Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2019

Giai thoại về người Quảng Nam đất Đa Kao xưa

Thu Thủy

Thu Thủy

 2 3 4 5
Hiện nay khu Đa Kao (Q.1, TP.HCM) còn nhiều đền thờ do người xứ Quảng lập ra. Họ đến đây từ khi nào và vì sao họ còn được gọi là người Ba Xã?
Đình Sơn Trà trên đường Nguyễn Phi Khanh (quận 1, TP.HCM) ngày nay /// Ảnh: Nguyễn Đức Hiệp
Đình Sơn Trà trên đường Nguyễn Phi Khanh (quận 1, TP.HCM) ngày nay
ẢNH: NGUYỄN ĐỨC HIỆP
Số 29 Trần Quang Khải ở gần góc đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM) có một đình xưa tên là đình Nam Chơn. Đình này do lưu dân người Quảng Nam lập khoảng năm 1860 tức lúc người Pháp bắt đầu đến chiếm Sài Gòn. Lịch sử đền này được biết là vùng làng Nam Chơn, nơi định cư của người Ba Xã từ bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng).
Người Ba Xã là tên gọi những người Việt ở ba xã trên bán đảo Sơn Chà (Sơn Trà) hay Tiên Chà ở cửa sông Đà Nẵng, được quân đội viễn chinh Pháp mang theo về Nam Kỳ sau khi rút khỏi Đà Nẵng để tránh họ bị quân quan người Việt trả thù. Bởi trong lúc quân viễn chinh Pháp ở Sơn Chà, họ đã trưng dụng những người này vào những công việc như cu li, chuyên chở và đặc biệt là tiếp tế lương thực.
Giai thoại về người Quảng Nam đất Đa Kao xưa - ảnh 1
Bên trong đình làng Nam Chơn của người Quảng Nam lập ra ở đường Trần Quang Khải ngày nay
ẢNH: TIẾN SĨ NGUYỄN ĐỨC HIỆP CUNG CẤP
Lúc đó triều đình Huế muốn làm quân viễn chinh chết đói, nên đã cấm người dân thương mại buôn bán với quân Pháp. Nếu vi phạm sẽ có hình pháp nặng nề như xử trảm. Những người Ba Xã lúc đó phải dùng những mưu mẹo gạt quan lại. Thường theo phong tục tập quán và luật thì các đám cưới, đám tang, nghi lễ văn hóa mọi người đều phải tôn trọng, ngay cả nhà vua. Những lúc như vậy, dù vui hay buồn thì cũng nên dĩ hòa vi quý, dễ dãi không gắt gao. Người Ba Xã đã lợi dụng những lúc đó nên thường xuyên tổ chức đám cưới, họ cho những người tham dự giấu dưới áo nghi lễ trái cây, rau quả… Quà cưới gồm những thức ăn đủ loại và ngon. Dưới vải đỏ phủ là những đồ ăn khác được giấu. Người ta cũng không quên con heo truyền thống, trên đầu rãi bột màu đỏ son, phải có mặt trong đoàn đưa rước. Bên cạnh đám cưới còn có những đám ma diễn ra mỗi ngày bởi vì một bệnh dịch nào đó không rõ. Nhưng hòm thay vì chứa xác, thì lại chứa đùi bò, đùi heo, trái cây, rau quả...
Khi những người Ba Xã đến Sài Gòn họ tập trung sống ở hai vùng: ở Đa Kao trong vùng gọi là làng Nam Chơn và ở Rạch Ông giữa hai làng Chánh Hưng và Khánh Hội. Ngoài đình Nam Chơn thì còn có đình Sơn Trà trên đường Nguyễn Phi Khanh cũng do những người Ba Xã ở Quảng Nam thành lập. Ở những đình này, trong các năm đầu thế kỷ 20 cho đến thập niên 1970 là nơi trình diễn các tuồng hát bội. Ngoài ra ở Đa Kao còn có đình Phú Hòa đường Bà Lê Trân và đình Hòa Mỹ ở chợ Đa Kao cũng do người Ba Xã xây dựng. Các đình người Quảng Nam như đề cập trên thờ Thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương hay gọi là Bà Đại Càn.

“Cầu Bông địa cuộc thảnh thơi
Nguyễn Liên Phong trong sách Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca (1909) có nói về người Ba Xã vào định cư ở Đa Kao (Đất hộ) như sau:
“Cầu Bông địa cuộc thảnh thơi
Có  ông Phủ Kiệt đương thời giàu sang
Thuở kia cần khổ gian nan
Ở nơi đất Hộ mở mang tư bề
Ngày nay đông đảo chỉnh tề
Tứ dân sanh lý nghiệp nghề thạnh sung
Thẳng qua chợ mới rất đông
Ở ngoài Ba Xã vào trong quá nhiều
Nghề chài nghề nhuộm mơi chiều
Đi buôn làm việc người đều thảnh thơi”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét