Có một con đường nhỏ mang tên Nguyễn An Ninh bên hông chợ Bến Thành (TP.HCM), nhưng ít ai biết tại địa điểm này nhà cách mạng ấy đã lập một gian hàng bán dầu cù là trong những ngày cận tết.
Theo chia sẻ của tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp, tác giả nhiều cuốn sách về Sài Gòn - Chợ Lớn, trên đường Rue Schroder (Phan Chu Trinh hiện nay) ngày trước có bến xe đi miền Đông (Thủ Dầu Một, Lái Thiêu) một địa điểm thuận tiện gần nhà ga xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho và ngay trước cửa Tây chợ Bến Thành. Nơi đây vào các ngày cận tết (cuối năm âm lịch 1933, vào đầu năm 1934), Nguyễn An Ninh đã lập ra gian hàng bán dầu cù là và đồ tết đối diện với bến xe (gần góc đường Nguyễn An Ninh ngày nay). Ông Lê Văn Thử, một người cộng sản đệ tứ thuộc nhóm La Lutte, trong quyển Hội kín Nguyễn An Ninh đã có viết như sau về gian hàng của Nguyễn An Ninh trước chợ: “Tết gần đến, anh Ninh bày cho anh em bán chợ tết. Anh em hỏi anh bán món gì, anh bảo món gì cũng được”.
Gian hàng lập ra lấy tên hiệu là “Năm nay còn ăn tết được”. Một cái tên cũng rất có ý nghĩa bởi năm ấy là năm kinh tế khủng hoảng, ai cũng nghèo xơ, nghèo xác, thấy tết đến người ta lo sợ trong 3 ngày không đủ ăn. Nghe nói vốn liếng của gian hàng đó đâu khoảng 10 đồng, đủ mua cây và lá cất cái chái, còn tiền mua hàng thì không có một xu nào. Nên ai cũng nói lập ra để trống chứ buôn bán gì.
Cuối cùng một gian hàng bán đồ tết mà chỉ có một món để bán, mà món đó không phải để “ăn tết”. Bởi không có vốn mua đồ để bán, nhờ Nguyễn Bá Tường đem gửi nghe đâu khoảng 500 chai dầu cù là Thoại Dư Đường, anh Ninh đứng ra bán một hồi, người ta đến mua thối tiền không kịp. Từ đó gian hàng bán dầu cù là của Nguyễn An Ninh rất đắt khách, rất nhiều người đến mua, cũng bởi anh là nhân vật có tiếng được yêu mến vì đại diện cho dân đấu tranh chống chính quyền Pháp lúc ấy.
Lê Văn Thử có viết tiếp về cặp Nguyễn An Ninh - Phan Văn Hùm bán dầu cù là ở chợ Bến Thành như sau: “Hai người bán dầu cù là như những ngày trước kia hai người cạo đầu đi xuống lục tỉnh vừa bán dầu cù là vừa thông tin khơi dậy lòng yêu nước của dân chúng ở nông thôn, đi vào lòng người tận nơi và tiếp xúc mọi tầng lớp”.
Phan Văn Hùm là một nhà cách mạng sát cánh với Nguyễn An Ninh. Sau khi đi lục tỉnh với Nguyễn An Ninh bán dầu cù là và tuyên truyền cách mạng, Hùm bị bắt và sau đó có viết quyển sách nổi tiếng Ngồi tù Khám Lớn sau khi ra tù.
Lần này ở chợ Bến Thành, dân đổ xô chen lấn mua hàng của hai ông. Anh Ninh rao mệt thì anh Hùm tiếp, làm như vậy trọn buổi sớm mai, bán gần hết năm trăm chai cù là. Buổi chiều có mấy người quen thấy bán chạy nên đem đồ đến gởi thêm.
Đến chiều ngày 25 tháng Chạp, gian hàng “Năm nay ăn tết được” của nhóm Ninh - Hùm bán thêm bánh in Bổn Lập, trà Nghi Bồi Nhâm, xà bông Con Cọp, xi-rô Hiệp Hòa, guốc Thiện Chiếu. Người ta chen nhau mua các món kể trên và không một ai thừa dịp đông người để quỵt. Có người còn không lấy tiền thối. Hàng bán mỗi ngày một nhiều hơn và đắt như tôm tươi đến mức phải thuê mấy anh thám tử canh gác gian hàng.
Tiếng lành đồn xa về gian hàng của ông Ninh bán ở chợ Bến Thành, người ta đổ xô đến mua. Bởi lúc đó người dân họ nghĩ: “Về quê nhà ăn tết mà mua đồ của nhà cách mạng nổi tiếng như Nguyễn An Ninh và Phan Văn Hùm thì không ai mà lại không muốn mua để về chia sẻ với gia đình. Họ hàng nhân dịp ngày tết và ủng hộ ông Ninh và nhóm La Lutte tranh đấu cho nhân dân”. Nên người ta đi chợ dồn về các nẻo đường có gian hàng của ông Ninh. Đêm 28, 29 tết người ta đứng chật cả con đường. Đến buổi chợ sáng 30, hầu như không còn món gì để bán cả.
Sau khi trả tiền cho các chủ giao hàng, tính lại để chia lời cho 10 anh em tham gia phụ giúp, mỗi người được nhận 35 đồng. Anh Ninh cũng lấy một phần như tất cả anh em khác. Tính ra bán cả thảy hơn 5 ngàn đồng bạc. Năm kinh tế khó khăn mà bán như vậy là hơn hết các gian hàng khác, nhất là bán từng cắc bạc mà được đến số ấy. Năm đó anh Ninh bèn rủ hết anh em về Mỹ Hòa ăn Tết.
Hiện nay đường Nguyễn An Ninh dài chỉ hơn 100m, nối đường Phan Chu Trinh với Trương Định (Q.1) nhưng có đến gần 100 cửa hàng, gian hàng hoạt động tấp nập về đêm. Nơi đây tập trung buôn bán các mặt hàng dành cho người Hồi giáo. Con đường này được khách du lịch đến từ Malaysia, Indonesia… truyền tai nhau bởi cái tên “Saigon Halal street”.Anh Ninh sau đó mới tiết lộ bí quyết bán hàng là kẻ bán ở chợ phải rao thật to. Từ đấy người ta thấy nhiều người bắt chước, đầu này đầu kia, đứng lên rao làm quảng cáo hàng, nhưng họ lại làm quá hơn anh như họ ca vọng cổ, hát bài chòi hay lô tô... Như vậy với tài hùng biện của mình, Nguyễn An Ninh đã dùng nó rao bán hàng rất hiệu quả và sau này ở chợ Bến Thành nhiều người bắt chước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét