Thứ Hai, 4 tháng 3, 2019

Cổ kính và thanh bình quê hương Hải Hậu

Sầm uất nhất ở Hải Hậu có lẽ là thị trấn Yên Định. Phố chợ Đông Biên từ thời Pháp đã nổi tiếng với những dãy nhà kiến trúc theo lối Tây và những món ăn chơi thanh lịch. Bánh khảo (bánh in), bánh nhãn Yên Định thời đó được xếp vào loại thức ăn ngon, quý. Bánh ngon không chỉ vì gạo nếp Hải Hậu có chất lượng mà còn vì cái tính tỉ mỉ, cầu kỳ của người dân trong thú vui chế biến các món nhâm nhi. Bánh nhãn tròn như viên bi, có màu vàng sẫm như quả nhãn nhìn thấy đã thèm. Nguyên liệu chính làm bánh nhãn là mỡ heo, gạo nếp, trứng gà, đường kính được chọn lọc kỹ càng. Nếp phải là nếp bắc, nếp cái dóc, nếp hương. Nếu lẫn nếp khác sẽ làm hỏng bánh. Trứng gà phải thật tươi, tuyệt đối không được dùng trứng vịt thay thế, nếu không bột bánh sẽ không nổi, dễ cháy, không ngon. Riêng mỡ heo phải rán thành nước đựng trong đồ sành, không được pha mỡ khác hoặc dầu thực vật. Đường phải trắng cũng phải mới để làm cho bánh mềm nhưng giòn tan, giữ độ bóng, tạo cảm giác ngọt mát khi thưởng thức.
Lễ hội
Nhà cổ ở phố chợ Đông Biên giờ không còn nhiều song bánh nhãn, bánh khảo vẫn là món đặc sản mà ai đến đây cũng mua một ít làm quà. Những lễ hội truyền thống vẫn được tổ chức hằng năm. Đặc biệt nhất là màn đi cà kheo của dân vùng biển diễn ra ở chùa Lương (hay còn gọi là chùa trăm gian) được xây dựng vào cuối thế kỷ XV, khi việc quai đê lấn biển đã giành nhiều kết quả. Thời đó, khi đời sống vật chất của dân cư dần dần ổn định, bốn ông tổ cùng các dòng họ lại dồn sức chăm lo đời sống tinh thần: xây dựng đền chùa, bắc cầu, mở chợ.
Một góc chùa Lương
Ngôi chùa hiện tại có quy mô gồm 100 gian, mang phong cách kiến trúc dân tộc qua nhiều thời đại, nhưng đậm nét vẫn là phong cách của hai thế kỷ XVII và XVIII. Chùa dựng trên thế đất đẹp. Trước chùa là hồ nước trong xanh như tấm gương in bóng tam quan cùng các cây cổ thụ. Vật liệu xây tường, lợp mái được dùng là gạch Bát Tràng và ngói ta. Cách chùa Lương khoảng 100m, nằm ngay trên con đường dẫn vào chùa, cầu Ngói gắn với ngôi chùa thành một cụm di tích. Cùng niên đại xây dựng với chùa Lương, cầu Ngói mà người dân Hải Hậu quen gọi là cầu Ngói chợ Lương (vì cầu ở liền chợ) là một trong số mười chiếc cầu cổ nhất ở đây. Chín cây cầu kia đều bằng đá, kiến trúc cũng đơn giản, mục đích là để đi lại thuận tiện. Còn cầu Ngói ở gần chùa, gần chợ là nơi thường diễn ra lễ hội nên được làm cầu kỳ, đặc sắc.
Cầu Ngói
Một nhà thờ ở Hải Hậu
Không chỉ có thế, ở Hải Hậu còn có rất nhiều nhà thờ, đến làng nào cũng có giáo đường lớn nhỏ cổ kính. Có chỗ, đối diện qua con đường là hai nhà thờ với hai lối kiến trúc khác nhau nhưng đều đẹp đẽ và trang nghiêm.
Thành Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét