(Báo Quảng Ngãi)- Núi Thình Thình, theo “Non nước xứ Quảng” của Phạm Trung Việt, nằm ở độ cao khoảng 168m so với mực nước biển, thuộc địa phận 2 xã Bình Thanh Đông và Bình Tân (Bình Sơn).
Từ TP.Quảng Ngãi đến núi Thình Thình có hai con đường. Con đường thứ nhất từ quán cơm cầu Trà Khúc xuống đến chợ Châu Sa rẽ trái về hướng thành cổ, băng qua những cánh đồng lúa xanh bát ngát của các xã Tịnh Châu, Tịnh Thiện, Bình Tân, đến trung tâm xã Bình Tân.
Từ trung tâm xã theo đường dốc để lên đến đỉnh núi Thình Thình. Con đường thứ hai từ TP. Quảng Ngãi ra Tịnh Phong, Sơn Tịnh đến ngã ba Ba Tân Gân đi về hướng đông khoảng 6 cây số thì đến núi Thình Thình.
Khuôn viên chùa Thình Thình. |
Nhìn từ xa, núi Thình Thình giống như một con cá sấu khổng lồ. Xung quanh núi là những khu rừng nguyên sinh ngút ngàn trông rất đẹp mắt. Trên đỉnh núi là một khoảng đất rộng, bằng phẳng. Đứng trên đỉnh núi, khách tha hồ phóng tầm mắt ra xa. Phía tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ, phía bắc và phía đông là những đám mây trắng bồng bềnh nổi lên từ biển, xa xa là đảo Lý Sơn thấp thoáng trong sương. Nhìn về phía nam là “phố thị xa mờ ồn ã người đi”. Ai đến đây cũng phải thốt lên rằng, Thình Thình thật hùng vĩ và nên thơ.
Núi Thình Thình vẫn còn giữ được nét nguyên sơ. Chỉ có những thung lũng dưới chân núi mới được con người cải tạo thành những con đập giữ nước để phục vụ sản xuất. Nhìn những con đập nước trong xanh ta có cảm giác như đang đứng bên thung lũng Tình Yêu, hay hồ Than Thở của Đà Lạt. Núi Thình Thình ngoài vẻ đẹp nguyên sơ, còn có một điều rất kỳ thú.
Cứ mỗi bước chân đặt xuống mặt núi lại phát ra tiếng vọng thình thình như tiếng trống đồng (ngày nay, tiếng thình thình chỉ còn nghe rất nhỏ ở phía gần giếng nước). Vì thế mà núi Thình Thình ngày trước có tên là Cổ Sơn (trống núi), về sau người ta lại gọi là Thanh Thanh Sơn. Và bây giờ là Thình Thình. Có lẽ chính vì sự kỳ thú này mà năm 1920, Hòa thượng Thích Diệu Quang (quê ở Tịnh Long, TP. Quảng Ngãi) đã chọn nơi đây để khai sơn lập chùa.
Chùa có tên là Viên Giác Tự, nhưng nhân dân địa phương quen gọi là chùa Thình Thình. Chùa có diện tích khoảng 500m2 (không tính khuôn viên), gồm nhiều nhà liên hoàn với các kiểu kiến trúc khác nhau. Trước cửa chùa có tấm biển rộng sơn son thếp vàng đề chữ Viên Giác Tự. Bên trong chùa, gian giữa là trung tâm tổ chức các nghi lễ.
Chùa có tên là Viên Giác Tự, nhưng nhân dân địa phương quen gọi là chùa Thình Thình. Chùa có diện tích khoảng 500m2 (không tính khuôn viên), gồm nhiều nhà liên hoàn với các kiểu kiến trúc khác nhau. Trước cửa chùa có tấm biển rộng sơn son thếp vàng đề chữ Viên Giác Tự. Bên trong chùa, gian giữa là trung tâm tổ chức các nghi lễ.
Chánh điện được trang trí nội thất theo thứ bậc: Hàng trên thờ phật Thích Ca, tả hữu Như Lai Bồ Tát; hàng dưới ở giữa là Chuẩn Đề 18 tay; tả hữu có Địa Tạng Tiêu Diện. Phía sau điện, thờ các tăng ni quá cố... Núi Thình Thình, chùa Thình Thình từ lâu đã đi vào ca dao: “Núi Thình Thình, chùa cũng Thình Thình/ Ai lên tới đó cho mình hỏi thăm/ Vì đâu nên tiếng nên tăm/ Để cho mảnh đất ngàn năm thình thình”.
Núi Thình Thình, chùa Thình Thình không chỉ là thắng cảnh mà còn là di tích lịch sử của Quảng Ngãi. Trong những năm kháng chiến chống ngoại xâm, núi Thình Thình là một trong những căn cứ cách mạng. Chùa Thình Thình được UBND tỉnh Quảng Ngãi xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào năm 1993.
Núi Thình Thình, chùa Thình Thình không chỉ là thắng cảnh mà còn là di tích lịch sử của Quảng Ngãi. Trong những năm kháng chiến chống ngoại xâm, núi Thình Thình là một trong những căn cứ cách mạng. Chùa Thình Thình được UBND tỉnh Quảng Ngãi xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào năm 1993.
Bài, ảnh: PHẠM VĂN HOANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét