Cụ Đặng Thị Nhân (75 tuổi), 9 năm nay thủ nhang, chăm sóc Đền Hích. |
Tọa lạc trên một gò đất “khum khum gọng vó” nhô ra phía sông Cầu trên một vùng nước “tụ thủy”, mặt quay về hướng Tây, sau lưng là ngọn núi Khản và phía trước là dải núi Hích xanh thẫm, đền Hích (phố Hích, xã Hòa Bình, Đồng Hỷ) bao đời nay là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân xã Hòa Bình và du khách thập phương. Đền không chỉ là một địa điểm tín ngưỡng tâm linh mà còn là Di tích lịch sử văn hóa.
Không ai biết chính xác ngôi Đền này được xây dựng từ khi nào, nhưng dựa vào phong cách kiến trúc hiện có, đền Hích được cho là xây dựng vào đời nhà Nguyễn (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX). Căn cứ vào sắc phong được cấp ngày 25/7 năm Khải Định thứ 9 (1924) thì: Đền Hích thờ Nữ thần sông nước có tên Bạch Ngọc Thủy Tinh Công Chúa. Tương truyền, năm xưa, nơi đây là vùng rừng núi hiểm trở, có đường bộ, đường thủy thông với phương Bắc. Dòng sông Cầu rất sâu và rộng, tàu thuyền lớn vận chuyển qua lại dễ dàng nên dọc đoạn sông đi qua cổng Đền có đặt một số trạm gác của triều đình. Cuộc sống thanh bình của nhân dân nơi đây bị đảo lộn khi giặc phương Bắc tràn xuống. Nơi đây cũng trở thành chiến lũy, nơi tập luyện của quân ta để chống giặc. Tuy nhiên, do thế giặc quá mạnh, quân ta phải rút lui để bảo toàn lực lượng. Khi hàng trăm chiến thuyền của giặc kéo đến khúc sông này thì bỗng nhiên mây đen vần vũ, nước sông sôi sùng sục, sóng lớn đánh vào mạn thuyền khiến quân giặc mất lái thuyền xô vào những vách đá rồi vỡ ra từng mảnh, phần lớn lính rơi xuống nước, số ngoi được lên bờ thì bị quân ta phục kích tiêu diệt khiến thế trận tan tác. Khi trời đất trở lại bình yên, có người thấy một thiếu nữ xiêm y trắng ẩn hiện rồi biến mất cùng khói sóng trên sông. Biết đây là vùng đất thiêng, có thần tiên giúp đỡ, nhân dân cho lập đền thờ. Từ đó, mỗi khi thuyền bè qua lại khúc sông này đều dừng lại, lái thuyền lên bờ thắp hương cầu nguyện cho thuận buồm xuôi gió. Như vậy, có thể nói, căn cứ vào truyền thuyết này, đền Hích đã được nhân dân dựng lên từ rất lâu đời.
Làng Hích là khu vực giàu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là chì và kẽm với trữ lượng lớn. Dưới thời Pháp thuộc, đây là nơi ở của chủ mỏ và công nhân. Những năm 20 của thế kỷ XX, Hích trở thành một thị trấn khá sầm uất. Tuy nhiên, dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai, đời sống của nhân dân hết sức khổ cực, công nhân bị bóc lột thậm tệ. Công nhân mỏ kẽm Hích đã tổ chức đấu tranh đòi quyền lợi như bãi công, đòi tăng lương, giảm giờ làm…
Tìm hiểu về giai đoạn lịch sử này, tôi may mắn gặp được cụ ông Hoàng Văn Thái, cán bộ lão thành cách mạng (sinh năm 1917, hiện đang sống tại xóm Tân Đô, xã Hòa Bình). Tuy đã ở tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe không còn được tốt (mắt đã không còn nhìn thấy ánh sáng, tai không còn được thính) nhưng tinh thần của cụ còn khá minh mẫn. Ông kể lại: những năm 1940, phong trào cách mạng Võ Nhai ngày một lên cao, thực dân Pháp cùng phản động tay sai ra sức lùng sục, đàn áp. Khu vực đền Hích lúc này trở thành địa điểm an toàn, là nơi hội họp, liên lạc của cán bộ địa phương cũng là nơi hoạt động của các đội viên Đội Cứu quốc quân. Năm 1944, tại đền Hích, dưới sự chỉ đạo của tổ chức Đảng Võ Nhai (trước Cách mạng tháng Tám, làng Hích thuộc xã Đặc Kiệt, tổng Vân Lăng, châu Vũ Nhai, sau năm 1953 được tách thành 3 xã: Văn Lăng, Hòa Bình và Tân Long), Nông hội đỏ xã Đặc Kiệt đã được thành lập. Ông được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Chủ nhiệm Việt Minh, sau này còn nhiều năm liền làm Chủ tịch xã). Sau khi thành lập, Hội đã tổ chức cho nhân dân đến tịch thu tài sản, triện của lý trưởng, đồng thời vận động bà con quyên góp lương thực, tập hợp quần chúng đứng lên chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Điều này cũng đã được ghi trong lí lịch của di tích này.
Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đã có nhiều cơ quan, đơn vị về ở và làm việc tại xã Hòa Bình (như Tòa án Quân sự, xưởng giới H5 – Quân khu I, Đoàn Nghệ thuật Việt Bắc). Riêng Đền Hích từng được sử dụng làm kho quân lương của Liên khu Việt Bắc. Với những sự kiện đó, năm 2007, đền Hích đã được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Do sự tàn phá của thời gian, Đền đã xuống cấp nên được trùng tu một số lần, phục dựng lại một số hạng mục nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, thâm nghiêm. Đặc biệt, Đền còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị như bộ kiệu, sắc phong của triều đình, ngai, chuông đồng, hoành phi, tượng… Hiện nay, Đền có khuôn viên rộng trên 2 nghìn m2 rợp bóng cây xanh, có một số công trình phụ như: nhà khách, khu vệ sinh, bãi để xe phục vụ cho nhu cầu khách tham quan vãn cảnh hay tổ chức lễ hội.
Hội đền Hích được tổ chức hằng năm vào ngày rằm tháng Giêng với phần lễ được diễn ra rất long trọng và phần hội với các trò chơi dân gian. Dân làng tổ chức rước kiệu (trên kiệu có đặt bài vị nữ thần của Đền và một số đồ lễ) đi khắp làng ban phước lành cho dân chúng. Riêng ngày 17/3 Âm lịch, dân làng tổ chức ngày giỗ Mẫu. Ngày Hội và ngày giỗ Mẫu đền Hích hằng năm đều diễn ra khá trang trọng và thu hút đông đảo người dân thập phương về trẩy hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét