Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Tìm về làng cổ Thiên Xuân

(Báo Quảng Ngãi)- Làng nằm dưới chân núi Nứa bên dòng sông Vệ lượn quanh. Về nơi đây càng hiểu thêm người Việt trong quá trình đi về phương Nam luôn mang theo ký ức quê nhà. Họ lập làng bên sông có cây đa, bến nước, biết trồng tre thành lũy để ngăn thú dữ, chống chọi với các thế lực hắc ám mà tồn tại, sinh sôi.    


Mưa xuân lấm tấm, tôi theo Trưởng thôn Thiên Xuân, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) Hồ Quốc Bảo ngược đường tìm về làng cổ Thiên Xuân. Làng cổ phủ màu xanh bạt ngàn của keo tai tượng...

Bên thềm đá cũ

Qua khỏi đoạn Trường Lũy đá xếp dày, đi tiếp vào bên trong chừng vài trăm mét lại đến một bờ đá dày tuyệt nhiên không hề sử dụng vôi vữa, nhưng vẫn bền chặt, cứng cáp theo tháng năm. Bờ đá cao chừng hai mét và dày khoảng một mét chạy dọc theo chu vi của làng chừng 4km. Tiếp theo bờ đá là những khuôn viên nhà vườn cũ rộng chừng 300 - 400m nối tiếp nhau theo bậc thang.  
 
Vùng làng cổ Thiên Xuân bây giờ.                               Ảnh: Cẩm Thư
Vùng làng cổ Thiên Xuân bây giờ. Ảnh: Cẩm Thư

Đi chếch về hướng đông nam, dừng chân ở một phiến đá lớn, trưởng thôn Bảo khoát tay: Nơi đây trước có cây đa lớn và miếu thờ ông Cọp. Cách đó không xa còn có dấu tích miếu thờ sơn thần, thờ bà Chúa Ngọc, bà Thiên Y A Na. Mùa xuân, nước từ trên núi Nứa chảy xuống, nên hố Cái đầy nước tưới cho cánh đồng xanh bạt ngàn.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu làng cổ Thiên Xuân. Ông Khôi cho hay: Qua đợt khai quật hồi năm 2006, đã tìm được nhiều hiện vật  trong đó có gốm Chăm, gốm Châu Ổ. Cũng từ đó, bước đầu xác định có thể làng hình thành vào quãng thế kỷ XV, với khoảng 40 hộ dân gốc vùng Thanh Nghệ đến đây sinh sống. Rồi sau đó, các nhà nghiên cứu của Viện Viễn Đông Bác Cổ cũng tìm về nơi đây đào thám sát và phát hiện ra nhiều hiện vật cho thấy có sự tiếp nối cư trú giữa người Chăm và người Việt trên vùng đất này.  
 
Làng cổ Thiên Xuân không có cái may mắn như làng cổ Phước Tích thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền (Thừa Thiên- Huế)  nằm bên dòng sông Ô Lâu trải qua hàng trăm năm mà đến đó du khách thỏa sức ngắm cây đa bến nước và những ngôi nhà rường cổ. Song về làng cổ Thiên Xuân lục tìm dấu tích xưa càng thấy được tấm lòng của người Việt trong quá trình đi về phương Nam vẫn luôn giữ mãi hình ảnh quê nhà bên cạnh việc tiếp thu, chọn lọc những kinh nghiệm của các dân tộc anh em để xây dựng làng quê của mình thêm tươi đẹp, để cho con cháu muôn đời sau sinh sôi.
Người Việt trong quá trình đi về phương Nam luôn mang theo hình bóng quê nhà. Họ chọn lựa vùng ven sông Vệ đầy ắp phù sa và vùng đồi thấp lưng dựa vào núi Nứa để lập làng, cải tạo vùng trũng ven sông để canh tác lúa nước và trồng tre xung quanh để giữ đất, giữ làng. Không dừng lại ở đó, người Việt biết kế thừa kỹ thuật xếp đá độc đáo của người Hrê để làm nên đoạn lũy dài bao bọc quanh làng để hạn chế sự rửa trôi và chống thú dữ.

Ra đi, người Việt còn mang theo cả tín ngưỡng của dân tộc mình, biết lập miếu thờ thần và thờ bà Chúa Ngọc. Đến định cư ở vùng có núi non, cộng cư với người Chăm, người Hrê, họ phối thờ bà Thánh mẫu Thiên Y A Na hay thờ ông Bạch Hổ. Chính vì vậy, làng  cổ Thiên Xuân tồn tại qua nhiều đời và bây giờ tuy chỉ còn dấu tích, nhưng qua đó các nhà nghiên cứu vẫn tìm ra nét đặc trưng của làng Việt ở vùng trung du Nghĩa Hành.

Cụ Nguyễn Đồng (79 tuổi), nhà ở đầu đường vào làng cổ Thiên Xuân, dù tuổi cao sức yếu, lúc nhớ, lúc quên, nhưng khi hỏi về làng, cụ nói như đinh đóng cột: Tui sinh ra ở cái làng cũ đó. Hồi đó, nhà làm bằng khung gỗ, mái lợp tranh, vách trát đất, xung quanh trồng mít, trồng cau. Mùa đông về trời lạnh lắm nên nhà nhà nhóm bếp cời than.

Sức sống Việt

Ở Thiên Xuân có câu nói lưu truyền "Bất ẩn Thiên Xuân khê". Bởi, ngày xưa ở làng cũ dưới chân núi rừng rậm, mùa đông trời lạnh giá có năm, người bị bệnh đau chết nhiều.  Người làng lo ngại kéo nhau ra vùng bãi bồi ven sông lập làng mới. Bây giờ, trong làng có đến 115 hộ dân, nhưng con cháu của người làng thường ngày vẫn về làng cũ trồng khoai, trồng mì và đặc biệt là làm nhà tạm, trồng những cây rơm, làm chuồng trâu, bò để những ngày đông nước sông Vệ dâng cao thì cả làng về nơi đây mà tránh. Riêng ông Hồ Xuân Nhạn và hai hộ dân trong thôn là Nguyễn Thị Liễu và Phạm Tươi quay về dưới chân làng cũ làm nhà định cư.
 
Trưởng thôn Thiên Xuân Hồ Quốc Bảo bên bờ đá khuôn viên làng cổ Thiên Xuân.                                                                        Ảnh: Cẩm Thư
Trưởng thôn Thiên Xuân Hồ Quốc Bảo bên bờ đá khuôn viên làng cổ Thiên Xuân. Ảnh: Cẩm Thư

Ông Hồ Xuân Nhạn cho hay: Hầu hết, người trong làng là con cháu của bốn tộc họ tiền hiền là Hồ, Lê, Nguyễn, Trần. Nội của ông Nhạn là ông Hồ Dược xưa định cư ở làng cổ không chỉ canh tác lúa nước ở cánh đồng Thiên Xuân mà còn biết dựa vào nguồn nước trên núi Nứa đổ xuống mà cải tạo đất làm ruộng bậc thang như đồng bào dân tộc Hrê.
 
Dân làng Thiên Xuân luôn nhớ công người tạo dựng nên mặc dù tháng năm và chiến tranh, nhưng các dòng họ đều cố gắng giữ gia phả của dòng tộc. Nhờ gia phả nên cụ Hồ Trọng Tấn mới tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu tìm về phát hiện ra dấu tích của làng cổ Thiên Xuân. Dân làng Thiên Xuân còn tự hào quê hương mình là nơi hiếu học. Ở làng là quê hương của thầy Nguyễn Vỹ, nguyên hiệu trưởng Trường Lê Khiết thời kháng chiến chống Pháp

Làng cổ Thiên Xuân giờ đã trở thành địa chỉ du lịch ở Quảng Ngãi. Đến Thiên Xuân, du khách có thể mục sở thị đoạn Trường Lũy, bảo Thiên Xuân còn khá nguyên vẹn trước khi tìm hiểu dấu vết làng cổ để hiểu hơn tấm lòng của người Việt trong quá trình đi về phương Nam.

CẨM THƯ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét