Trong lòng núi, hệ thống nhũ đá được chia thành 3 cung theo cấu trúc của hang động. Điều đặc biệt là hình dáng hệ thống nhũ đá như “kể lại” chuyện Từ Thức gặp và lấy tiên - thoát cõi trần gian lên tiên giới. Theo các thông tin từ Ban Quản lý di tích động Từ Thức, Từ Thức là nhân vật có thật, quê làng Cầm La, huyện Tống Sơn xưa, nay thuộc thị xã Bỉm Sơn, thi đậu bảng nhãn và làm quan tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Chán cảnh bon chen chốn quan trường, ông đã rũ áo quan về quê, sống ẩn dật, rồi một mình điền dã khắp nơi và mất tích tại khu vực núi Ngũ Hành Sơn thuộc TP Đà Nẵng ngày nay. Tuy nhiên, với khát vọng “thoát tục”, khát vọng về một cuộc sống đủ đầy, không có áp bức bất công, không có những thị phi nơi chốn hồng trần, dân gian đã sáng tác nên câu chuyện tình giữa người trần và một vị tiên, mà có vào thăm động mới cảm nhận rõ từng chi tiết chuyện đều phù hợp đến kinh ngạc với hình dạng những nhũ đá, phiến đá kỳ thú trong động.
Ngay khi bước qua cửa động, cũng chính là cung đầu tiên của hang động, qua trí tưởng tượng của dân gian, ở đây có những phiến đá giống kho thóc, kho vàng gắn với chi tiết Từ Thức khi còn làm quan đã mở kho dự trữ để giúp dân nghèo. Trên trần hang cao hàng chục mét, cũng hiện ra vô số nhũ đá đủ màu sắc và hình dáng. Từ cảnh vườn hoa mẫu đơn – nơi bối cảnh nàng Giáng Hương giả người trần đi dự hội hoa mẫu đơn (tương truyền thuộc khu vực chùa Tiên, xã Nga An ngày nay), vô tình làm gãy cành hoa nên bị giữ lại. Rồi cảnh chàng Từ Thức dùng chiếc áo gấm của mình để “đền” cho Giáng Hương cũng hiện ra như thật. Cách đó không xa, cảnh quần tiên hội ẩm mừng đám cưới của Từ Thức và nàng Giáng Hương cũng được tái hiện. Một câu chuyện tình đẹp giữa người trần và tiên nhân được thêu dệt, mang theo khát vọng chinh phục cái đẹp, khát vọng vươn tới sự thánh thiện, vượt qua những rào cản trong ý thức hệ phong kiến của dân gian.
Lách mình qua một khe đá hẹp, chúng tôi được dẫn sang cung thứ 2 của động. Một phiến đá như có hình người ngồi trên, được coi là xe mây mà mẹ nàng Giáng Hương điều xuống để đưa Từ Thức lên tiên giới. Rồi vô số nhũ đá thể hiện cảnh ở chốn bồng lai – giai đoạn Từ Thức ở trên trời – như đúng câu chuyện kể mà dân gian lưu truyền qua nhiều thế hệ. Những hố đá đọng nước với những dòng nước nhỏ trong động khiến dân gian liên tưởng đến các dòng suối các tiên nữ thường tắm và chơi đùa trên tiên giới. Bàn cờ tiên nơi Từ Thức và Giáng Hương ngồi đánh cờ cũng được tái hiện bằng các phiến đá ngay trên lòng hang động.
Các phiến đá, hệ thống nhũ đá như từng cảnh dẫn dắt câu chuyện của chàng Từ Thức khi nhớ quê hương, người thân, quyết chia tay vợ tiên để về lại hạ giới. Chỉ 1 năm trên tiên giới, đã gần bằng 100 năm dưới trần gian nên khi ông trở về, đã không còn ai nhận ra mình. Nhà cửa, cảnh quan cũng không còn hoặc biến đổi nhiều khiến ông cảm thấy cô đơn. Chi tiết ông nhận ra cây táo cổ thụ ở vườn nhà mình và nhờ người thợ đốn hạ như trong câu chuyện truyền thuyết cũng được thể hiện bằng một phiến đá tròn giống hệt thân cây, có các vết cắt trên thân. Rồi mâm xôi, miếng thịt luộc khi ông làm cúng tổ tiên để ra đi điền dã khắp nơi... đều “ứng” với những phiến đá, nhũ đá như trong chuyện kể của dân gian. Phần cuối cùng của hang động, có 5 phiến đá dựng đứng phân bổ rải rác, được người đời liên tưởng đến 5 ngọn núi của dãy Ngũ Hành Sơn – nơi ông yên nghỉ.
Phải trải qua hàng trăm triệu năm kiến tạo địa chất mới hình thành được hệ thống nhũ đá trong động Bích Đào. Và câu chuyện dân gian “Từ Thức lấy vợ tiên” cũng không ai biết có từ khi nào. Song có một sự trùng hợp lạ thường là nội dung câu chuyện truyền thuyết đều được thể hiện qua hệ thống nhũ đá, như những cảnh phim tái hiện nội dung của “kịch bản dân gian” có sẵn ấy. Qua các nhũ đá vô tri, vô giác, dân gian đã thổi hồn, gửi gắm khát vọng “thoát tục” của mình vào đá. Để từ đó, cho ta một danh thắng nổi tiếng xứ Thanh, gắn với câu chuyện truyền thuyết mà có lẽ không một động núi nào ở Việt Nam có được. Cùng với hệ thống đền miếu phía chân núi Thạch Bi cách động không xa, quần thể di tích động Từ Thức đang trở thành điểm du lịch đầy tiềm năng của huyện Nga Sơn.
Bài và ảnh: Lê Đồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét