thế khi về đến nhà thường phải làm lễ gọi vía để về với thể xác, để vía không đi lang thang...
Theo cụ Xên Văn Quản (80 tuổi), bản Phòng, xã Thạch Giám (huyện Tương Dương) cho biết: “Hiệc vắn lống” được làm trước khi làm lễ buộc chỉ cổ tay. Để làm lễ, gia chủ cần chuẩn bị vợt xúc cá, người Thái gọi là “vính”, củi, hoặc đuốc vẫn còn đỏ lửa, gọi là “tuân phi”, ép xôi, gọi là “ ép khàu”, muối gói bằng lá chuối rừng, ít gạo nếp gói trong túi vải, gọi là “khàu xở tạy”, 1 con gà con đựng trong giỏ tre, hoặc nứa, người Thái gọi là “cày xở xòong”. Đặc biệt, không thể thiếu trong lễ gọi vía là áo của người được gọi vía. Người Thái cho rằng áo là vật tượng trưng cho con người và hồn vía sẽ theo cái áo đó mà trở về với thể xác của nó. Cụ Quản cho biết thêm: “Sở dĩ phải chuẩn bị những thứ đó là vì, thường vía người ốm đau hay đi xa còn lang thang, lưu lạc, không tìm được đường về với thể xác. Do đó, thầy mo phải dùng gà để gọi, vía sẽ dùng gạo nếp, ép xôi, gói muối đi đường vào vợt xúc cá, theo khói, ánh lửa từ thanh củi để về với thể xác, khi vía đã về với thể xác, thầy mo mới làm lễ “hằng vắn” buộc chỉ cổ tay được”.
Thầy mo gọi vía ven đường. |
Khi tất cả các thứ đã được chuẩn bị đầy đủ, thầy mo sẽ mang ra bờ sông, hay chân núi, bên đường làng, đường cái, địa điểm để thực hiện “hiệc vắn” (gọi vía) tùy vào trường hợp người được gọi vía. Người ốm đau, nằm viện về hay sinh nở, đi xa về thì “hiệc vắn” bên đường, người gặp rủi ro, tai nạn thì “hiệc vắn” bờ sông, bờ suối, chân núi… Khi “ hiệc vắn”, thầy mo sẽ làm lễ, đại loại: “Hôm nay, ngày lành, tháng tốt, gia chủ chúng tôi tên là…
Có gạo nếp, ép xôi, có gà bỏ gíỏ, có muối bỏ lá.
Đến đây gọi vía về với thể xác.
Từ nay không đi lang thang, không vất vưởng đây đó.
Không ở sông, ở suối, lèn đá, chân núi cao.
Mà về với chủ, phù hộ cho chủ, tránh ốm đau, bệnh tật.
Tránh đi tai ương rình rập.
Mo không biết nói hay, nói nhiều.
Mo chỉ nói lời trần, lời tục.
Vía không được nói không thấy, không biết lời mo gọi.
Có gà có gạo các thứ lễ.
Đến đây để đón, để rước vía về.
Vía hãy theo lời mo, tìm khói đuốc để về.
Từ nay quên đường hư, lối xấu mà nhập vía về thể...
Khi thầy mo làm lễ xong, sẽ nhặt một hòn đá mang về, hòn đá đó được xem như là vía mang về. Về đến chân cầu thang, thầy mo mời vía lên nhà đại loại “Đã tìm thấy vía, vía hãy về với thể của mình. Từ nay vía không được bỏ thể để đi. Về nhà vía ơi…”. Trên cầu thang người nhà và người được “hiệc vắn” chờ sẵn ở đó để đón vía vào nhà, vào nơi mình ngủ. Khi đã đón được vía vào nhà, người nhà mới tiếp tục chuẩn bị lễ làm vía buộc chỉ cổ tay.
Tục làm vía đã tồn tại trong đời sống đồng bào dân tộc Thái từ rất lâu. Làm vía thực chất là việc anh em họ hàng động viên, khích lệ người được làm vía để họ phấn chấn, vui vẻ vượt qua những tai ương trong cuộc sống, là cách cộng đồng thể hiện sự quan tâm đến một cá nhân nào đó theo tinh thần "mọi người vì một người". Gạt đi những hủ tục còn ít nhiều rơi rớt, phần tốt đẹp của phong tục này chính là sự cố kết cộng đồng, buổi làm vía là nơi mọi người gặp nhau, chuyện trò, thắt chặt hơn tình cảm anh em, tình cảm xóm giềng.
Bài, ảnh: May Huyền
(Đài Tương Dương
Độc đáo tục gọi vía về ăn Tết
.
(Baonghean.vn) - Gọi vía về ăn Tết dịp cuối năm là một sinh hoạt tinh thần phổ biến của người vùng cao, khiến không khí ngày Tết thêm phần ấm áp, linh thiêng.
Năm nay tròn 55, vừa bước vào tuổi có thể nhập hội người cao tuổi nhưng bà Vi Thị Dung (Chi Khê – Con Cuông) mới tập tành nghề mo. Chỉ còn 3 ngày nữa là đêm giao thừa, bà tổ chức lễ gọi vía con cháu về ăn Tết. Gọi vía là bài tập đầu tiên của một thầy cúng và cũng là lần đầu tiên bà Dung làm lễ này cho gia đình anh con trai trưởng. Năm nay, gia đình anh con trai có thêm thành viên mới là một cô bé bụ bẫm, kháu khỉnh nên lễ gọi vía càng có ý nghĩa quan trọng.
Trong quan niệm tâm linh của nhiều cộng đồng vùng cao, trước khi thành mo, người tập sự nhất thiết phải học trước một bài cúng vía. Gọi vía về ăn Tết thường là bài cúng đầu tiên được những người mới học việc lựa chọn. Đây là bài vỡ lòng dễ học nhất. Người truyền thụ thường là một thầy mo có tiếng trong vùng nhưng bà Dung đã học những bài cúng từ trước đây khá lâu qua những lần nghe người già trong bản gọi vía.
Thế nhưng, dịp để được nghe bài cúng gọi vía chỉ có thể học vào dịp cuối năm khi các thầy cúng có tiếng làm lễ cúng vía trong gia đình. Vì vậy phải mất khá nhiều năm và hỏi thêm các thầy cúng là người già trong bản bà mới nhớ hết được bài cúng. Đến Tết Đinh Dậu này, khi cảm thấy tự tin với khả năng của mình, bà mới tự tổ chức lễ cho gia đình mình.
Lễ cúng vía ngày tết của người Thái vùng cao Nghệ An. Ảnh: Bun My |
Vì bận lo cho cái tết nên lễ gọi vía cuối năm bị nhiều người xem nhẹ, chuẩn bị vội vã. Còn với bà mo tập sự này đã chuẩn bị khá kỹ. Trước đó cả tháng trời, con gà sống đẹp nhất trong chuồng đã được lựa chọn. Bà Dung quan niệm, với lễ gọi vía đầu tiên cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Sự chỉn chu còn thể hiện lòng thành tâm của mình với các đối tượng tâm linh đó là hồn vía của con cháu bà. Nhất là trong nhà vừa có một đứa trẻ mới sinh ra, có thể hồn vía của nó còn lang thang đâu đó chưa về nhà trong cái Tết đầu đời của mình. Tất nhiên bà cũng hiểu rằng, lễ cúng vía chỉ mang ý nghĩa động viên tinh thần nhưng cũng rất quan trọng khi năm hết Tết đến.
Trong quan niệm của bản làng, hồn vía cũng quan trọng như thể xác con người, có được chăm sóc, quan tâm chu đáo thì nó mới khỏe mạnh. Hồn vía khỏe mạnh, thể xác mới bình an. Trong cuộc sống một con người có rất nhiều vía. Trong bài cúng người Thái có câu hú gọi 30 vía chỏm tóc, chín trăm vía đầu. Đó là câu cúng mang ý nghĩa tượng trưng nhiều hơn là để nói lên số lượng. Trong quan niệm người Thái, mỗi bộ phận trên cơ thể con người đều có một hồn vía. Trong cuộc mưu sinh lên rừng, xuống biển, đi xa, đi gần làm ăn, học hành, chơi đùa có thể một phần vía nào đó đang đi lạc. Lễ này nhằm gọi tất cả hồn vía trên cơ thể của mọi người trong nhà về cùng vui Tết.
Trong không khí bản làng buổi chiều ngày cuối năm, đâu đó thấp thoáng bóng những bà mo đứng ở các ngã rẽ trong bản gọi vía cho con cháu là một hình ảnh thường gặp ở vùng cao. Nó khiến không khí ngày cuối năm như ấm áp hơn và cũng vì thế mà không kém phần linh thiêng, trang trọng. Sau lễ gọi vía ngoài trời, buổi lễ cúng nữa được tổ chức trong nhà để mời vía ăn cơm. Với bà Dung, trong lần đầu tiên tổ chức gọi vía cho con cháu sẽ là một gạch nối giúp bà trưởng thành hơn để đảm nhận công việc tâm linh trong cộng đồng. Còn với những đứa trẻ, khi chúng lớn lên lễ gọi vía cuối năm sẽ dần thành những ký ức đẹp về những cái Tết dưới thời thơ ấu.
Với nhiều gia đình, lễ gọi vía cuối năm đang dần trở nên thưa thớt trong đời sống tinh thần những dịp cuối năm. Họ là những gia đình hạt nhân chỉ có một vợ một chồng, phải gửi con cái lại cho ông bà nội ngoại trông giúp để đi làm ăn xa, sát ngày đón giao thừa mới trở về nhà. Họ không kịp tổ chức lễ gọi vía cho con cháu mà vội vã đi sắm tết. Đó là một điều bình thường trong cuộc sống hiện đại. Nhưng nó khiến bầu không khí ngày tết vùng cao thiêu thiếu một điều gì đó.
Bun My)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét