Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

Xuôi dòng Hoạt giang

(Baothanhhoa.vn) - Không có được tầm vóc như con sông Mã khi thì dữ dội, kiêu bạc “gầm lên khúc độc hành”, lúc lại sâu lắng, trầm ngâm nép mình trong lòng thành phố; cũng không phải là dòng sông Chu chở nặng phù sa mà bồi đắp nên xóm làng, bờ bãi, con sông Hoạt như một dải lụa mỏng manh, vắt mình qua hai xã Nga Thiện, Nga Điền của huyện Nga Sơn.

Xuôi dòng Hoạt giangToàn cảnh chùa Hàn Sơn – Cửa Thần Phù (xã Nga Điền, Nga Sơn). Ảnh: Hương Thảo
Nhắc về những dòng sông đôi khi là để chúng ta nối dài câu chuyện về sự đắp bồi nên nét đẹp văn hóa. Nó đúng như cái cách mà con sông Hoạt đã góp phần kiến tạo nên diện mạo văn hóa đặc sắc của mảnh đất Nga Sơn. Xuôi dòng sông Hoạt, ngao du qua những địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh trên hành trình mà nó đi qua để thấy được chiều sâu văn hóa – lịch sử của mảnh đất được đánh giá là một trong 10 khu vực trọng điểm khai thác du lịch của tỉnh Thanh Hóa.
Xã Nga Thiện, nơi sông Hoạt tự ngàn xưa đã êm đềm con nước và cũng là nơi chứng kiến mối lương duyên, thiên tình sử lãng mạn giữa chàng Từ Thức và nàng Giáng Hương. Tạo hóa, như có một bàn tay siêu thần, có phép màu nhiệm tạo nên bao nhiêu cảnh đẹp như thực, như mơ, lung linh rực rỡ sắc màu nơi động Từ Thức (hay còn gọi là động Bích Đào). Quả không sai nếu có ai đó liên tưởng vẻ đẹp của động Từ Thức như một cuộc chơi kỳ công mà người chơi không phải ai khác ngoài những khối thạch nhũ, khối đá. Khen tạo hóa khéo tạc nên hình, nên dạng rất thực, rất gần gũi với đời sống thường ngày của con người, của hạnh phúc lứa đôi, mà cảnh là một tác phẩm kỳ ảo của thiên nhiên lưu lại những kỷ niệm trùng hợp của đôi trai tài, gái sắc. Bước chân vào động, trong không gian tĩnh lặng, du khách như nghe được lời của những khối thạch nhũ, khối đá – thì thầm kể câu chuyện Từ Thức gặp tiên. Câu chuyện chia thành 3 phần trùng khớp với 3 cung có trong lòng động. Cung 1 là cảnh Từ Thức gặp tiên và lấy vợ tiên, trung tâm là cảnh “quần tiên hội ẩm”. Cung 2 là cảnh Từ Thức sống ở cõi tiên và ước mơ về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân gian. Chẳng thế mà ở đây có đủ đầy nào kho thóc, kho vàng, kho bạc, kho muối... Lại có cả hình tượng thiêng liêng “rồng chầu ấp trứng”. Rồi những phiến đá, nhũ đá mỏng, màu trắng ngà rủ từ trần động xuống. Với trí tưởng tượng phong phú của mình, dân gian gọi những nhũ đá đó là dàn “đàn đá”, “trống đá”. Nếu du khách có nhã hứng, chỉ cần gõ nhẹ vào những thanh nhũ đá ấy sẽ nghe vang lên nhiều cung bậc khác nhau của âm thanh. Có tiếng trầm hùng như từ ngàn xưa vọng lại và có những thanh âm réo rắt như cao vút tận trời xanh. Càng vào sâu trong động, du khách càng thêm ngỡ ngàng trước sự sắp đặt ngẫu nhiên mà khéo léo, tài tình của tạo hóa. Mỗi một không gian trong động đều tập trung tái hiện lại thiên tình sử xưa kia. Đó là bàn cờ tiên, thư phòng của Từ Thức, buồng tắm của Giáng Hương, đường lên trời hay lối xuống âm phủ, cảnh Từ Thức cùng Giáng Hương “cưỡi xe mây” du ngoạn chốn bồng lai hay cùng che “lộng vàng” ngâm thơ, đọc sách. Cung 3 tái hiện cảnh Từ Thức từ biệt Giáng Hương trở về hạ giới với một đôi giầy cũ để lại cõi tiên, những bông hoa mẫu đơn vừa như mở đầu cho mối nhân duyên gặp gỡ và cũng là khép lại câu chuyện từ biệt, chia ly. Phía cuối động có vòm thấp, phải cúi đầu mới vào được đó là “lầu cô lầu cậu” rất linh thiêng, những cặp vợ chồng thường vào đó để cầu tự sinh trai tài, gái sắc.
Mang theo câu chuyện tình đẹp giữa chàng Từ Thức và nàng Giáng Hương và những hình ảnh đẹp của “danh sơn đệ nhất động” của trời Nam – động Từ Thức, sông Hoạt tiếp tục xuôi dòng đưa du khách đến với một di tích, thắng cảnh nổi tiếng khác của xã Nga Thiện. Đó là núi Bia Thần. Trên ngọn núi này có khắc một chữ Thần bằng tiếng Hán rất lớn, chiều ngang khoảng 1m, chiều dọc khoảng 2m. Không ai biết chính xác về sự ra đời của chữ Thần này, sử sách có ghi chép lại nhưng cho đến nay cũng tồn tại rất nhiều dị bản, khó phân định đúng sai. Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi chép lại: “Chữ Thần khắc trên đá tương truyền là bút tích của Vua Lê Thánh tông”. Tuy nhiên, theo như nghiên cứu gần đây của các tác giả Hồng Phi, Hương Nao thì chữ Thần được khắc vào tháng hai năm Tân Mão (1771), trong dịp chúa Trịnh Sâm trở về Kinh đô Thăng Long bằng đường thủy, sau hơn nửa năm kinh lý trên xứ Thanh Hoa. Và sáu chữ Hán nhỏ khắc chìm bên cạnh chữ Thần là “Nhật Nam nguyên chủ đặc sai” cho ta biết đây là bút hiệu của chúa Trịnh Sâm, thường đi kèm với các bài thơ khắc đá của ông. Chính sự không rõ ràng về nguồn gốc này lại càng khiến cho sự có mặt của bia Thần trên hành trình sông Hoạt xuôi dòng thêm phần kỳ bí, nhuốm màu sắc tâm linh. Nhìn nét chữ khỏe khoắn, phóng khoáng được khắc tạc trên đá, ở một vị trí núi non hiểm trở như muốn chứng tỏ rằng nơi đây là vùng đất thiêng, có thần linh che chở, phù hộ.
Nếu bên này sông, con người khéo tạc nên chữ Thần nơi cửa biển thì chỉ cần một cái ngoái đầu, du khách sẽ cảm thấy vô cùng thú vị khi được ngắm nhìn tượng ông Lã Vọng ngồi buông cần câu cá trên chỏm đá do bàn tay thiên nhiên gọt giũa mà thành. Giữa sóng nước mênh mông, đôi bờ chỉ thấy xanh mướt bờ tre, ruộng cói xen kẽ màu tím ngan ngát của những cánh hoa lục bình lập lờ trôi và những nếp nhà ẩn hiện, tượng ông Lã Vọng trên cao khiến du khách dễ dàng liên tưởng đến câu chuyện Lã Vọng câu cá chờ thời nổi tiếng.
Mê mải theo dòng Hoạt giang, du khách đã thấy mình ở giữa mênh mông non nước Thần Phù. Cửa Thần Phù vốn là một cửa biển hiểm yếu xa xưa nằm trên tuyến đường thủy hành quân Nam tiến của người Việt nên được gắn với nhiều truyền thuyết ly kỳ trong dân gian và sử sách. Theo Nam Ông mộng lục, Vua Lý Thái tông mang quân Nam tiến để đánh dẹp Chiêm Thành, đến cửa biển này gặp gió to sóng dữ, không đi được, may nhờ một đạo sĩ có phép thuật cao minh dẹp yên sóng dữ. Trên đường trở về, đạo sĩ mất. Vua biết tin, cho lập đền thờ ở ngay cửa biển, phong hiệu là “Áp lãng chân nhân” (người dẹp yên được sóng dữ) và gọi tên nơi đây là cửa biển Thần Phù. Sử sách Việt có ghi chép lại nhiều chiến tích chống giặc ngoại xâm qua các thời kỳ của quân và dân ta nơi cửa biển này. Năm 40 sau Công nguyên, Lê Thị Hoa - nữ tướng của Hai Bà Trưng đã tổ chức quân đội, phất cao ngọn cờ độc lập chống lại sự tấn công của Mã Viện. Vào cuối thế kỷ X, khi Vua Đinh Tiên Hoàng vừa mới mất (năm 979), Đinh Toàn lên ngôi, Lê Hoàn là nhiếp chính. Phò mã Ngô Nhật Khánh cùng quân Chiêm tiến ra Hoa Lư đánh nhà Đinh. Nhưng vừa tới cửa Tiểu Khang (cửa Thần Phù) thì bị gió bão đánh chìm. Ngô Nhật Khánh chết đuối, chúa Chiêm may mắn thoát nạn. Đến với cửa biển Thần Phù, chúng ta không chỉ được hiểu biết thêm về lịch sử đấu tranh anh dũng của ông cha ta, mà còn được ngắm phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp vùng cửa biển và ghé thăm chùa Hàn Sơn – một công trình kiến trúc tâm linh có tính nghệ thuật cao. Trong lịch sử ngàn năm nước Đại Việt xưa, non nước Thần Phù là danh sơn thắng địa bậc nhất trong 12 cửa biển. Chẳng thế mà Nguyễn Trãi khi qua nơi này đã động lòng mà viết nên thơ: “Núi vút ngàn trùng non dựng đứng/ Rắn bò một dải nước quanh đi”. Qua sự biến thiên của thời gian, một cửa biển sóng to, gió giữ từng là nỗi ám ảnh của thuyền, bè qua lại, đến nay chỉ còn là vùng đất nằm cách bờ biển hơn 10km.
Xuôi dòng Hoạt giang, du khách không chỉ được thả hồn trong cảnh sắc thiên nhiên mà còn được thưởng thức nhiều đặc sản đã làm nên hương vị ẩm thực độc đáo của Nga Sơn: Gỏi cá nhệch; dê ủ trấu...
Tiềm năng, thế mạnh là thế, tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, dòng sông Hoạt với những thế mạnh thu hút khách du lịch chưa được khai thác một cách thực sự tương xứng, có hiệu quả. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, bằng những chủ trương đúng đắn và sự quan tâm, đầu tư, khai thác của các cấp, các ngành, du lịch sông Hoạt nói riêng và du lịch Nga Sơn nói chung sẽ phát triển một cách hiệu quả, bền vững, hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
Hương Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét