Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2019

Y Na, chùa cổ trong làng cổ


Về xóm Y Na, Tân Cương (TP Thái Nguyên), tôi được chiêm ngưỡng một làng quê thanh bình, xinh đẹp với con đường bê tông rộng rãi theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Con đường đó đưa tôi đến ngôi chùa nổi tiếng Y Na, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.
Chùa ở quả đồi cao nhất trong khu vực, có tên là đồi Con Rùa. Những quả đồi xung quanh cũng mang hình con rùa nhưng thấp và nhỏ hơn, được ví như rùa mẹ và đàn rùa con vậy.


Chùa rộng và sạch với ngôi Tam bảo hơn 200m2, nhà tổ hơn 100m2, nhà thờ mẫu, nhà khách khang trang. Sư cô Thích Đàm Tâm - trụ chì chùa đi vắng. Tôi may mắn gặp được ông Nguyễn Xuân Học, 75 tuổi, Trưởng ban Thường trực Ban hộ tự sẵn lòng giới thiệu về ngôi chùa này. Dòng họ nhà ông Học ở đây đã gần 200 năm. Tuổi thơ của ông chứng kiến sự tồn tại, đổ nát của chùa xưa và cũng chính ông là một trong những người có công xây đắp lại ngôi chùa như hôm nay.

- Đến bây giờ dân làng chúng tôi vẫn chưa biết tuổi của Chùa là bao nhiêu. Khi tôi còn bé thỉnh thoảng cùng bạn chăn trâu lên đây chơi. Hồi ấy khu vực này là rừng nguyên sinh, thâm nghiêm, cây cối rậm rạp, nhiều thú dữ, rắn độc nên ít người dám lai vãng. Tôi nhớ chùa khi ấy nhỏ lắm, nhà tổ chỉ khoảng hơn 30m2, ngôi tam bảo khoảng 50m2, hậu cung hơn 10m2. Tôi cũng được nghe kể lại: Trước năm 1945, nơi này là địa điểm hoạt động bí mật của Việt Minh; thời kỳ chiến tranh, trường cấp 1, 2 sơ tán ở đây. Phía trước chùa còn có một ngôi đình thờ Thành Hoàng làng, nhưng sau đấy đình bị phá đi, nay chỉ còn một chiếc giếng, quanh năm nước trong vắt, mùa khan, các giếng trong làng khô hết, dân làng ra đây múc nước về dùng.

- Vì sao đình lại bị phá đi hả ông? Tôi hỏi.

- Theo các cụ truyền lại, đây là đồi Con Rùa, chùa làm ở phần lưng, còn đình làm ở phần đầu Rùa. Chị biết đấy, con rùa khi bình thường thì thò đầu ra, lúc có động thì thụt đầu vào. Các cụ bảo: Đình đặt ở đầu rùa nên trai tráng chỉ quanh quẩn trong làng, không thành đạt mở mày mở mặt với thiên hạ. Nên các cụ phá đình đi là thế.

Năm 1992, dân làng xây lại chùa theo diện tích cũ. Nhưng sau đó, theo nhu cầu của nhân dân quanh vùng và của chính quyền địa phương, năm 2000 chùa được xây dựng như hôm nay. Ông Học kể: Khi phá chùa, ở bức tường ngôi Tam bảo có dòng chữ: Chùa được xây dựng đời cuối đời Lê, đầu đời Nguyễn. Chúng tôi đang nhờ các cán bộ Bảo tàng tỉnh xác định tuổi đình chùa, từ đó tìm ra Thành hoàng làng là ai?

Theo sử sách, ấp Y Na trước đây gồm 3 làng: Tân Cương, Tân Thành, Thịnh Đức. Rồi vật đổi sao dời, Y Na nay là một xóm của xã Tân Cương và chùa Y Na hiện là ngôi chùa duy nhất của xã Tân Cương.

Trước thềm Liên hoan Trà Thái Nguyên lần thứ 2, nhiều người dân ở Tân Cương - trong đó có ông Học - vẫn chưa thỏa mãn với câu trả lời về cụ Tổ chè Tân Cương là ông Nghè Sổ.

- Đáp số có thể là ở ngôi đình Y Na này, Thành hoàng làng biết đâu là ông tổ cây chè Tân Cương? Các nhà nghiên cứu lịch sử của tỉnh hãy tìm hiểu thêm về đình - chùa Y Na để giải đáp thắc mắc bao ngày của chúng tôi.

 Khi chia tay, ông Học đã tha thiết nói với tôi điều ấy.

Minh Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét