Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Những "làng Nam Bộ" giữa lòng xứ Quảng

(Báo Quảng Ngãi)- Cây dừa nước thường gắn liền với mảnh đất Nam Bộ lắm sông, nhiều rạch. Ấy thế mà ngay giữa vùng đất Quảng đầy nắng gió, vẫn có nhiều ngôi làng được bao bọc, chở che bởi những rừng dừa nước mọc tiếp nối nhau như thành lũy trên sông.

Dựng nhà dọc theo sông, ngày ngày chèo đò, nương theo những rừng dừa nước xanh bạt ngàn để hái lá dừa, đánh bắt cá tôm... mưu sinh. Cuộc sống gắn bó với sông nước của người dân ở những ngôi làng Khê Thủy B (xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi) và An Minh (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn) cứ yên bình trôi qua như thế, ngót nghét cả trăm năm nay.

“Quẳng gánh lo” nhờ những... tán dừa

Tựa lưng vào núi Sơn, mặt hướng ra sông Dâu, làng An Minh, thôn Bình An Nội, xã Bình Chánh nằm e ấp bên những rặng dừa nước xanh um tùm, kéo dài hơn 3 cây số từ Bình An Nội xuống đến sông Trà Bồng – đoạn chảy qua xã Bình Dương (Bình Sơn). Xưa nay, người ta vẫn thường gọi làng An Minh bằng cái tên dân dã – làng Dừa.
Người “làng Dừa” khi nói về quê hương, vẫn thường tự hào về dòng sông mang phù sa qua từng mùa mưa lũ, về rừng dừa nước tầng tầng lớp lớp chở che, bao bọc lấy làng. Cũng nhờ vào cây dừa nước mà người làng An Minh có kế sinh nhai, bớt đi phần nào gánh nặng cơm áo gạo tiền.
Nương theo dừa nước, người dân những làng
Nương theo dừa nước, người dân những làng "Nam Bộ" xứ Quảng đặt rớ trên sông để đánh bắt cá tôm. Ảnh: Ý THU

“Sinh ra, lớn lên và lấy chồng cùng làng, nên suốt 60 năm qua, tôi đã lớn lên và già đi cùng với khúc sông này, rừng dừa này. Cũng nhờ nó mà mấy mươi năm qua tôi có nguồn thu nhập ổn định từ việc hái lá dừa, đan phên dừa”, bà Nguyễn Thị Lập, người làng An Minh tay thoăn thoắt đan lá dừa, chia sẻ.

Là công việc không đòi hỏi nhiều sức lực, chỉ cần đan, kết từ 5-7 lá dừa là được một tấm phên có giá từ 15 – 20 nghìn đồng, nên nghề đan phên trở thành công việc “hái ra tiền” vào những lúc nhàn rỗi của người làng An Minh. Đặc biệt, vào mùa thu hoạch lá dừa nước (tầm tháng 2 và tháng 7 âm lịch hằng năm), con đường đi vào làng An Minh lúc nào cũng nhộn nhịp cảnh người, xe tấp nập tìm về thu mua lá dừa, phên dừa.
Cuộc sống của người dân làng An Minh (Bình Chánh, Bình Sơn) gắn bó với những tán dừa nước ngót nghét trăm năm nay. Ảnh: Ý THU
Cuộc sống của người dân làng An Minh (Bình Chánh, Bình Sơn) gắn bó với những tán dừa nước ngót nghét trăm năm nay. Ảnh: Ý THU

Cũng nhờ vào rừng dừa nước, người làng Khê Thủy B (thôn Trường Định, xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi) chẳng những phát triển được nghề đan phên dừa nước mà còn nâng tầm, đưa dừa nước của quê hương đi muôn nơi.

“Những năm gần đây, các nhà hàng, quán cà phê, khu du lịch bỗng ưa chuộng loại lá dừa dùng để lợp, nên người làm nghề ở làng tôi ngoài đan phên bán tại chỗ, còn tổ chức thành các nhóm thợ tỏa đi khắp nơi để nhận thi công nhà lợp lá dừa. Từ những nhà hàng nổi, quán cà phê ở Nghĩa An, Nghĩa Phú, đến các homestay ở Lý Sơn, rồi khu du lịch suối nước nóng Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa)... đều tìm về Khê Thủy B để đặt hàng”, nghệ nhân gắn bó với nghề đan dừa nước hơn 30 năm ở làng Khê Thủy B Nguyễn Văn Bé tâm sự.

Giữ rừng bằng hương ước, gia ước

Rừng chở che, bao bọc lấy xóm làng và ban tặng cho người làng sinh kế để mưu sinh. Vì thế, người làng cũng trân quý, thủy chung gìn giữ lấy rừng dừa bằng hương ước, gia ước riêng.

Chỉ tay về những rừng dừa nước trước nhà, bà Nguyễn Thị Kim Tuyến (80 tuổi) ở làng dừa An Minh chia sẻ “gia ước” mà gia đình mình dùng để gìn giữ dừa nước: “Người An Minh chúng tôi chẳng có gì quý báu truyền lại cho con cháu ngoài những rặng dừa nước trên sông. Người nào nhận trách nhiệm thờ cúng tổ tiên sẽ được giao lại rừng dừa nước để quản lý. Tuy nhiên chỉ được bán lá, không được bán rừng, phá rừng”.
Người dân làng Khê Thủy B (Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi) có công ăn việc làm ổn định nhờ vào nghề đan phên dừa nước. Ảnh: Ý THU
Người dân làng Khê Thủy B (Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi) có công ăn việc làm ổn định nhờ vào nghề đan phên dừa nước. Ảnh: Ý THU

Nhờ tuân thủ theo “gia ước”, rừng dừa nước của gia đình nhà bà Tuyến cứ thế sinh sôi. Từ vài rặng dừa  do ông cha trồng nên, trải qua hàng trăm năm, giờ gia đình bà đã sở hữu gần 8 mẫu dừa nước dọc sông Dâu. Dưới những tán dừa, cá tôm cứ thế tìm về sinh sống, con cái của bà, nhờ thế mà có thêm thu nhập đáng kể từ nghề thả lưới trên sông.

Không chỉ bảo vệ phần dừa nước của gia đình mình, người dân ở những "làng dừa nước" còn chung tay giữ lấy những rặng dừa chung của cả làng và xem đấy như “của để dành” cho xóm làng mai sau.

Dẫn chúng tôi đi thăm 3 sào dừa nước – phần diện tích thuộc sở hữu chung của cả xóm, ông Nguyễn Duy Niên – Trưởng xóm Gò, thôn Trường Định, xã Tịnh Khê cười tươi rói: “Ngoài diện tích riêng lẻ của từng nhà, cả xóm có được phần dừa nước chung này đây.  Tiền thu được từ 3 sào dừa này sẽ được đóng góp vào công quỹ, phục vụ cho các hoạt động chung của xóm mỗi năm. Tuy không nhiều nhặn gì, nhưng mảnh rừng này là minh chứng cho sự gắn kết của xóm làng với nhau”.

Người “làng Dừa” - An Minh không tính diện tích dừa nước theo sào, theo hécta; mà phân chia sở hữu bằng đơn vị tính đậm chất Nam Bộ là “bức”. Cả rừng dừa nước với tổng diện tích hơn 10ha dọc sông Dâu ở An Minh được người làng chia thành 12 bức: Bức đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ...

Còn làng Khê Thủy B thì có tên dân dã khác là “làng Rớ”. Theo các bậc cao niên trong làng kể lại, cũng bởi làng có rừng dừa nước mọc tầng tầng lớp lớp trên sông Kinh, thu hút cá tôm về nhiều vô kể nên người làng làm rớ, đặt chi chít trên sông bắt cá, tôm. Cái tên dân dã – làng Rớ là từ đó mà ra.

 Ý THU

Rừng dừa nước Tịnh Khê


(Báo Quảng Ngãi)- Rừng dừa nước xã Tịnh Khê nằm ở đầu nguồn dòng Kinh Giang (sông Kinh), giữa hai thôn Cổ Lũy và Trường Định. Trước đây, khu vực này là một vùng đầm lầy rộng hàng trăm héc ta, mọc nhiều cây cối như bần, đước, cói… và nhiều nhất là dừa nước (chiếm 80%). Nhờ địa thế rất hiểm yếu, rừng dừa nước đã trở thành căn cứ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
TIN LIÊN QUAN
“Đám lá tối trời” của du kích Tịnh Khê

Mới đây trong chuyến công tác ở xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi), tôi được nghe một số cụ cao niên kể chuyện thời đánh Mỹ và luôn miệng nhắc đến cụm từ “đám lá tối trời”. Cứ tưởng các cụ nhớ lầm, chuyện nọ xỏ qua chuyện kia, nói đến địa danh “Đám lá tối trời” nổi tiếng ở một khu rừng của huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, gắn với vị anh hùng dân tộc Trương Định quê ở xã Tịnh Khê. Nhưng không, tôi đã lầm! Hỏi đi hỏi lại mới biết Tịnh Khê cũng có một “đám lá tối trời”, đó chính là khu rừng dừa nước ở địa phương.

 Rừng dừa nước Tịnh Khê nếu được quan tâm đầu tư thành địa chỉ du lịch sinh thái sẽ thu hút du khách đến tham quan.                                                                                                       Ảnh: ĐỖ ĐÌNH ANH
Rừng dừa nước Tịnh Khê nếu được quan tâm đầu tư thành địa chỉ du lịch sinh thái sẽ thu hút du khách đến tham quan. Ảnh: ĐỖ ĐÌNH ANH

Theo lời các cụ cao niên, ngay từ những năm 1930 rừng dừa nước đã từng là địa điểm liên lạc, trú ẩn của những chiến sĩ hoạt động cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Huyện ủy Sơn Tịnh chủ trương xây dựng rừng dừa nước thành căn cứ điểm ở miền đông Sơn Tịnh. Từ năm 1954, cán bộ, đảng viên của xã Tịnh Khê được cử ở lại đây đã lấy rừng dừa nước làm căn cứ hoạt động, bám vào thôn, xóm xây dựng cơ sở cách mạng.

Đặc biệt, trong những năm chiến tranh xảy ra ác liệt (1965-1975), rừng dừa nước trở thành căn cứ kháng chiến không chỉ của Đảng bộ, du kích xã Tịnh Khê, mà còn là nơi đứng chân của nhiều đơn vị bộ đội tỉnh, huyện và các đội công tác của các xã vùng đông Tư Nghĩa và đông Sơn Tịnh như Tịnh Long, Tịnh An… Vào những thời điểm khó khăn, ác liệt nhất, như những năm 1969-1971, hầu như tất cả các xã vùng giải phóng Đông Sơn bị địch chiếm đóng, lập hàng trăm chốt điểm và khu dồn, nhưng nhờ có rừng dừa nước, du kích Tịnh Khê vẫn giữ được xóm Bãi với hơn 500 dân bám trụ với ý chí “một tấc không đi, một ly không rời”, đánh bại các cuộc càn quét của địch.

Điển hình như trận đánh ngày 10.6.1973, khi một đơn vị chủ lực ngụy phối hợp với lính đồn Hải Thuyền tổ chức bao vây, tấn công hai xóm Khê Thành A, B- nơi trú quân của du kích và đại đội 75 của Huyện đội Tư Nghĩa. Nắm được ý đồ của địch, Đảng ủy, Ban chỉ huy xã đội Tịnh Khê cùng với Ban chỉ huy đại đội 75 họp bàn và thống nhất phương án tác chiến bằng chiến thuật đặc công “Nở hoa trong lòng địch”: Lực lượng ta chỉ để lại 8 du kích xã do đồng chí Trần Còi, xã đội phó chỉ huy, ém tại xóm Khê Thành B, số còn lại rút ra rừng dừa nước do đồng chí Nguyễn Quang Hòa, xã đội trưởng chỉ huy. Đúng 3 giờ sáng, khi ám hiệu vừa phát đi, lập tức quân ta đồng loạt tấn công địch từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào. Bị bất ngờ, quân địch từ thế chủ động thành bị động, làm chúng không kịp trở tay. Ta đã tiêu diệt toàn bộ ban chỉ huy và trung đội địch, thu nhiều vũ khí.

Mặc dù rất nhiều lần địch tập trung đánh phá, kể cả rải chất độc hóa học hòng hủy diệt rừng dừa nước, nhưng nó vẫn sừng sững, hiên ngang đứng vững, che chở cho du kích, bộ đội ta chiến đấu chống lại mọi âm mưu “bình định” của Mỹ- ngụy. Với những thành tích, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, quân và dân xã Tịnh Khê đã vinh dự được Đảng và Nhà nước 2 lần tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (1969, 2005).

Cần bảo vệ và đầu tư phát triển du lịch sinh thái

Ngoài ý nghĩa lịch sử đấu tranh cách mạng, rừng dừa nước còn là một cảnh đẹp thiên nhiên, là nơi trú ngụ và sinh sản của nhiều loài cá, tôm, cua, rạm, lươn, nghêu, sò, ốc, hến… Tuy nhiên, đến hôm nay rừng dừa nước không còn rộng như trước kia, một phần vì sự phá hủy của bom đạn chiến tranh, một phần lớn do nhân dân chặt phá, đào ao nuôi trồng thủy sản, diện tích rừng dừa nước ngày càng bị thu hẹp.

Ông Trương Thanh Thảo - Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê cho biết, hiện nay rừng dừa nước chỉ còn khoảng 7ha, trong đó điểm tập trung rậm rạp dừa nước chỉ còn khoảng 3ha. Song nơi đây vẫn còn giữ được diện mạo của một vùng sông nước hữu tình. Để giữ gìn một di tích lịch sử, một cảnh đẹp thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, năm 2007, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với căn cứ rừng dừa nước xã Tịnh Khê. Tuy nhiên, khu vực này hiện chỉ mới xây dựng bia di tích, chưa khoanh vùng, cắm mốc nên nguy cơ rừng dừa nước sẽ tiếp tục bị xâm hại.

“Địa phương rất mong cấp trên và ngành văn hóa- thể thao và du lịch có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ di tích, cũng như quan tâm đầu tư xây dựng, biến nơi đây thành địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn để thu hút du khách đến tham quan; đồng thời giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”, ông Thảo nói.

PHẠM DANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét