Được công nhận là Di sản văn hóa cấp quốc gia, đình Thượng Phúc có quy mô lớn, kiến trúc theo kiểu tiền chữ nhất, hậu chữ công. Tòa bái đường năm gian, được xây theo kiểu hồi văn năm đấu, khung kiến trúc kiểu lòng thuyền tứ trụ, chất liệu toàn gỗ lim chạm trổ tinh xảo các đề tài tứ linh xen với tứ quý. Tòa trung đường ba gian cuốn vòm mái lợp ngói, tòa ống muống cuốn vòm, hệ thống cột dạng bổ trụ đắp gờ chỉ và hình các con dơi, tòa hậu cung xây theo kiểu chồng diêm cổ các ba tầng cao hơn 10m, bờ nóc đắp ngạc long ngậm đại bờ, đao trang trí hình tượng song loan, cổ lâu đắp nổi phù điêu nội dung tứ linh và dây hoa lá cách điệu.
Đình Thượng Phúc
Đình thờ các vị thành hoàng như Đông Hải đại vương, Nam Hải đại vương, Bạch Y tôn thần, theo truyền thuyết đều có công với đất nước. Nằm giữa thôn xóm yên bình và những tán cây lâu năm, đình Thượng Phúc có một vẻ đẹp trang nghiêm mà thanh nhã.
Kiến trúc cổ trong đền
Cách đó không xa là làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm ở bên hữu ngạn sông Ðồng Giang. Làng có đền Đồng Xâm thờ vị tổ nghề chạm bạc cổ truyền cùng hệ thống đình chùa nằm bên sông. Đền rộng gần 10.000m2 với nhiều kiến trúc đẹp như vọng lâu, thủy tạ, hoành mã, sân tế, tòa tiền tế, phương đình, tòa điện thờ, hậu cung… Thủy tạ là một ngôi nhà hình lục lăng có sáu cửa vòm quay ra các hướng, từ đây du khách có thể ngắm được toàn cảnh sân tế và các đường thuyền đua tấp nập trên sông khi có lễ hội.
Đền Đồng Xâm
Tòa tiền tế của ngôi đền gồm năm gian, cao 13 mét có kiểu dáng bề thế. Nối liền tòa tiền tế với hậu cung là tòa điện trung tế. Phía hiên ngoài hậu cung được bài trí hài hòa bằng những đại tự, cuốn thư, câu đối cùng hệ thống y môn gỗ chạm. Hệ thống cánh cửa khay soi ở ba gian trung tâm của tòa hậu cung được chạm thủng với đề tài bát bửu, hoa văn, dây lá, chữ triện. Gian thờ đặt tại đây cũng là một tác phẩm độc đáo mang nét đặc thù của làng nghề chạm bạc, đồng. Gian thờ được phong kín bằng những lá đồng chạm thủng với các đề tài khác nhau như tứ linh, tứ quý… Trong đó đặt hai bức tượng kích thước tương đương người thật và đều được đúc bằng đồng khảm vàng, bạc, thiếp bạc.
Nhà thờ Tổ trong đền
Cũng như nhiều nghề thủ công cao cấp khác như đúc đồng, luyện kim… nghề kim hoàn mang lại thu nhập cao cho người thợ, kỹ thuật lại hết sức phức tạp, nên suốt mấy trăm năm người Ðồng Xâm luôn giữ bí mật về nghề. Ðến nay, kỹ thuật này không còn là độc quyền của thợ Ðồng Xâm nữa, nhưng một số thủ pháp kỹ thuật và nghệ thuật tinh xảo nhất vẫn được giữ bí truyền. Phường chạm bạc xưa đã quy định chặt chẽ trong hương ước của làng rằng: Người nào đem bí quyết nghề truyền dạy cho nơi khác, cho người làng khác, hay làm đồ giả để lừa người khác, gây sự bất tín thì phải phạt thật nặng… hoặc đem đánh đòn trước nhà thờ Tổ, hoặc phải xóa tên trong phường.
Trong sân đình
Có thể nói, nếu đình Thượng Phúc là hình ảnh tiêu biểu cho vẻ đẹp làng quê Thái Bình thì đền Đồng Xâm cũng được xem như một bảo tàng nhỏ cho nghệ thuật chạm khắc gỗ, đá, kim loại, đắp vữa của Việt Nam thời Nguyễn.
Nét cổ kính
Thành Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét