(QNĐT)- Mộ và đền thờ Bùi Tá Hán tọa lạc tại phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là nơi thờ tự và tưởng vọng một trong những nhân vật lịch sử có công lớn trong sự nghiệp kinh dinh vùng đất phía nam đèo Hải Vân nói chung, tỉnh Quảng Ngãi nói riêng.
Bùi Tá Hán (dân gian quen gọi là Trấn Quận công, Trấn Công, Ông Trấn), sinh năm Bính Thìn - 1496 ở Châu Hoan, nay thuộc tỉnh Nghệ An.
Đền thờ Bùi Tá Hán |
Đầu thế kỷ XVI, nhà Lê suy yếu, chính trị rối ren, Mạc Đăng Dung nhân đó cướp ngôi, dựng lên nhà Mạc (1527). Sĩ phu nhà Lê nhiều người không chịu thần phục họ Mạc, chiêu tập nghĩa binh, dựng cờ "Phù Lê diệt Mạc". Các lực lượng chống Mạc dần dần quy tập dưới cờ Nguyễn Kim (1468 – 1545), một cựu thần nhà Lê, nổi lên từ Châu Ái (nay là tỉnh Thanh Hóa), trong đó có Bùi Tá Hán.
Sau khi nhà Lê được khôi phục (sử gọi là thời Lê Trung Hưng), năm Ất Tỵ (1545), dưới triều vua Lê Trang Tông, Bùi Tá Hán được giao nhiệm vụ bình ổn vùng Thừa tuyên Quảng Nam (nay là địa phận Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định) và ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Triều đình phong cho ông chức Đô tướng dinh Quảng Nam, sau thăng Bắc quân Đô đốc Phủ chưởng phủ sự, tước Thiếu bảo Trấn quận công, và ông giữ chức nầy cho đến ngày tạ thế (1568).
Lăng Bùi Tá Hán |
Lúc bấy giờ dinh Quảng Nam là miền biên trấn, đồng thời là vùng bàn đạp trong công cuộc Nam tiến của người Việt. Trong suốt thời gian quản lãnh nhiệm vụ ở đây, Bùi Tá Hán đã thực thi nhiều chính sách thích hợp, khuyến khích sản xuất, ổn định đời sống người dân, sửa đổi nếp sinh hoạt và phong tục theo hướng tiến bộ, phát triển giao thương, giữ sự giao hòa giữa người Kinh và các tộc người thiểu số.
Bùi Tá Hán chính là người chủ trương đặt một số đồn binh và đắp các đoạn lũy ở mạn tây Quảng Nam, Quảng Ngãi để vừa kiềm phòng, vừa tạo điều kiện cho sự giao thương ổn định giữa miền xuôi và miền ngược. Vì các đoạn lũy nầy chỉ dài khoảng từ 2 đến 4 dặm và chạy ngắt quảng theo chiều bắc - nam, nên gọi là Đoạn Trường Lũy.
Đầu thời nhà Nguyễn, khi nhận trọng trách đắp Tĩnh Man Trường Lũy, xây dựng hệ thống cơ bảo của Lục kiên cơ, một người Quảng Ngãi khác là ông Lê Văn Duyệt (1764 – 1832) đã dựa rất nhiều vào hệ thống đồn bảo và các đoạn lũy thiết dựng từ thời Bùi Tá Hán.
Đến nay, ở vùng miền tây Quảng Ngãi vẫn còn dấu vết một số vườn cây ăn trái mà dân gian gọi là Vườn Ông Trấn. Đây chính là những vườn cây do dân lân và binh lính, theo lệnh của Bùi Tá Hán, trồng lên chung quanh các đồn, bảo để mọi người cùng hưởng lợi.
Tượng Bùi Tá Hán |
Từ thời kỳ trấn nhậm của Bùi Tá Hán, vùng đất Quảng Nam ngày càng thịnh vượng, trở thành chỗ dựa vững chắc của chúa Nguyễn sau này, cung cấp nhân tài vật lực cho sự nghiệp mở mang bờ cõi về phương Nam.
Bùi Tá Hán mất năm 1568, không rõ nguyên nhân. Dân gian thì tin rằng ông đã hiển thánh cùng với con ngựa quý, chỉ để lại tấm áo bào có vết máu tươi, như lời văn còn truyền tụng:
Nhân mã bất tri hà xứ khứ
Huyết y trường dữ thử bi lưu.
(Người ngựa đi đâu nào thấy bóng
Áo bào thấm máu để ngàn sau)
Sau khi mất, Bùi Tá Hán được truy tặng tước Thái bảo. Năm Minh Mạng thứ 13 (Nhâm Thìn - 1832), lại được gia phong Khuông quốc Tịnh biên Thọ đức thượng đẳng thần.
Lăng mộ Bùi Tá Hán tọa lạc tại khu rừng Cầy, làng Thu Phổ. Tương truyền khi ông mất, người dân tìm thấy mảnh áo bào nhuốm máu còn lưu lại bèn đem chôn cất, xây lăng, đổi gọi rừng Cầy là rừng Lăng để tỏ làng tôn kính.
Năm Tự Đức thứ 18 (Ất Sửu -1865), Sơn phòng Tiểu phủ sứ Nguyễn Tấn (1822 – 1871) cùng các ông Nguyễn Biểu, Nguyễn Mỹ, Kiều Lâm xây dựng lại lăng mộ và dựng bia, trên bia khắc dòng chữ: “Cố Lê Bắc quân Đô đốc Trấn Quận công chi mộ” (Mộ Bắc quân Đô đốc Trấn Quận công của triều cũ nhà Lê).
Đền thờ ông tọa lạc trên đỉnh núi Phước, bên hữu ngạn sông Trà Khúc, về sau gọi là núi Ông. Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn (Quyển VIII – tỉnh Quảng Ngãi) chép: “Đền Bùi Trấn Công: ở xã Thu Phổ, huyện Chương Nghĩa, thờ Bùi Tá Hán, là công thần thời đầu bản triều”. Còn Trương Quốc Dụng (từng giữ chức Án Sát sứ tại Quảng Ngãi) trong sách Thoái thực ký văn thì gọi là “Quảng Ngãi Đại vương đền”. Năm 1962, khi xây dựng Nhà máy Đường Thu Phổ, đền thờ được dời vào Rừng Lăng, nay thuộc phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi.
Đền thờ khang trang, bề thế, chính điện có đặt pho tượng Bùi Tá Hán, dáng vóc phương phi, đỉnh đạc. Văn bia tại đền thờ (lập năm Duy Tân thứ 7-1913) và sách Quảng Ngãi tỉnh chí (Tuần vũ Nguyễn Bá Trác chủ trương biên soạn -1933) cho biết: Trong một dịp Bùi Tá Hán đi vào đất Phú Yên, có nhà sư gặp ông, nhìn thấy phong độ khác thường, tỏ lòng quý mến, bèn đẽo gỗ tạc tượng chân dung ông và viên tướng theo hầu, đặt lên ngai thờ trong một ngôi chùa trong núi.
Bức liễn với 4 chữ “Giang Sơn hộ trì” do Tuần vũ Nguyễn Tiến Hối và Án sát Phạm Liệu tiến cúng năm 1916. |
Về sau, đến đời vua Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786), quan Đô ty họ Nguyễn, vốn người làng làng Hòa Vinh (Quảng Ngãi), nhìn thấy bức tượng, hỏi rõ duyên do, rồi báo cho các quan phủ Quảng Ngãi xin phép nhà chùa thỉnh 2 pho tượng về quê, sau đó tư sức dòng tộc Bùi và dân làng Thu Phổ rước về thờ. Xích Y thị (Người áo đỏ) là một bộ tướng của Bùi Tá Hán. Dựa vào trang phục và vóc dáng pho tượng các nhà nghiên cứu cho rằng ngài Xích Y là một người thiểu số.
Đền thờ Bùi Tá Hán còn lưu giữ 24 sắc phong của các đời vua nhà Tây Sơn (Cảnh Thịnh) và nhà Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định), trong đó có 9 sắc phong cho ông, 7 sắc phong cho Xích Y thị, 8 sắc phong cho Bùi Tá Thế - con trai Bùi Tá Hán, danh tướng triều Lê.
Một số người trong tộc họ Bùi còn cho biết, trước đây nhà thờ còn lưu giữ một sắc phong đời Gia Long, nhưng đã bị thất lạc. Ngoài ra còn có nhiều liễn đối phúng điếu và thơ ngợi ca công đức Bùi Trấn công của các quan lại đầu tỉnh cùng các bậc túc nho như Hiệp Đức hầu Lưu Đình Luyện, Tiến sỹ - Án sát sứ Quảng Ngãi Trương Quốc Dụng, Tuần vũ Quảng Ngãi Huỳnh Côn, Tuần vũ Quảng Ngãi Lê Từ...
Tài liệu khảo cứu cho biết, Bùi Tá Hán còn được thờ phụng ở nhiều nơi trong tỉnh như đình An Hải (Lý Sơn), chùa Tam Thanh (Mộ Đức); điện Trường Bà (Trà Bồng), đền Ông Bùi (Sơn Hà)... Ngoài tỉnh, dọc theo vùng đất từ phía nam đèo Hải Vân trở vào có nhiều đền miếu phối thờ Trấn Quận công như đền Tam Thanh (Điện Bàn, Quảng Nam), đình Nam Chơn (TP Hồ Chí Minh)...
Đến nay, ở nhiều vùng miền tây Quảng Nam, Quảng Ngãi trong các dịp cúng tế các vị bô lão vẫn thường cung thỉnh Bùi Tá Hán (với danh vị tôn xưng là ông Trấn Bắc) liền sau thần Nông và thần Tắc (thần Lúa).
Từ Bùi Tá Hán, dòng họ Bùi truyền đời lập nghiệp tại Quảng Ngãi, có nhiều người thành danh, lưu tên trong sử sách (như Tứ Dương hầu Bùi Tá Thế, Thu Giang Bùi Phụ Phong...), nổi tiếng là một dòng tộc thượng võ.
Bùi Tá Hán sinh quán ở châu Hoan (Nghệ An) nhưng có công lớn với vùng đất Quảng Ngãi, là thủy tổ của tộc Bùi ở đây, nên Quốc sử quán triều Nguyễn xem ông là danh nhân tỉnh Quảng Ngãi và ca ngợi sự nghiệp cai quản “chú trọng ban ơn huệ, khoan hòa với quân dân, trăm họ yêu mến”.
Sơn phòng tiểu phủ sứ Nguyễn Tấn khi viết tập sách nổi tiếng “Phủ Man tạp lục” đã đặt Bùi Tá Hán ở vị trí đầu tiên trong số những nhân vật góp công lớn vào sự nghiệp kinh dinh vùng đất phía tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
Di tích mộ và đền thờ Bùi Tá Hán được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, tại Quyết định số 168 – VH/QĐ ngày 2/3/1990.
Quảng Ngãi, 21/6/2012
Lê Hồng Khánh
Cái thiêng ở đền cụ Bùi
(Báo Quảng Ngãi)- Có thể quan niệm về cái thiêng ngày nay có khác với ngày xưa. Và đền cụ Bùi Tá Hán dù quan niệm về cái thiêng thế nào thì sự tồn tại ấy đến ngày nay cũng nhờ phần nhiều ở cái thiêng.
Trước hết, chúng ta cần nhớ rằng “sinh vi tướng, tử vi thần” (sống là tướng, chết là thần) là một quan niệm phổ biến, ít ra là ở người Việt. Chẳng hạn Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, sau khi từ trần đã được thờ như thần, người đời tôn kính gọi là Đức Thánh Trần. Quan niệm phương Đông thường cho rằng phàm đã là tướng thường có hành tung khác thường, sau khi cứu đời giúp nước, sẽ trở thành thánh nhân. Những kẻ chức vị có cao bao nhiêu mà tầm thường cũng không được như thế.
Cụ Bùi Tá Hán nguyên là Thừa tuyên sứ Quảng Nam vào nửa sau thế kỷ 16, dưới thời Lê Trung hưng, cũng được liệt hạng là người phi phàm. Chưa kể những sắc phong thần có phần làm tăng thêm “uy danh” do các triều đại sau dành cho cụ, thì những lời truyền cũng đã cho thấy đền thờ cụ rất thiêng - tất nhiên theo quan niệm của người xưa.
Đền thờ Trấn quốc công Bùi Tá Hán. Ảnh: Ng.Viên |
Trước hết, cái thiêng ấy thể hiện ở sự thăng thiên huyền bí của cụ Bùi Tá Hán với đôi câu thơ còn truyền lại:
Nhân mã bất tri hà xứ khứ
Huyết y trường dữ thử bi lưu
(Người ngựa đi đâu nào thấy bóng/Máu, bào còn để ở lời bia)
Huyết y trường dữ thử bi lưu
(Người ngựa đi đâu nào thấy bóng/Máu, bào còn để ở lời bia)
Cái thiêng còn thể hiện ở đoạn văn chữ Hán lưu lại ở đền nói về xuất xứ của hai pho tượng gỗ hiện vẫn còn lưu tại đền thờ:
(Dịch) “Bấy giờ Ngài (Bùi Tá Hán) vào Phú Yên, có vị hoà thượng thấy Ngài phong độ khác thường, bèn đẽo gỗ tạc tượng Ngài. Viên tướng dưới cờ là Xích Y Thị cũng được tạc thành tượng. Xong đâu đấy, hoà thượng đem hai pho chân dung đặt vào thờ trong một ngôi chùa trên núi, qua không biết bao nhiêu đông, hè.
Đến khoảng năm Cảnh Hưng (1740-1786), người Hoà Vang (Vinh) thuộc tỉnh nhà là ông Nguyễn Đô ty vào Phú Yên, nhân hỏi thăm chuyện cũ, liền tư báo cho quan tỉnh bên cạnh (tức Quảng Ngãi) hộ tống hai pho tượng về xã Thu Phố, sức cho tộc họ của Trấn quận công nhận về để thờ, vô cùng linh ứng. Trấn quận công sau được phong làm Thượng đẳng thần, Tứ dương hầu (Bùi Tá Thế, con trai cụ Bùi Tá Hán) được phong làm Trung đẳng thần và Xích Y cũng được phong thần. Vì có công đức nên được thờ cúng, thật không phụ với lời ghi trong quốc sử: “lúc sống thì trung nghĩa, sau khi chết thì linh thiêng”.
Rõ ràng, cái thiêng ở đây còn thể hiện ở chỗ, cụ Bùi Tá Hán (và người hầu cận) được tạc tượng thờ ngay hồi cụ còn sống và chính từ sự linh ứng mà hai bức tượng mới tình cờ được phát hiện, được rước về bản quán và tiếp tục tỏ sự anh linh.
Cái thiêng còn thể hiện qua các chứng thực của người đời sau, như chuyện “bắt cọp” của Tả quân Lê Văn Duyệt mà sách Thoái thực ký văn đã chép:
“Tỉnh Quảng Ngãi có đền ở Thu Phố thờ Trấn quốc công nhà Lê là Bùi Tá Hán. Lê Văn Duyệt có lần tới đó bắt cọp, vây ba mặt còn một mặt gần đền để trống, nói rằng ‘mặt ấy thì để cho thần’. Đến khi đuổi cọp thì cọp nép ở cạnh đền không động đậy gì cả”.
Bên trong đền thờ Trấn quốc công Bùi Tá Hán. Ảnh: Ng.Viên |
Các sách triều Nguyễn như Đại Nam liệt truyện (đoạn chép về Lê Văn Duyệt), Đại Nam nhất thống chí sau này cũng chép tương tự như vậy. Từ ngày có đền Bùi Tá Hán thì núi Phước Lĩnh gọi là núi Trấn Công, dân gian gọi là núi Ông. Nhất thống chí chép: “Tương truyền dưới núi có động nước thông với đầm Trà, có một con cá lớn to bằng cái thuyền mỗi khi quẫy tiếng vang như sấm, gặp năm hạn đến đền cầu đảo, liền thấy ứng nghiệm”.
Chính vì tin đền rất thiêng mà các quan đầu tỉnh Quảng Ngãi đều đến đây cầu cúng hầu mong tại vị bền lâu. Đơn cử như năm 1822, Hiệp trấn Lưu Đình Luyện có làm thơ điếu để ở đền. Năm 1837, quan Án sát Quảng Ngãi là Tiến sĩ Trương Quốc Dụng cũng có thơ điếu, thể hiện rõ tâm niệm ở hai câu cuối:
-Bất tài điêu bị tư phương mục
Nguyện trượng dư linh thiếp phỉ man
-Bất tài chăn dắt dân trong cõi
Man phỉ, dư linh Trấn giúp cùng!
(Dật Tẩu dịch)
Tất nhiên, người xưa rất ca ngợi công đức gắn với cái thiêng và chính đó là điểm gặp nhau hay là điểm mà ngày nay chúng ta kế tục. Hẳn nhiên, cái thiêng ấy không thể dung nạp những hành vi phàm tục mà người đời có thể lợi dụng để mưu cầu lợi danh.
Cao Chư
Bùi Tá Hán: Nhà hoạch định chính sách vĩ đại
Thứ Hai, 07:45, 15/07/2013 [GMT+7]
.
*Thanh Thảo
(QNĐT)- Trấn Quốc công Bùi Tá Hán (1496-1568) quê gốc ở Nghệ An, làm quan võ dưới triều Lê Trung hưng, là một ngôi sao “càng nhìn càng thấy sáng”, mượn theo cách nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đó là vị tổng chỉ huy đã thu phục cả vùng đất xứ Quảng (gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) từ tay nhà Mạc mà quân sĩ cả hai phía tham chiến không phải chết một người nào. “Công tâm vi thượng, công thành vi hạ” (Đánh vào lòng người quan trọng hơn đánh vào thành lũy), với một lý do duy nhất: “Quân Lê quân Mạc cũng đều là đồng bào ta cả”.
Ngay từ 5 thế kỷ trước, chữ “Nhân” trong chính sách của Bùi Tá Hán đã ngời sáng lên tư tưởng hòa hợp và hòa giải dân tộc giữa người Việt với người Chàm, giữa người Kinh với người Thượng, và giữa người Việt với nhau.
Những hệ thống đồn bảo mà Bùi Tá Hán cho xây dựng sau này đã thành hệ thống Trường Lũy nổi tiếng vắt từ Bắc Quảng Ngãi vô nam Bình Định là bức trường thành bảo vệ chủ quyền, tạo điều kiện tốt nhất cho sự kết nối giữa miền xuôi và miền ngược “Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”, và khiến thương mại mậu dịch giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số phát triển.
“Tất cả quan viên văn võ và biền binh các đồn đều phải ăn nói nghiêm chỉnh, minh bạch, thái độ ôn nhu để thu phục nhân tâm, tuyệt đối không được lớn tiếng, hách dịch”. Năm thế kỷ trước, Bùi Tá Hán đã quy định như vậy. Năm thế kỷ sau, mệnh lệnh ấy vẫn mang tính thời sự.
Từ một vùng đất chiến tranh và loạn lạc xảy ra liên miên, tới khi Bùi Tá Hán đặt định được chính quyền và thực thi những chính sách hợp lòng dân, xứ Quảng đã thành vùng đất của hòa bình, hòa hợp và sung túc. Danh xưng “Trấn Quốc công” tôn vinh Bùi Tá Hán đã nói lên sự ghi nhận không chỉ của triều đình, mà chính là sự ngưỡng mộ, yêu quí của nhân dân xứ Quảng và cả dải đất miền Nam Trung Bộ dành cho ông.
Một ông quan, dù chức vụ to đến cỡ nào, nếu không hoạch định và thực thi được những chính sách hợp lòng dân, phù hợp sự phát triển của đất nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, thì không bao giờ sống được trong lòng dân.
Mặc dù ít được sử sách chính thống nhắc tới, nhưng Trấn Quốc công Bùi Tá Hán đã thực sự sống trong lòng dân suốt 5 thế kỷ nay, sống trong lòng cộng đồng các dân tộc Nam Trung Bộ không phân biệt người Việt hay người Chàm, người Kinh hay người Thượng.
Những chính sách thân dân của Bùi Tá Hán “phủ sóng” tới tất cả các sắc dân, bình đẳng trước mọi dân tộc đang sinh sống ở miền Trung, và tạo điều kiện cho mọi dân tộc cùng phát triển,"cùng thắng" trong công cuộc xây dựng một đời sống ấm no và hạnh phúc.
Trong những chính sách ấy, yếu tố con người luôn được nhấn mạnh và đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất. Chính sách hòa hợp và đoàn kết toàn dân của Bùi Tá Hán có thể là bài học cho muôn đời con cháu sinh sống trên đất nước Việt Nam, chứ không riêng cho vùng miền nào.
Những chính sách vì dân, thân dân ấy cho tới bây giờ vẫn mang tính thời sự, vẫn cập nhật được những ý nghĩa tiến bộ nhất của nó trong giai đoạn hội nhập với thế giới của Việt Nam. Trong có ấm, ngoài mới êm, dân có “an”, đất nước mới cường thịnh. Đó là những chân lý muôn đời.
Ngay từ những ngày đầu xây dựng vùng đất xứ Quảng, Bùi Tá Hán đã có những chủ trương hết sức cụ thể và rất sáng tạo. Xin giới thiệu 13 chủ trương cụ thể mà Bùi Tá Hán yêu cầu quan và dân “cần làm ngay” cho vùng đất xứ Quảng trong bước đầu khai mở và ổn định:
1) Làm nhà ở theo kiểu nhà tám cột, ba gian hai chái, lấy bốn rui mái làm vuông bốn góc. Các nhà hợp lại thành xóm gần gũi với nhau tiện cho việc qua lại tương trợ giúp đỡ lẫn nhau.
2) Mỗi xóm chung tay đào một cái giếng để lấy nước sạch mà dùng. Nhà nào có khả năng thì tự đào lấy giếng riêng cho hộ mình.
3) Phụ nữ không mặc váy, đồng loạt mặc loại quần hai ống nhuộm đà hoặc chàm để phân biệt nam nữ, thuận tiện trong lao động.
4) Chế tác các loại nồi đất nồi đồng đều làm quai, dùng đũa bếp bưng đặt tiện cho việc đun nấu.
5) Cày bừa mắc ách hai trâu hoặc hai bò để thêm sức kéo, lắp thêm trạnh phụ sau lưỡi cày để đất được làm tơi nhiều hơn. Đó là kỹ thuật cày bừa mới rất có lợi.
6) Khuyến khích bảy nghề như nghề rèn, nghề mộc, nghề gốm, nghề đúc, nghề dệt vải, nghề dệt chiếu, nghề chằm nón, chằm áo tơi. Dụng cụ, đồ dùng sản xuất mang đến chợ trao đổi đều nên miễn thuế.
7) Trong việc hôn nhân tang tế, cấm hủ tục tập họp ăn uống liên miên, mất sức hao của. Nên tổ chức tôn nghiêm mà tiết kiệm. Các gia đình chỉ nên thờ cúng tổ tiên, tổ chức giỗ chạp ông bà và các lễ tết như Tết nguyên đán mà thôi.
8) Mỗi xã thôn dựng đình, chùa để dân cúng tế.
9) Mỗi xã nên rước một vị lương y chăm lo sức khỏe cho dân, nên trích một số ruộng công cấp cho lương y để khuyến khích vợ con họ.
10) Khi trong một xã số hộ tăng lên, trẻ con tăng thêm, thì mỗi xã nên rước thầy, dựng trường dạy cho trẻ con về lễ nghĩa văn học. Nên trích một số ruộng công cấp cho thầy để khuyến khích vợ con họ.
11) Làm đường thiên lý, xây cầu đặt cống. Nếu gặp sông lớn thì tổ chức bến đò. Cứ mười bảy dặm lập một dinh trạm, có lính thường trực để chuyển công văn.
12) Chú trọng thủy lợi, đắp đê đập, dẫn thủy nhập điền. Đào mương tiêu nước. Lập bờ xe nước.
13) Chế tác loại thuyền nan bằng tre trét dầu rái thay cho loại thuyền gỗ. Thuyền nan nhẹ đi nhanh, vào sông ra biển rất thuận lợi.
4) Chế tác các loại nồi đất nồi đồng đều làm quai, dùng đũa bếp bưng đặt tiện cho việc đun nấu.
5) Cày bừa mắc ách hai trâu hoặc hai bò để thêm sức kéo, lắp thêm trạnh phụ sau lưỡi cày để đất được làm tơi nhiều hơn. Đó là kỹ thuật cày bừa mới rất có lợi.
6) Khuyến khích bảy nghề như nghề rèn, nghề mộc, nghề gốm, nghề đúc, nghề dệt vải, nghề dệt chiếu, nghề chằm nón, chằm áo tơi. Dụng cụ, đồ dùng sản xuất mang đến chợ trao đổi đều nên miễn thuế.
7) Trong việc hôn nhân tang tế, cấm hủ tục tập họp ăn uống liên miên, mất sức hao của. Nên tổ chức tôn nghiêm mà tiết kiệm. Các gia đình chỉ nên thờ cúng tổ tiên, tổ chức giỗ chạp ông bà và các lễ tết như Tết nguyên đán mà thôi.
8) Mỗi xã thôn dựng đình, chùa để dân cúng tế.
9) Mỗi xã nên rước một vị lương y chăm lo sức khỏe cho dân, nên trích một số ruộng công cấp cho lương y để khuyến khích vợ con họ.
10) Khi trong một xã số hộ tăng lên, trẻ con tăng thêm, thì mỗi xã nên rước thầy, dựng trường dạy cho trẻ con về lễ nghĩa văn học. Nên trích một số ruộng công cấp cho thầy để khuyến khích vợ con họ.
11) Làm đường thiên lý, xây cầu đặt cống. Nếu gặp sông lớn thì tổ chức bến đò. Cứ mười bảy dặm lập một dinh trạm, có lính thường trực để chuyển công văn.
12) Chú trọng thủy lợi, đắp đê đập, dẫn thủy nhập điền. Đào mương tiêu nước. Lập bờ xe nước.
13) Chế tác loại thuyền nan bằng tre trét dầu rái thay cho loại thuyền gỗ. Thuyền nan nhẹ đi nhanh, vào sông ra biển rất thuận lợi.
(Trích “Phủ tập Quảng Nam ký sự”)
Bây giờ chúng ta hay gọi những việc “cần làm ngay” như thế là để xây dựng “đời sống văn hóa mới” đấy! Cái mới bây giờ, Bùi Quốc công đã cho thực thi từ 5 thế kỷ trước rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét